Việc nhầm lẫn giữa các ngân hàng có tên tương tự nhau đã gây ra những hiểu lầm, ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam hiện có 50 ngân hàng, bao gồm Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Trong đó, nhiều ngân hàng có tên gần giống nhau khiến cho khách hàng khó phân biệt. Đặc biệt mới đây, trước một số thông tin liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nhiều người dân đã có sự nhầm lẫn giữa các ngân hàng mang tên "Sài Gòn", khiến doanh nghiệp phải lên tiếng đính chính.
Hiện nay, trong hệ thống ngân hàng nước ta có 4 ngân hàng mang tên "Sài Gòn". Cụ thể bao gồm:
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)
- Tên đầy đủ: Ngân hàng TMCP Sài Gòn
- Tên tiếng Anh: Sai Gon Joint Stock Commercial Bank
- Tên giao dịch: Saigon Commercial Bank
- Mã cổ phiếu: SCB
- Hội sở chính: 19-21-23-25 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM
- Vốn điều lệ: 20.020 tỷ đồng (kể từ ngày 30/06/2021).
Ngày 1/1/2012, Ngân hàng TMCP Sài Gòn chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở hợp nhất tự nguyện 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank).
SCB là ngân hàng tư nhân lớn nhất tại Việt Nam với tổng tài sản lên đến 762.000 tỷ đồng, tính đến hết quý II/2022, chỉ đứng sau các BIDV, VietcomBank, VietinBank và AgriBank. Ngân hàng hiện có vốn chủ sở hữu hơn 23.000 tỷ đồng và hệ thống mạng lưới rộng khắp cả nước.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)
- Tên đầy đủ: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín
- Tên tiếng Anh: Saigon Thuong Tin Commercial Joint Stock Bank
- Tên giao dịch: SACOMBANK
- Mã cổ phiếu: STB
- Hội sở chính: 266 - 268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
- Vốn điều lệ: 18.852 tỷ đồng.
Được thành lập từ năm 1991, Sacombank khởi điểm là một tổ chức tín dụng nhỏ với vốn điều lệ khoảng 3 tỷ đồng. Trong những năm 1995-1998, với sáng kiến phát hành cổ phiếu đại chúng (Sacombank là một trong những công ty đầu tiên phát hành cổ phiếu đại chúng ở Việt Nam), Sacombank đã có thể nâng vốn từ 23 tỷ lên 71 tỷ đồng.
Năm 2012, Sacombank có vốn điều lệ là 14.176 tỷ đồng, được coi là ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ và hệ thống chi nhánh lớn nhất Việt Nam.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)
Tên đầy đủ: Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội
- Tên tiếng Anh: Saigon-Hanoi Commercial Joint Stock Bank
- Tên giao dịch: SHB
- Mã cổ phiếu: SHB
- Hội sở chính: Số 77 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
- Vốn điều lệ: 26.674 tỷ đồng.
Ngân hàng SHB (tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Nhơn Ái) được thành lập năm 1993 tại Cần Thơ. Tính tới thời điểm hiện tại, đây là ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản 464.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SGB)
- Tên đầy đủ: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương
- Tên tiếng Anh: SAIGON BANK FOR INDUSTRY AND TRADE
- Tên giao dịch: SAIGONBANK
- Mã cổ phiếu: SGB
- Hội sở chính: 2C Phó Đức Chính, Quận 1, TP.HCM
- Vốn điều lệ: 3.080 tỷ đồng.
Thành lập năm 1987, SAIGONBANK là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam với số vốn ban đầu là 650 triệu. Sau hơn 30 năm thành lập, SAIGONBANK đã tăng vốn điều lệ từ 650 triệu đồng lên 3.080 tỷ đồng.
Việc các doanh nghiệp có tên gần giống nhau khiến nhiều người bị hiểu lầm và ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu. Tiêu biểu như mới đây, những tin đồn tiêu cực liên quan đến SCB sau vụ bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt đã khiến các ngân hàng có tên "Sài Gòn" khác bị ảnh hưởng.
Cụ thể trong ngày 8/10, nhiều người dân vì tiếp cận thông tin không chính xác đã rút tiền tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) dù Ngân hàng Nhà nước đã khuyến cáo người gửi tiền nên bình tĩnh và khẳng định quyền cũng như lợi ích hợp pháp luôn được Nhà nước đảm bảo.
Theo ông Hoàng Minh Hoàn, ngay sau khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công An có quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với bà Trương Mỹ Lan vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc phát hành mua bán trái phiếu của CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông, SCB đã thực hiện rà soát và khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB.
SCB cam kết ngân hàng có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng của SCB theo quy định của pháp luật.
SCB đã tăng lượng tồn quỹ tiền mặt tại tất cả điểm giao dịch, đáp ứng nhu cầu thanh toán, rút tiền chính đáng của khách hàng. Đồng thời, SCB tăng cường lượng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo nhu cầu thanh toán liên ngân hàng, từ SCB qua ngân hàng khác và ngược lại.
Bên cạnh đó, nhiều người còn nhầm lần SCB và Sacombank do tên viết tắt của 2 ngân hàng khá giống nhau. Phía Sacombank đã phải lên tiếng để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng cũng như nhà đầu tư và đối tác.
Xử lý đối tượng tung tin thất thiệt khiến người dân rút tiền ồ ạt tại SCB
Gia tăng các thủ đoạn lừa đảo tài chính trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam
Xuất hiện nhiều bẫy lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua giao dịch ngân hàng