Quý 1/2023, lượng nhập khẩu phân bón của cả nước đạt 612.900 tấn, trị giá trên 237,52 triệu USD, giá trung bình đạt 387,5 USD/tấn, giảm 46,2% về kim ngạch.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2023 cả nước nhập khẩu 291.402 tấn phân bón, tương đương 113,2 triệu USD, giá trung bình 388,5 USD/tấn, tăng 59,6% về lượng, tăng 67,7% kim ngạch và tăng 5% về giá so với tháng 2/2023. So với tháng 3/2022 thì giảm cả về lượng, kim ngạch và giá với mức giảm tương ứng 13,3%, 27,7% và 16,6%.
Trong tháng 3/2023 nhập khẩu phân bón từ thị trường chủ đạo Trung Quốc tăng 63% về lượng, tăng 56,9% kim ngạch, nhưng giảm 3,7% về giá so với tháng 2/2023, đạt 143.876 tấn, tương đương 50,05 triệu USD, giá 347,8 USD/tấn; So với tháng 3/2022 thì tăng 4,4% về lượng, nhưng giảm 5% kim ngạch và giảm 9% về giá.
Nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc tháng 3/2023 giảm rất mạnh 64,7% về lượng, giảm 74,6% kim ngạch và giảm 28,2% về giá so với tháng 2/2023, đạt 5.678 tấn, tương đương trên 3,18 triệu USD, giá 560,8 USD/tấn; so với tháng 3/2022 thì tăng mạnh 75,3% về lượng, tăng 140% kim ngạch và tăng 37% về giá.
Tính chung trong quý 1/2023 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt 612.900 tấn, trị giá trên 237,52 triệu USD, giá trung bình đạt 387,5 USD/tấn, giảm 34% về khối lượng, giảm 46,2% về kim ngạch và giảm 18,5% về giá so với quý 1/2022.
Về nguồn cung, Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 49,3% trong tổng lượng và chiếm 45,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước. Nhập khẩu phân bón từ thị trường này đạt 301.969 tấn, tương đương 107,46 triệu USD, giá trung bình 355,9 USD/tấn, giảm 16,7% về lượng, giảm 26% về kim ngạch và giảm 11,3% về giá so với quý 1/2022.
Tiếp đến thị trường Hàn Quốc đứng thứ 2, chiếm 5% trong tổng lượng và chiếm 7,9% trong tổng kim ngạch, với 30.957 tấn, tương đương 18,74 triệu USD, giá trung bình 605,5 USD/tấn, giảm 21,3% về lượng, giảm 17% về kim ngạch nhưng tăng 5,5% về giá so với quý 1/2022.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường Đông Nam Á đạt 88.662 tấn, tương đương 36,89 triệu USD, tăng 30% về lượng, giảm 8,4% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 14% trong tổng lượng và chiếm 15,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Phân bón nhập khẩu từ thị trường FTA CPTTP đạt 87.506 tấn, tương đương 13,44 triệu USD, giảm 50% về lượng, giảm 77,3% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 14,3% trong tổng lượng và chiếm 5,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường FTA RCEP đạt 496.983 tấn, tương đương 171,34 triệu USD, giảm 15,7% về lượng, giảm 26,6% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 81% trong tổng lượng và chiếm 73% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Nhìn chung, trong quý 1/2023 nhập khẩu phân bón từ đa số các thị trường giảm cả về khối lượng và kim ngạch so với quý 1/2022.
Quý 1/2023 cũng ghi nhận xuất khẩu phân bón của Việt Nam sụt giảm 40,2% về kim ngạch. Nhìn chung trong những tháng đầu năm 2023, thị trường phân bón ảm đạm, giá phân bón xuống thấp. Cả hoạt động xuất, nhập khẩu phân bón đều trầm lắng. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón gặp khó khăn, hàng tồn kho nhiều. Trong khi đó, ghi nhận vào thời điểm này của năm 2022, giá phân bón lên cao, hoạt động xuất, nhập khẩu phân bón diễn ra nhộn nhịp, các doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận lớn.
Chính vì thế, đánh giá về thị trường phân bón quý 1 và cả năm 2023, các chuyên gia cho rằng đây là một năm ngành phân bón gặp khó khăn hơn rất nhiều so với 2 năm 2021 và 2022.