Nhận định chứng khoán 27/8: Cần cân nhắc khả năng VN-Index điều chỉnh
VN-Index đang đối mặt với rủi ro điều chỉnh khi tiếp cận ngưỡng kháng cự 1.290 điểm, mặc dù xu hướng tăng ngắn hạn vẫn được duy trì. Nhà đầu tư cần thận trọng, chờ đợi cơ hội mua mới khi thị trường tích lũy hoặc điều chỉnh.
Tổng hợp nhận định từ các công ty chứng khoán |
Chứng khoán KB: Tích cực - xu hướng tăng lên 1.300 điểm được bảo toàn
VN-Index hình thành mẫu nến giảm điểm thân đặc đi kèm thanh khoản gia tăng, cho thấy áp lực bán trở nên quyết liệt hơn tại ngưỡng kháng cự gần - vùng xuất hiện lượng cung lớn với nhiều phiên phân phối. Mặc dù rủi ro xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh còn hiện hữu, chỉ số vẫn có nhiều cơ hội chinh phục ngưỡng kháng cự quanh 1.300 điểm nhờ xu hướng tăng điểm ngắn hạn vẫn được bảo toàn.
Nhà đầu tư được khuyến nghị mua lại các vị thế trading gối đầu khi VN-Index hoặc các mã mục tiêu điều chỉnh về các vùng hỗ trợ gần.
Chứng khoán BSC: Trung lập - chỉ số tích lũy quanh 1.280 - 1.285 điểm
VN-Index giao dịch trong vùng 1.285 - 1.290 điểm gần như cả ngày trước khi lùi xuống đóng cửa tại mốc 1.280,02 điểm, giảm hơn 5 điểm so với phiên trước đó. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 16/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành Hàng cá nhân & gia dụng dẫn đầu đà giảm. Ngược lại, ngành Bất động sản và Dịch vụ tài chính có phiên giao dịch tích cực. Khối ngoại bán ròng trên cả hai sàn HSX và HNX. Xu hướng tích lũy trong vùng 1.280 - 1.285 điểm vẫn chưa có tín hiệu kết thúc.
Chứng khoán MAS: Trung lập
Với diễn biến không quá lạc quan vào đầu tuần, VN-Index hạ nhiệt về cuối phiên khi chạm mốc 1.290 điểm. Trước ảnh hưởng tiêu cực của nhóm vốn hóa lớn, chỉ số dừng chân tại mốc 1.280 điểm, giảm 5,3 điểm (-0,41%). Tổng khối lượng giao dịch tăng 6,9% so với phiên trước, đạt 775 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch đạt 18.302 tỷ đồng, thanh khoản trên trung bình 20 phiên.
Điểm số đánh giá kỹ thuật ngắn hạn theo thang điểm của chúng tôi giảm từ mức +3 xuống mức +2, giữ nguyên trạng thái trung tính.
Chứng khoán TPS: Tiêu cực - VN-Index hướng về 1.260 điểm
Phiên điều chỉnh của thị trường sau nhịp tăng mạnh trong 2 tuần qua là cần thiết khi chỉ số gặp ngưỡng 1.290 điểm - vùng kháng cự mà thị trường đã khó vượt qua trong tháng 6/2024. Việc điều chỉnh này là hoàn toàn bình thường sau 4 phiên tăng điểm với mức tăng gần 60 điểm. Nhịp điều chỉnh sẽ mở ra cơ hội mua mới cho nhà đầu tư trung và dài hạn. Nhà đầu tư có thể chờ đợi giải ngân ở vùng 1.260 điểm và mua mạnh nếu chỉ số điều chỉnh về ngưỡng 1.220 - 1.240 điểm.
Chứng khoán Asean: Tiêu cực - rủi ro điều chỉnh hiện hữu
Áp lực bán diễn ra mạnh mẽ hơn trong phiên chiều, tập trung vào nhóm cổ phiếu Bán lẻ và Thép. Mặc dù vậy, lực cầu vẫn hấp thụ tốt lực bán, đặc biệt là khi dòng tiền luân chuyển tới nhóm cổ phiếu Chứng khoán. Chứng khoán Asean cho rằng rủi ro điều chỉnh vẫn hiện hữu khi dòng tiền ngắn hạn vẫn chưa chốt lời xong. Động lực bứt phá phụ thuộc lớn vào vai trò dẫn dắt của nhóm cổ phiếu Tài chính (Ngân hàng, Chứng khoán,…). Nhà đầu tư cần lưu ý rủi ro tiềm tàng từ khả năng suy yếu của nền kinh tế Mỹ, kèm theo quá trình gặp khó của chỉ số DJI tại vùng đỉnh.
Chứng khoán Asean đánh giá rất tích cực triển vọng trung và dài hạn của thị trường trong nước. Nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng ổn định và tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng kinh doanh và triển vọng lợi nhuận tốt. Nhịp rung lắc với biên độ lớn hơn trong ngắn hạn (trên vùng 1.260 điểm) sẽ là cơ hội để cơ cấu danh mục.
>> Nhận định chứng khoán 26-30/8: Mốc 1.300 điểm trong 'tầm ngắm'
Cổ phiếu đáng chú ý ngày 27/8: PLX, HPG, NKG
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Phó Thủ tướng Chính phủ