Các nhân viên TikTok tại Mỹ đang phải đối mặt khoản thuế hàng triệu USD đối với số cổ phiếu thưởng mà họ chưa thể bán.
Nnete Matima, cựu Giám đốc bán hàng TikTok đã nghỉ việc vào tháng 8 năm ngoái, cho biết cô đang phải đối mặt với hoá đơn thuế "không hề nhỏ" và "nhiều người phải đóng thuế lên tới sáu con số cho khoản thu nhập chưa từng nhận".
Một trường hợp khác là Patrick Spaulding Ryan, từng làm việc tại ByteDance giai đoạn 2020-2022, cũng phải nộp thuế hơn 100.000 USD cho số cổ phiếu chưa thể bán. Quá bức xúc, Ryan đã nộp đơn khiếu nại lên Sở Thuế vụ, Bộ Lao động và Ủy ban Chứng khoán & Giao dịch Mỹ.
Về phía ByteDance, họ thừa nhận những khó khăn của nhân viên, nhưng nói rằng đó là do quy định từ phía Mỹ. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang sử dụng cơ chế trả lương dựa trên cổ phiếu và “hứa hẹn” có những chương trình mua lại cổ phần của nhân viên hằng năm “dựa trên tình hình của công ty”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tương lai của TikTok còn chưa được định đoạt, không dễ để ByteDance có thể tổ chức vòng huy động lớn từ phía các nhà đầu tư nhằm mua lại số cổ phiếu hạn chế đang trong tay nhân viên.
ByteDance có khoảng 7.000 nhân viên tại Mỹ, cùng với hàng ngàn cựu nhân viên khác. Theo ước tính, nhân viên toàn cầu của công ty Trung Quốc đang nắm khoảng 20% cổ phần doanh nghiệp.
Công ty cũng thường xuyên phát hành cổ phiếu cho nhân viên dưới dạng hạn chế (RSU) - những cổ phần không hưởng quyền cho đến khi được phân phối và chịu thuế thu nhập dựa trên giá trị thị trường tại thời điểm hoàn tất chuyển đổi.
Vào năm 2023, công ty mẹ TikTok phân phối hàng tỷ USD cổ phiếu RSU như một động thái xoa dịu các nhân viên sau khi tạm dừng IPO. Điều này đồng nghĩa số cổ phiếu thưởng phải chịu thuế thu nhập theo quy định. Trong nhiều trường hợp, số cổ phiếu RSU ByteDance tính toán cho nhân viên trả thuế lại không đủ, dẫn đến nhiều cá nhân phải đóng thêm tiền mặt cho thuế vụ.
Đến nay, ByteDance chỉ tổ chức những chương trình mua lại có quy mô nhỏ hơn, thậm chí còn đề nghị mua lại cổ phiếu với giá thấp hơn nhiều so với giá trị bị đánh thuế, đồng thời hạn chế cá nhân bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư bên ngoài.
Tính đến tháng 12/2023, định giá ByteDance đã tăng vọt lên 268 tỷ USD từ 100 tỷ USD vào năm 2020.
Một số nhân viên cũ công ty cho biết cổ phiếu của họ có giá trị thấp hơn khoảng 20% so với cổ phiếu của nhân viên hiện tại, nhưng họ vẫn nợ thuế do định giá hiện tại cao hơn ngày trước.
ByteDance đã áp đặt điều khoản nghiêm ngặt với các nhân viên nhận cổ phiếu thưởng, chẳng hạn như không được chỉ trích công ty và “làm phức tạp thêm tình hình”.
FT dẫn tin ByteDance đã báo cáo giá trị thị trường hợp lý cổ phiếu của hãng ở mức 158 USD/cổ phiếu. Năm ngoái, một số nhân viên cũ cho biết công ty đã đề nghị mua lại cổ phiếu nhân viên hiện tại với giá 160 USD/cổ phiếu, trong khi những người đã nghỉ việc chỉ có thể bán với giá 128 USD.
Tháng trước, có tin ByteDance đề nghị mua cổ phiếu nhân viên với giá 171 USD, hoặc 145 USD/cổ phiếu “tuỳ thuộc vào mối quan hệ làm việc hoặc dịch vụ với công ty”.