Nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ‘mất đà’: Hàng nghìn công nhân nghỉ việc, xuất khẩu giảm gần 50%
Theo lời các công nhân và đại lý lao động tại nhà máy, tình hình đã "không còn được như xưa".
Nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, nằm ở thành phố Trịnh Châu, miền Trung Trung Quốc, đang đưa ra mức tiền thưởng cao hơn để thu hút lao động cần thiết cho mùa cao điểm sắp tới trước khi Apple ra mắt các mẫu máy mới.
Tuy nhiên, theo lời các công nhân và đại lý lao động tại địa điểm này, tình hình đã "không còn được như xưa".
Được mệnh danh là "thành phố iPhone", nơi đây vốn luôn được theo dõi chặt chẽ như một thước đo để đánh giá liệu Trung Quốc có thể duy trì vai trò của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu hay không.
Tuy nhiên, một chuyến thăm gần đây đến địa điểm này cho thấy nhà máy đã mất đi một phần động lực, vì khách hàng lớn là Apple đã chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia như Ấn Độ.
Theo người dân địa phương, sự gián đoạn nghiêm trọng diễn ra vào cuối năm 2022. Làn sóng hàng nghìn công nhân Foxconn rời khỏi nhà máy vì lo sợ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 nghiêm ngặt cũng đã giáng một đòn nặng nề vào vai trò của nhà máy này.
Nhiều công nhân, công ty tuyển dụng và chủ doanh nghiệp nhỏ cho biết số lượng công nhân, từng lên tới gần 300.000 người vào mùa cao điểm, đã giảm đáng kể từ năm 2022. Mùa Giáng sinh năm đó, Apple đã phải lên tiếng cảnh báo về sự chậm trễ trong việc giao hàng iPhone.
Foxconn, có trụ sở tại Đài Loan, còn được biết đến với tên gọi chính thức là Tập đoàn Công nghệ Hon Hai, không tiết lộ chi tiết về sản lượng và tình hình lao động hiện tại tại Trịnh Châu.
Một người đàn ông họ Gao, ngoài 50 tuổi, cho biết ông kiếm được khoảng 200 nhân dân tệ mỗi ngày (28 USD) bằng cách chở công nhân bằng xe ba bánh chạy điện. Số tiền này chỉ bằng một nửa so với những gì ông kiếm được trước khi xảy ra tình trạng bất ổn.
Một người đàn ông họ Ye, từng làm việc tại nhà máy vào năm 2022 và mới quay trở lại gần đây, cho biết "Foxconn không còn được như trước nữa".
Ông Ye, người đã rời khỏi nhà máy trong thời kỳ bất ổn năm 2022, đã quay trở lại vào đầu tháng này với vai trò là một nhà thầu. Ye nhận được khoản tiền thưởng 7.500 nhân dân tệ (khoảng 1.047 USD) cho 3 tháng làm việc, ngoài mức lương hàng tháng là 2.100 nhân dân tệ. Ông cho biết bản thân bị hấp dẫn bởi khoản tiền thưởng này, vốn thường được Foxconn đưa ra trong mùa cao điểm sản xuất.
Theo quảng cáo tuyển dụng do các công ty tuyển dụng đăng tải, tiền thưởng đã tăng lên 6.000 nhân dân tệ vào đầu tháng 7 so với mức 4.000 nhân dân tệ được đưa ra vào tháng 3.
Đối với công nhân tạm thời, tiền lương theo giờ của họ đã tăng lên 25 nhân dân tệ từ mức 24 nhân dân tệ vào tháng 7 và 22 nhân dân tệ vào tháng 3, theo thông báo tuyển dụng.
Một công ty tuyển dụng cho biết hoạt động sản xuất tại Trịnh Châu đang trở nên ảm đạm hơn vì Apple đã chuyển những công việc đòi hỏi nhiều lao động sang Ấn Độ.
Foxconn đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện của mình tại Ấn Độ. Tuần trước, Chủ tịch công ty Liu Young-way đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, công bố các kế hoạch đầu tư mới.
Theo DigiTimes Research có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), quốc gia Nam Á này dự kiến sẽ xử lý tới 50% tổng công suất sản xuất iPhone vào năm 2027.
Tác động đã được thể hiện rõ trong dữ liệu chính thức. Tổng lượng điện thoại thông minh xuất khẩu từ Hà Nam đã giảm hơn 47% xuống còn 1,4 triệu chiếc trong nửa đầu năm nay.
Bất chấp những động thái của chuỗi cung ứng, Foxconn vẫn duy trì cam kết với Trịnh Châu. Cách trung tâm sản xuất iPhone khoảng 40km, "trụ sở kinh doanh mới" của công ty đang được xây dựng.
Khu đất rộng 70.000m2 , trị giá 1 tỷ nhân dân tệ, sẽ chịu trách nhiệm cho các lĩnh vực mới bao gồm xe điện, chất bán dẫn và robot.
Theo SCMP