TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết hiện có hàng ngàn dự án bất động sản phải tạm dừng do đối mặt với các vấn đề liên quan đến quy định pháp lý và hạn chế vốn.
Lượng hàng tồn kho lớn
Dựa theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), vào cuối năm 2022, cả nước đang đối diện với tình trạng tạm dừng hàng nghìn dự án bất động sản với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD), bao gồm cả các dự án phát triển nhà ở xã hội.
Cùng với đó, theo thống kê từ Báo cáo tài chính quý I/2023 của 10 doanh nghiệp bất động sản niêm yết, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng, cho thấy tổng giá trị hàng tồn kho tính đến ngày 31/3/2023 đạt hơn 290.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2022.
Trong đó, Novaland là đơn vị sở hữu lượng hàng tồn kho lớn nhất trên thị trường, với gần 164.000 tỷ đồng, tương đương 2,7 lần so với Vinhomes. So với giai đoạn cuối năm ngoái, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp này đã tăng 1,2 lần.
Tính từ năm 2019, số hàng tồn kho của Novaland đã liên tục tăng, với nguyên nhân là bởi doanh nghiệp này đã tăng cường triển khai các dự án đại đô thị tại nhiều địa phương với quy mô hàng ngàn ha.
Điều này đã dẫn đến việc hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng mạnh từ 57.200 tỷ đồng (cuối năm 2019) lên vượt 110.000 tỷ đồng (cuối năm 2021). Tuy nhiên, đến giai đoạn đầu năm 2023, thị trường bất động sản lại trong bối cảnh gần như đóng băng và thanh khoản của một số dự án cũng bị chững lại.
Tiếp đến là Vinhomes, đứng thứ hai trong danh sách hàng tồn kho với tổng giá trị lên đến 61.000 tỷ đồng. So với giai đoạn cuối năm 2022, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp đã giảm 6%.
Theo TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, trong nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm thanh khoản kém và nguồn cung hạn chế. Nguyên nhân chính là do vấn đề pháp lý chưa được giải quyết cùng với việc tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế.
Hiện nay có hàng ngàn dự án phải tạm dừng do vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý và hạn chế vốn như tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, các dự án còn gặp khó về vốn chủ sở hữu nhỏ cũng như thách thức liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng và biến động nguyên vật liệu.
Những vướng mắc dần được tháo gỡ
Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn là bởi hai yếu tố chính là vốn và pháp lý. Tuy nhiên, hiện nay những vướng mắc đó cũng đang dần được tháo gỡ.
Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, Nghị quyết 33/NQ-CP đã giải quyết những khó khăn liên quan đến pháp lý, nguồn vốn và nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, chính sách điều hành kinh tế, tài chính tiền tệ của Chính phủ cũng đang tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường.
Cũng theo ông Khôi, cần tạo điều kiện để thúc đẩy dòng vốn trên thị trường trái phiếu cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, cần giãn nợ cho doanh nghiệp đối với các khoản nợ đã đến kỳ hạn thanh toán; điều chỉnh định mức và đơn giá xây dựng linh hoạt theo biến động giá nguyên vật liệu; đơn giản hóa quy trình đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ.
Theo dự kiến, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng đến cuối năm 2023, từ quý 2 hoặc quý 3 năm sau sẽ có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn nhờ những tiến bộ trong môi trường pháp lý, triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực, phát triển hạ tầng hiện đại và đa dạng hóa các nguồn lực tài chính.
Novaland (NVL): Hơn 800 kỹ sư, công nhân gấp rút hoàn thiện phân khu tại siêu dự án quy mô 1.000ha
Hơn 1.000 căn hộ 2 dự án ‘đắc địa’ của Novaland tại TP. HCM đón tin vui