CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã KDH - HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý 4 và năm 2022 với những con số không mấy vui vẻ. Đáng nói, đây cũng là quý kinh doanh cuối cùng trước khi cổ phiếu KDH rời rổ VN30 đầu tháng 2 tới.
Trong quý 4/2022, Nhà Khang Điền ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.234 tỷ đồng - tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, do giá vốn bán hàng tăng mạnh gấp 9 lần cùng kỳ nên lợi nhuận gộp của công ty giảm 38% về 298 tỷ; biên lãi gộp giảm từ 81% YoY về còn 23% - mức thấp nhất kể từ quý 4/2016 (đạt 14,7%).
Trong quý, doanh thu tài chính của KDH đạt 9 tỷ đồng (cao hơn 3 quý trước đó cộng lại) trong khi chi phí tài chính tăng gấp gần 5,4 lần cùng kỳ lên 29 tỷ. Bên cạnh đó, chi phí quản lý cũng tăng 18% lên mức 57 tỷ.
Bù lại, chi phí bán hàng quý này của Nhà Khang Điền giảm 80 tỷ so với cùng kỳ về mức 42 tỷ đồng. Khoản mục chi phí khác của công ty cũng giảm 45% YoY về mức 11,5 tỷ đồng.
Đáng nói, khoản "thu nhập khác" của KDH cũng "bốc hơi" tới 94% so với cùng kỳ và giảm 91% so với quý trước đó về còn gần 12,9 tỷ đồng.
Kết quả, Nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm tới 66% YoY về còn 179 tỷ đồng; lãi sau thuế quý 4/2022 giảm 73% còn gần 111 tỷ - mức thấp nhất của công ty kể từ quý 1/2019 (đạt 101 tỷ đồng) và là mức đáy kể từ khi cổ phiếu KDH lọt rổ VN30 hồi quý 3/2020.
Đvt: Tỷ đồng |
Lũy kế năm 2022, Nhà Khang Điền đạt tổng doanh thu đạt 2.911 tỷ đồng - giảm 22% so với năm 2021 - mức thấp nhất trong 3 năm COVID-19; lợi nhuận gộp giảm 23% về 1.383 tỷ đồng.
Trong năm, chi phí tài chính của công ty tăng 12% lên mức 81 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 21% lên 219 tỷ trong khi chi phí bán hàng giảm 50% về 103 tỷ đồng.
Bù lại, nhờ có 412 tỷ đồng "lợi nhuận khác" - gấp 2,2 lần YoY (chủ yếu là khoản lãi từ giao dịch tại Công ty Phước Nguyên và Đoàn Nguyên) nên lợi nhuận trước thuế của Nhà Khang Điền năm 2022 chỉ giảm 8% so với năm trước đó (đạt 1.408 tỷ); lợi nhuận sau thuế giảm 10% về 1.081 tỷ đồng. Dù vậy, công ty vẫn duy trì được con số lãi nghìn tỷ sau 2 năm trước đó (năm 2020 lãi ròng 1.154 tỷ đồng và năm 2021 lãi 1.204 tỷ).
Dù vậy, nếu so với kế hoạch kinh doanh với doanh thu 4.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng, kết năm 2022, KDH mới hoàn thành được 72% mục tiêu doanh thu và 77% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Nhà Khang Điền tăng tới 50% so với thời điểm đầu năm lên mức 21.631 tỷ đồng trong đó 95% là tài sản ngắn hạn.
Đáng chú ý, lượng tiền và tương đương tiền tăng gấp đôi lên mức đạt 2.752 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 5.303 tỷ đồng; tồn kho cũng tăng tới 4.700 tỷ đồng (+61%) so với đầu năm lên mức 12.440 tỷ.
Cộng gộp, giá trị các khoản phải thu và hàng tồn kho đã chiếm tới 82% tổng tài sản của công ty qua đó gây ra vấn đề đáng quan ngại về chất lượng tài sản. Đó là chưa kể KDH còn 749 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn.
So với thời điểm đầu năm, ghi nhận tại báo cáo thuyết minh hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm, Nhà Khang Điền đang dành rất nhiều nguồn lực vào việc triển khai 3 dự án lớn trong đó tăng 1.752 tỷ đồng và dự án Khu dân cư Tân Tạo; bổ sung mới 3.258 tỷ đồng vào dự án Khu nhà ở Đoàn Nguyên và tăng giải ngân gấp đôi vào dự án Bình Trưng Đông.
Đáng chú ý, quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của đa số dự án thuộc nhóm hàng tồn kho này đã được Khang Điền thế chấp cho các khoản vay ngân hàng nhằm mục đích đầu tư góp vốn và tài trợ các dự án.
Về nguồn vốn, đến cuối quý 4/2022, nợ phải trả của Nhà Khang Điền thậm chí tăng tới 2,3 lần so với đầu năm lên mức 9.838 tỷ đồng trong đó tổng các khoản vay nợ tài chính tăng gấp 2,6 lần lên mức đạt 6.771 tỷ; phần lớn trong số này là khoản vay Ngân hàng OCB (3.276 tỷ) và VietinBank (2.138 tỷ) cùng với 1.100 tỷ đồng vay nợ trái phiếu.
Vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm của KDH đạt 11.794 tỷ đồng - tăng 15% so với đầu năm.
Quan sát cho thấy, áp lực về nguồn vốn do hàng tồn kho tăng mạnh tiếp tục được thể hiện rõ trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ và các hoạt động vay nợ của Khang Điền trong kỳ. Dòng tiền kinh doanh tiếp tục là "vấn đề" của công ty trong nhiều năm trở lại đây khi âm tới 1.824 tỷ đồng (năm trước âm 1.595 tỷ đồng); nguyên nhân chủ yếu là do tăng tồn kho (4.707 tỷ đồng), tăng các khản phải thu (576 tỷ đồng), chi trả lãi vay (492 tỷ đồng).
Với việc dòng tiền đầu tư âm 19 tỷ đồng, KDH trở nên lệ thuộc nặng nề vào vốn vay bên ngoài. Trong năm, dòng tiền đi vay của công ty đã tăng gần gấp đôi đầu năm lên mức 4.208 tỷ đồng trong khi dòng tiền trả nợ gốc vay ít hơn 200 tỷ đồng so với năm trước.
Điều tích cực là dòng tiền tài chính đã giúp lưu chuyển tiền thuần cả năm đạt 1.386 tỷ đồng qua đó giúp lượng tiền và tương đương tiền cuối năm tăng thêm 2 lần so với đầu năm.
Trên thị trường, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) mới đây đã công bố bộ chỉ số VN30 kỳ tháng 1/2023 (hiệu lực từ ngày 6/2 đến ngày 4/8/2023) trong đó sẽ thêm mới cổ phiếu BCM của Becamex đồng thời loại KDH ra khỏi danh mục.
Được biết, cổ phiếu KDH được thêm mới rổ VN30 từ ngày 3/8/2020 cùng với TCH của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy để thay thế cho 2 mã CTD của Coteccons và BVH của Tập đoàn Bảo Việt.
Tại thời điểm đó, vốn điều lệ của công ty chỉ ở mức 5.500 tỷ đồng và giá cổ phiếu giao dịch ở mức 18.200 đồng (giá sau điều chỉnh).
Ngay sau khi được thêm vào danh mục VN30, cổ phiếu KDH đón nhận lượng thanh khoản tăng mạnh và cổ phiếu được kéo lên mức đỉnh lịch sử 51.640 đồng - chỉ 17 tháng sau đó (ngày 6/1/2022) - tương ứng tăng 184%.
Cũng từ vùng giá này, thị trường chứng khoán năm 2022 không thuận lợi và nhóm cổ phiếu bất động sản cũng gặp nhiều "biến cố"; cổ phiếu KDH sau 2 nhịp giảm sau bị kéo về đáy 2 năm (còn 19.400 đồng trong phiên 15/11/2022) - tương ứng giảm 62,5% giá trị.
Diễn biến giá cổ phiếu KDH |
Sau nhịp hồi phục, cổ phiếu Nhà Khang Điền kết phiên 19/1/2023 tại mức 27.600 đồng - thấp hơn gần nửa thị giá so với đỉnh lịch sử. Vốn hóa thị trường cũng chỉ còn 19.564 tỷ đồng.
Hai yếu tố thúc đẩy triển vọng bất động sản dân cư phía Nam trong năm 2025
VCBS gọi tên 7 cổ phiếu bất động sản có tiềm năng tăng giá đến 30%