Ngôi làng là quê hương của Đại tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại đánh bại 4 quốc gia trên thế giới: Vùng đất ‘địa linh nhân kiệt’ với lịch sử hơn 600 năm
Ngôi làng nằm bên dòng Kiến Giang huyền thoại, đã có lịch sử lâu đời và sản sinh ra nhiều vị anh hùng, nhân tài của đất nước.
Quê hương của Đại tướng huyền thoại
Làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nằm yên bình bên dòng sông Kiến Giang, là nơi gắn bó với tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013). Từ những năm tháng ấu thơ, vị tướng huyền thoại của dân tộc đã lớn lên cùng dòng sông quê hương, những điệu hò khoan, hò hụi và những nét đẹp văn hóa của mảnh đất miền Trung.
Năm 13 tuổi, ông khăn gói vào Huế học rồi đến với cách mạng từ rất sớm. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào lịch sử Việt Nam như một huyền thoại, người làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội. Ông được phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28/5/1948 theo sắc lệnh 110/SL, trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi 37 tuổi.
Đại tướng là chỉ huy chính trong các chiến dịch, là người duy nhất trong lịch sử hiện đại đánh bại quân của đế quốc Nhật Bản, quân đội Pháp, quân đội Mỹ và quân đội Trung Quốc hùng mạnh.
Hiện nay, tại làng An Xá, ngôi nhà lưu niệm thời thơ ấu của Đại tướng vẫn được gìn giữ và bảo tồn nguyên trạng. Đây là một ngôi nhà gỗ ba gian, hai chái, lợp lá, nằm giữa khu vườn xanh mát. Cây khế hơn 100 tuổi sau nhà, nơi từng là chốn ông ngồi học bài cùng bạn bè, vẫn hiên ngang qua bao thời gian và bom đạn chiến tranh.
Sinh thời, mỗi lần trở về quê, Đại tướng luôn dâng hương bàn thờ tổ tiên, viếng mộ cha mẹ và thăm hỏi bà con lối xóm.
Ngay bên cạnh là Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vừa được khánh thành ngày 14/12, là một công trình ý nghĩa trong Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Công trình này không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân với những cống hiến của ông mà còn là biểu tượng của truyền thống yêu nước và khát vọng độc lập, tự do.
Vùng đất nuôi dưỡng những anh hùng
Địa chí làng An Xá do nhóm tác giả Đặng Thị Kim Liên (chủ biên) cho biết, tiền thân của làng An Xá là làng Kẻ Thá từ đời vua Trần Phế Đế cách đây hơn 600 năm: “... Làng An Xá là một làng Việt cổ ở phía Tây Bắc Mũi Viết thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy... Xa xa là dãy Trường Sơn, với ngọn núi ‘Đầu Mâu vượng khí’ mang hình ngọn bút hướng ra phá Hạc Hải như nghiên mực, cảnh quan hưng thịnh với Đầu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên, Trường Sơn vi bản...”
Trải qua hàng trăm năm, những giá trị văn hóa truyền thống như nếp sống gia đình, tình làng nghĩa xóm, cùng các làng nghề lâu đời vẫn được gìn giữ. Điệu hò khoan đặc trưng của miền Lệ Thủy đã theo chân người con quê hương từ thuở nhỏ, nuôi dưỡng tâm hồn và trở thành nguồn cảm hứng bất tận.
Không chỉ vậy, An Xá còn được biết đến là cái nôi của làng nghề dệt chiếu cói và môn đua thuyền truyền thống. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, những điệu hò khoan đã được biến tấu thành lời ca khích lệ tinh thần:
"Nhà tan cửa nát cũng ừ
Đánh thắng giặc Mỹ cực chừ, sướng sau".
Làng An Xá không chỉ là nơi sinh ra Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà còn là quê hương của nhiều nhân vật lịch sử kiệt xuất. Người xã Lộc Thủy kể nhiều câu chuyện dòng họ Võ ở An Xá là dòng họ tận trung với nước từ xa xưa khi khai canh lập làng. Chỉ tính riêng từ thời thân sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ Võ Quảng Nghiêm đến nay, họ Võ ở An Xá có nhiều người là liệt sĩ, hàng chục người tham gia quân đội từ thời kháng Pháp đến chống Mỹ cứu nước.
Theo sử liệu, dòng họ Võ Từ tại đây còn có Đại tư đồ Vũ Văn Dũng - một vị tướng tài của vua Quang Trung.
Ngoài ra, các dòng họ khác ở An Xá cũng có nhiều người thi đỗ Tiến sĩ, giữ chức vụ quan trọng trong triều đình.
Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An có nhắc đến ông Hoàng Hiền (Đổng Hiền), xã trưởng đánh giặc có công được trao chức Tĩnh Sơn Bá; ông Võ Tri Giám đỗ đầu thi Hương, thi Hội nhiều lần trúng Tam trường.
Đời Mạc Mậu Hợp (năm 1525) có ông Phạm Đại Kháng thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ làm quan giữ chức Giám sát ngự sử. Đời Lê Anh Tông (năm 1565) có ông Lê Đa Năng thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ làm quan cũng giữ chức Giám sát ngự sử…
Theo Báo Quảng Bình, trong thời hiện đại có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều cán bộ cách mạng có những đóng góp to lớn cho quê hương đất nước như các ông Võ Thuần Nho, Đào Viết Doãn, Võ Hồng Thanh, Bùi Xuân Các, Trần Bội, Trần Sự...
Nối tiếp mạch nguồn truyền thống yêu nước và hiếu học, các thế hệ con cháu làng An Xá, nhiều vị tướng, tá trưởng thành trong quân đội, nhiều Giáo sư, Tiến sĩ có những công trình, sự nghiệp khoa học được Nhà nước tôn vinh.
Trưng bày đặc biệt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 8 vị tướng trong Quân đội
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp