Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng phá dỡ tòa nhà Hàm cá mập mà không tốn ngân sách
Đại diện Công ty Toàn Cầu cho biết, đơn vị có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực phá dỡ, vận chuyển, xử lý chất thải xây dựng.
Theo Báo Tiền Phong, CTCP Sản xuất Dịch vụ Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đề xuất tự nguyện thực hiện toàn bộ việc phá dỡ công trình Hàm cá mập tại số 7 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm mà không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.
Đổi lại, doanh nghiệp này xin được tận thu vật liệu, phế thải xây dựng phát sinh trong quá trình tháo dỡ để bù đắp chi phí.
Đại diện Công ty Toàn Cầu cho biết, đơn vị có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực phá dỡ, vận chuyển, xử lý chất thải xây dựng.

Trước đó, doanh nghiệp từng tham gia các dự án lớn như trùng tu Tòa án Nhân dân Tối cao tại số 48-48A Lý Thường Kiệt (giai đoạn 2), đồng thời đang vận hành khu xử lý - tái chế phế thải xây dựng rộng 6,5ha tại quận Hoàng Mai.
>> Hà Nội sắp có thêm cầu vượt gần 900m tại nút giao 'nóng' ở khu vực cửa ngõ phía Tây
Sau khi tiếp nhận đề xuất, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn, giao UBND quận Hoàn Kiếm xem xét và xử lý theo quy định.
Liên quan đến đề xuất của Công ty Toàn Cầu, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trước đó, kinh phí dự kiến để tháo dỡ công trình Hàm cá mập khoảng 14 tỷ đồng. Khoản chi này không chỉ bao gồm chi phí tháo dỡ, mà còn bao hàm các giải pháp kỹ thuật đặc biệt như quây kín 6 tầng công trình nhằm hạn chế tối đa tác động môi trường, hoàn trả hạ tầng đô thị như thảm mặt đường, lát đá vỉa hè...
UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định hoan nghênh các doanh nghiệp quan tâm và đề xuất phương án tháo dỡ công trình Hàm cá mập vốn nằm tại vị trí nhạy cảm gần Hồ Gươm. Tuy nhiên, do đây là công trình thuộc phạm vi quản lý của thành phố nên thẩm quyền xem xét, quyết định thuộc UBND TP. Hà Nội. Hiện quận đã có văn bản gửi Sở Tài chính đề nghị hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định.
Đáng chú ý, ngoài Công ty Toàn Cầu, đến nay đã có thêm ba doanh nghiệp khác gửi văn bản đề xuất thực hiện phá dỡ công trình với phương án “0 đồng ngân sách” và được tận thu vật liệu sau tháo dỡ.
Tuy nhiên, theo quy định, việc lựa chọn đơn vị thực hiện dự án phá dỡ công trình phải được tổ chức đấu thầu rộng rãi. Đồng thời, việc xử lý tài sản công sau tháo dỡ cũng phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành.
Ở diễn biến khác, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đến thời điểm hiện tại, thời gian phá dỡ chính thức vẫn chưa được ấn định và có khả năng sẽ được lùi lại sau ngày 30/4.
Tọa lạc tại vị trí số 1-3-5-7 phố Đinh Tiên Hoàng, tòa nhà Hàm cá mập cao 6 tầng, nằm ngay trước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - một địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử của Thủ đô. Công trình được Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND TP. Hà Nội, quản lý và vận hành.
Tòa nhà được xây dựng từ năm 1991, hoàn thành năm 1993, do kiến trúc sư Tạ Xuân Vạn thiết kế. Tên gọi Hàm cá mập bắt nguồn từ hình dáng kiến trúc với phần mặt tiền được tạo hình gồ ghề, nhô ra như hàm răng cá mập. Từ khi hoàn thành, công trình đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, phần lớn cho rằng thiết kế không hài hoà với cảnh quan Hồ Gươm, thậm chí làm che khuất tầm nhìn và ảnh hưởng đến vẻ đẹp cổ kính của khu vực trung tâm lịch sử Hà Nội.
>> Thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam sẽ được tách thành hai đặc khu độc lập