Vĩ mô

Những bài học quý giá từ Cát Linh - Hà Đông để siêu dự án đường sắt cao tốc 70 tỷ USD đạt hiệu quả tốt nhất

Phúc Lam 19/09/2024 - 14:04

Tuyến đường sắt cao tốc nối liền hai đầu đất nước đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phát triển giao thông Việt Nam. Dự án không chỉ kết nối Bắc - Nam mà còn mở ra kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội và tiềm năng.

Hiện nay, khoảng 85% dân số và 90% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam tập trung ở hai khu vực chính ở hai đầu Bắc - Nam. Vì vậy, việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu kết nối nhanh chóng mà còn thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững trên toàn quốc.

Khi nhìn lại lịch sử phát triển hệ thống giao thông của Việt Nam, dự án metro Cát Linh - Hà Đông chắc chắn để lại nhiều dấu ấn khó quên. Trải qua 5 đời Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, 13 năm đầy thử thách với 12 lần trễ hẹn và một con số đội vốn "kỷ lục", dự án cuối cùng đã chính thức đi vào hoạt động vào ngày 6/11/2021.

Được phê duyệt vào năm 2008, tuyến đường có tổng chiều dài 13 km với 12 ga, và đạt tốc độ tối đa 80 km/h. Dự án này được tài trợ chủ yếu bằng vốn vay ODA từ Trung Quốc, với mức đầu tư ban đầu khoảng 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD). Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư đã "đội" lên đến 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD), trong đó 13.867 tỷ đồng là vốn vay từ Trung Quốc và 4.134 tỷ đồng là vốn đối ứng từ Việt Nam.

Những bài học quý giá từ Cát Linh - Hà Đông để siêu dự án đường sắt cao tốc 70 tỷ USD đạt hiệu quả tốt nhất
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Nhìn vào lịch sử của dự án metro Cát Linh - Hà Đông, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần rút ra những bài học quý giá để đảm bảo tiến độ và đạt được thành công như mong đợi.

Trước tiên, dự án metro Cát Linh - Hà Đông được thiết kế theo tiêu chuẩn của nước bạn do nước ta cơ bản chưa có những tiêu chuẩn về đường sắt đô thị. Do vậy, khi thực hiện chỉ có thể áp dụng những tiêu chuẩn về xi măng, bê tông - những tiêu chuẩn Việt Nam đã có. Bên cạnh đó, hệ thống quy định pháp luật của nước ta với các dự án theo hợp đồng trọn gói (EPC) chưa có.

Điều đặc biệt quan trọng và là vấn đề nan giải của nhiều dự án hiện nay là câu chuyện giải phóng mặt bằng. Không chỉ những công trình giao thông mà những công trình khác, vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư, bồi thường vô cùng phức tạp.

Để có thể đảm bảo tiến độ thi công, những dự án đường sắt đô thị đi trong nội đô như Cát Linh - Hà Đông cần phải tách khâu giải phóng mặt bằng ra thành một dự án riêng và tiến hành thực hiện trước. Sự trì trệ của dự án Cát Linh - Hà Đông một phần xuất phát từ vấn đề này, khi công tác giải phóng mặt bằng dự kiến hoàn tất vào năm 2015 nhưng thực tế kéo dài đến năm 2017.

Thêm vào đó, với việc đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm và vẫn còn nhiều điều phải học hỏi. Dự án được xem như một bài học thí điểm, "vừa làm vừa thăm dò", dẫn đến nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã làm chậm trễ tiến độ.

Bên cạnh đó, khi dự án được hoàn thành, việc vận hành an toàn và hiệu quả trở nên vô cùng quan trọng. Chia sẻ với báo chí hồi đầu năm nay, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội, đã đưa một số kinh nghiệm vận hành rút ra từ Cát Linh - Hà Đông.

Trước tiên cần nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu của khách hàng; tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển đến nhà ga. Đồng thời, cần xây dựng chính sách giá vé hợp lý, đa dạng hình thức thanh toán; tăng cường tính kết nối với các phương tiện khác. Bên cạnh đó cần tăng cường tính hấp dẫn của đường sắt đô thị đối với khách du lịch; đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách văn minh, lịch sự ngày từ đầu và tích cực tuyên truyền đến người dân để thu hút lượng khách sử dụng.

Từ những bài học rút ra từ dự án Cát Linh - Hà Đông, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần phải được lập kế hoạch và triển khai với sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn bao giờ hết. Để đảm bảo dự án không chỉ hoàn thành đúng tiến độ mà còn đạt được hiệu quả tối ưu, cần phải thực hiện những tính toán hợp lý và lựa chọn sáng suốt ngay từ giai đoạn đầu.

>> Chưa đến một tuần mở bán vé, metro Nhổn - ga Hà Nội đã xuất hiện nhiều bất cập

Trường đại học Việt Nam 'bắt tay' nước ngoài để phát triển công nghệ đường sắt tốc độ cao, góp sức vào mục tiêu hoàn thành toàn tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam năm 2045

'Ông lớn' ngỏ ý hỗ trợ Việt Nam làm đường sắt cao tốc 70 tỷ USD: Mạng lưới dài nhất châu Âu, tốc độ tối đa 350km/giờ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhung-bai-hoc-quy-gia-tu-cat-linh-ha-dong-de-sieu-du-an-duong-sat-cao-toc-70-ty-usd-dat-hieu-qua-tot-nhat-249460.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Những bài học quý giá từ Cát Linh - Hà Đông để siêu dự án đường sắt cao tốc 70 tỷ USD đạt hiệu quả tốt nhất
POWERED BY ONECMS & INTECH