Thế giới

Nhiều doanh nghiệp Úc 'tê liệt' vì các quy định chống biến đổi khí hậu

Vũ Bấc 02/08/2024 - 05:47

Hơn 6.000 doanh nghiệp tại Úc sẽ phải tuân thủ quy trình công bố, báo cáo dữ liệu về phát thải và chống biến đổi khí hậu, dự kiến tổng chi phí cho mỗi doanh nghiệp có thể lên đến 2 triệu USD.

Kể từ tháng 1 năm 2025, hơn 6.000 doanh nghiệp Úc sẽ phải tuân thủ quy định mới về báo cáo khí hậu. Động thái này đưa Úc từ quốc gia chậm trễ trong chính sách khí hậu trở thành một trong những nước tiên phong áp dụng hướng dẫn mới của Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB).

Nhiều doanh nghiệp Úc 'tê liệt' vì các quy định chống biến đổi khí hậu - ảnh 1
Các tập đoàn năng lượng lớn của Úc, đặc biệt là ngành nhiệt điện than, phát thải trực tiếp lẫn gián tiếp hàng tấn khí CO2 mỗi năm

Tuy nhiên,quyết định này cũng làm dấy lên mối lo ngại về thủ tục luật pháp và gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp tại một trong những quốc gia có lượng khí thải bình quân đầu người lớn nhất thế giới .

Năm sau, hơn 6.000 công ty bao gồm các công ty niêm yết và chưa niêm yết, các tổ chức tài chính và chủ sở hữu tài sản của Úc đều sẽ phải tuân theo các quy tắc công bố thông tin liên quan đến khí thải bắt buộc có hiệu lực từ tháng 1.

Với quy mô thị trường lớn hơn, Úc dự kiến sẽ áp dụng quy định mới về báo cáo khí hậu cho số lượng doanh nghiệp nhiều hơn so với New Zealand, Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore - những nền kinh tế được xem là tiên phong trong việc thiết lập tiêu chuẩn khí hậu tại châu Á.

Doanh nghiệp lo ngại, chuyên gia cảnh báo

Tuy nhiên, các tiêu chuẩn mới này đang làm dấy lên lo ngại về tác động đến sự năng động của môi trường kinh doanh. Bà Kate Hart, đồng Giám đốc phụ trách phát triển bền vững khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại công ty tư vấn Kearney, nhận định rằng mối lo về việc tuân thủ các quy định đã khiến "một số công ty lớn của Úc như bị tê liệt".

Theo bà Jillian Button, người đứng đầu bộ phận biến đổi khí hậu tại công ty luật Allens, cơ quan chức năng ước tính chi phí tuân thủ trung bình là 1 triệu đô la Úc (tương đương 655.550 đô la Mỹ). Tuy nhiên, một số tổ chức lớn dự báo tổng chi phí có thể vượt mức 3 triệu đô la Úc (xấp xỉ 2 triệu USD).

Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Úc dự kiến sẽ hoàn thiện các tiêu chuẩn mới vào tháng tới. Các quy tắc này sẽ được triển khai theo từng giai đoạn cho ba nhóm doanh nghiệp khác nhau đến năm 2027.

Hàng năm, Chính phủ công bố dữ liệu về các nguồn phát thải nhà kính lớn nhất phạm vi 1 (tức là phát thải trực tiếp như một phần của quy trình sản xuất của một cơ sở) và phát thải phạm vi 2 (phát thải gián tiếp). Cuối cùng, tất cả các bên liên quan sẽ phải báo cáo về lượng khí thải Phạm vi 3 - một yêu cầu được đánh giá là khó khăn nhất do liên quan đến việc nêu chi tiết tác động khí hậu trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Nhiều doanh nghiệp Úc 'tê liệt' vì các quy định chống biến đổi khí hậu - ảnh 2
Số lượng doanh nghiệp phát thải của Úc gấp nhiều lần so với các nước vùng Thái Bình Dương do quy mô thị trường vượt trội - Nguồn: BNN

Các nhà phân tích Lu Yeung và Cindy Lam chỉ ra trong một báo cáo rằng hiện nay chỉ khoảng 10% công ty niêm yết của Úc - chủ yếu là các tập đoàn lớn như BHP Group Ltd. và Telstra Group Ltd. - thực hiện công bố thông tin toàn diện, bao gồm phân tích kịch bản khí hậu và áp dụng các nguyên tắc của Lực lượng đặc nhiệm về Công bố Thông tin Tài chính liên quan đến Khí hậu.

Hiện tại, hơn 40% các công ty trong chỉ số chuẩn S&P ASX/200 tại Úc hoạt động trong các ngành phát thải lớn, trong đó có một số công ty khai thác hàng đầu thế giới. Nghiên cứu cho thấy 2/3 số thành viên trong chỉ số này đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ 29% số doanh nghiệp tiết lộ cách họ xem xét biến đổi khí hậu khi đánh giá hiệu suất tài chính, và việc sử dụng bù trừ carbon vẫn còn nhiều điểm mờ.

Các yêu cầu công bố mới được kỳ vọng sẽ giúp các công ty tiếp cận dễ dàng hơn với các quỹ quan tâm đến việc tài trợ cho các mục tiêu giảm phát thải carbon. Những thay đổi này cũng có thể mang lại lợi ích cho các công ty có hoạt động và nghĩa vụ toàn cầu theo nhiều hệ thống báo cáo khí hậu khác nhau. Chẳng hạn, Chỉ thị về Báo cáo Phát triển Bền vững của Liên minh Châu Âu sẽ áp dụng cho một số công ty Úc được niêm yết tại khu vực này hoặc có doanh thu từ đây.

Emma Jones, chuyên gia phân tích về tính bền vững tại Goldman Sachs, nhận định: "Nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn ở Úc và khu vực lân cận sẽ chịu tác động khi các yêu cầu bổ sung được đưa ra. Không chỉ từ góc độ công bố thông tin về báo cáo khí hậu, mà còn từ các quy định liên quan đến khí hậu, thuế nhập khẩu carbon và các quy định khác mà chúng ta thấy xuất hiện ở nước ngoài".

Tuy nhiên, ngay cả với những thay đổi này, các quy tắc công bố thông tin mới vẫn chưa đủ để giúp các nhà đầu tư hiểu toàn diện về tác động của công ty đối với khí hậu.

Elena Lambros, đối tác tư vấn rủi ro tại công ty luật Ashurst, chỉ ra rằng các nhà đầu tư tổ chức ngày càng quan tâm đến các vấn đề như đa dạng sinh học, giảm thiểu hoặc tái chế chất thải và thẩm định chuỗi cung ứng - những khía cạnh chưa được đề cập trong các quy định mới của Úc.

Theo BNN

>> Đan Mạch đánh thuế phát thải CO2 nông nghiệp: Mỗi con bò phải gánh 100 euro/năm do... ợ hơi

Nhu cầu AI đẩy lượng khí thải của Google tăng vọt gần 50% trong 5 năm, mục tiêu net zero gặp trở ngại

Úc lên kế hoạch chi 15 tỷ USD cho mục tiêu Net Zero, trực tiếp cạnh tranh với công nghệ Trung Quốc

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nhieu-doanh-nghiep-uc-te-liet-vi-cac-quy-dinh-chong-bien-doi-khi-hau-124688.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhiều doanh nghiệp Úc 'tê liệt' vì các quy định chống biến đổi khí hậu
    POWERED BY ONECMS & INTECH