Nhà nước dành gần 77.000 tỷ đồng để tăng lương cho cán bộ, công chức
Dành 76.769 tỷ đồng cho chương trình cải cách tiền lương, đây là tin vui cho cán bộ, công chức, người lao động.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành nghị quyết về việc bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 và phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương. Nghị quyết được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký chính thức.
Tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2024 được điều chỉnh tăng thêm 342.699 tỷ đồng. Trong đó, phần thu ngân sách trung ương tăng 187.244 tỷ đồng và thu ngân sách địa phương tăng 155.455 tỷ đồng. Sau khi loại trừ các khoản viện trợ có mục tiêu cụ thể (ghi thu, ghi chi), nguồn tăng thu ngân sách trung ương thực tế đạt 191.900 tỷ đồng.
Khoản thu này sẽ được phân bổ cho 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đáng chú ý là việc dành 76.769 tỷ đồng cho chương trình cải cách tiền lương. Đây là bước triển khai Nghị quyết số 27 của Trung ương nhằm cải thiện chính sách tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước.

Trước đó, ngày 11/7, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 năm 2025. Phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 do Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất trình Chính phủ là tăng bình quân 7,2%, tương đương khoảng 300.000 đồng mỗi tháng so với mức hiện hành.
Theo đó, lương tối thiểu vùng được đề xuất điều chỉnh như sau:
Vùng I: Tăng từ 4,96 triệu đồng lên 5,31 triệu đồng/tháng, tăng 350.000 đồng (tương đương 7,1%);
Vùng II: Từ 4,41 triệu đồng lên 4,73 triệu đồng/tháng, tăng 320.000 đồng (7,3%);
Vùng III: Từ 3,86 triệu đồng lên 4,14 triệu đồng/tháng, tăng 280.000 đồng (7,3%);
Vùng IV: Từ 3,45 triệu đồng lên 3,7 triệu đồng/tháng, tăng 250.000 đồng (7,2%).
Mức đề xuất tăng lương tối thiểu được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện phần nào đời sống người lao động, đặc biệt là nhóm đang hưởng mức lương thấp. Thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện đã trả lương cao hơn mức tối thiểu vùng, song mức sàn này vẫn đóng vai trò là căn cứ tham khảo quan trọng, không chỉ cho nhóm lao động phổ thông mà còn được các doanh nghiệp sử dụng để xây dựng, điều chỉnh thang bảng lương chung.