Nhân sự vừa rời ghế CEO đế chế viễn thông 11 tỷ USD của Việt Nam là ai?
Bến đỗ mới của vị lãnh đạo này là doanh nghiệp vừa báo doanh thu năm 2024 gần 20.800 tỷ đồng.
![]() |
Ông Phùng Văn Cường, tân Tổng Giám đốc Viettel Post |
Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post, HoSE: VTP) vừa quyết định miễn nhiệm Tổng Giám đốc Hoàng Trung Thành và Phó Tổng Giám đốc Cấn Long Giang. Đồng thời, Thượng tá Phùng Văn Cường (sinh năm 1981) được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật kể từ ngày 6/2/2025.
Tân Tổng Giám đốc Phùng Văn Cường – người dày dạn kinh nghiệm trong hệ sinh thái Viettel
Ông Phùng Văn Cường gia nhập Viettel từ năm 2004 với vai trò nhân viên, sau đó trải qua nhiều vị trí quan trọng:
- Trưởng phòng Tính cước Công ty Điện thoại Di động Viettel;
- Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin Công ty Viễn thông Viettel;
- Giám đốc Trung tâm Phần mềm Công ty Viễn thông Viettel;
- Trưởng phòng Công nghệ Thông tin Tập đoàn Viettel;
- Quyền Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel kiêm Giám đốc Viettel TP. HCM;
- Quyền Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel.
Từ tháng 6/2019, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Viettel Cambodia. Đến tháng 9/2022, ông đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, VGI) trước khi chuyển sang Viettel Post.
Sau khi ông Cường rời vị trí CEO tại Viettel Global, bà Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1980) – nguyên Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Viettel – đã được bổ nhiệm thay thế, trở thành nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của Viettel Global (hiện có vốn hóa gần 11 tỷ USD).
Song song với việc thay đổi nhân sự cấp cao, Viettel Post đặt tham vọng năm 2025 duy trì vị thế số một trong lĩnh vực chuyển phát, với tốc độ tăng trưởng gấp 2-3 lần so với thị trường. Công ty cũng tập trung đầu tư mạnh vào hạ tầng logistics, đặc biệt là các giải pháp vận chuyển xuyên biên giới, hướng tới mục tiêu tăng trưởng doanh thu 35% so với năm 2024.
Viettel Post hiện có vốn điều lệ 1.218 tỷ đồng. Báo cáo tài chính 2024 mới đây cho thấy, công ty đạt doanh thu gần 20.800 tỷ đồng, tăng 1.200 tỷ so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế giữ ổn định ở mức 383 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VTP bất ngờ giảm sàn trong phiên 10/2, chốt ở mức 150.600 đồng/cổ phiếu, vốn hóa đạt gần 18.400 tỷ đồng (0,73 tỷ USD). Trước đó, mã này đã lập đỉnh lịch sử 170.000 đồng trong phiên 22/1/2025, tương ứng tăng gần 210% so với đầu năm 2024 – mức tăng tương tự cổ phiếu VGI của Viettel Global. Phiên hôm nay, các cổ phiếu họ Viettel đều bị bán mạnh.
>> Viettel Global (VGI) báo lãi cao kỷ lục nhờ chênh lệch tỷ giá, doanh thu tăng trưởng 9 quý liên tiếp