Những điểm đáng chú ý từ thỏa thuận ngừng bắn "bước ngoặt" giữa Israel và Hezbollah
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon chính thức có hiệu lực, mở ra cơ hội chấm dứt xung đột và phục hồi ổn định tại khu vực biên giới hai nước.
Ngày 27/11, một lệnh ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hezbollah tại Lebanon đã chính thức có hiệu lực từ 4 giờ sáng (giờ địa phương, tương đương 9 giờ sáng theo giờ Việt Nam). Lệnh ngừng bắn được thiết lập sau khi cả hai bên chấp thuận thỏa thuận do Mỹ và Pháp làm trung gian.
Thỏa thuận ngừng bắn được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố đầu tiên. Ông đánh giá động thái này “sẽ chấm dứt xung đột tại khu vực biên giới giữa Israel và Lebanon, đồng thời mở đường cho việc chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh: "Việc ngừng giao tranh sẽ tạo cơ hội cho người dân Lebanon bắt đầu quá trình phục hồi đất nước, đồng thời mang lại sự an toàn cho người dân miền Bắc Israel khi họ có thể trở về nhà".
Dưới đây là tóm tắt một số điều khoản đáng chú ý của thỏa thuận có tính bước ngoặt này.
Các bên chấm dứt động thái thù địch
Theo Tổng thống Biden, việc ngưng hoàn toàn các xung đột quân sự sẽ bắt đầu ngay từ thời điểm thỏa thuận có hiệu lực (tức từ 4 giờ sáng 27/11, giờ địa phương).
Nguồn tin cấp cao của chính quyền Lebanon cho biết Israel dự kiến sẽ "ngừng thực hiện bất kỳ hoạt động quân sự nào nhắm vào lãnh thổ Lebanon, bao gồm cả các mục tiêu dân sự và quân sự, và các thực thể thuộc quyền quản lý của nhà nước Lebanon ở trên bộ, trên biển và trên không".
Đổi lại, các tổ chức vũ trang ở Lebanon, trong đó có phong trào Hezbollah và các đồng minh, cũng phải chấm dứt dừng các hoạt động vũ trang chống lại Israel.
Dù vậy, chưa rõ lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah sẽ tác động ra sao đến các cuộc đàm phán giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza (Palestine).
Lực lượng hai bên rút lui khỏi biên giới
Hai quan chức Israel cho biết quân đội nước này sẽ dần rút khỏi các khu vực chiếm đóng ở miền nam Lebanon trong vòng 60 ngày, tạo điều kiện để cư dân khu vực có thể trở về nơi sinh sống của mình. Giới chức Lebanon thì đặt kỳ vọng Lực lượng Phòng vệ Israel sẽ rút lui ngay trong tháng đầu tiên.
Trong khi đó, các tay súng thuộc lực lượng Hezbollah cũng rời khỏi vị trí đóng quân của mình ở miền nam Lebanon để di chuyển về phía Bắc sông Litani, cách biên giới của nước này với Israel khoảng 30 km.
Theo một nguồn tin từ chính giới Lebanon, việc rút quân của Hezbollah sẽ không được công khai. Nguồn tin này cũng cho biết các cơ sở quân sự của lực lượng này "sẽ được giải tỏa" nhưng chưa rõ liệu Hezbollah có tự tháo dỡ các căn cứ của mình, hoặc có mang theo khí giới khi rút lui hay không.
Trong khi đó, một nguồn tin từ giới chức an ninh Lebanon tiết lộ 5.000 binh sĩ nước này sẽ được triển khai ở các vị trí dọc theo bờ phía Nam sông Litani, trong đó có 33 vị trí là tiền đồn gần biên giới với Israel. "Việc triển khai là thách thức đầu tiên, sau đó là việc ổn định cuộc sống của những người dân địa phương muốn trở về nhà", nguồn tin cho biết.
Hơn 1,2 triệu người, trong đó đa phần đến từ miền Nam Lebanon cùng khoảng chục nghìn cư dân ở miền Bắc Israel, buộc phải sơ tán khỏi nơi ở của mình do các cuộc giao tranh quân sự ở các khu vực này. Nhà lập pháp Hezbollah Hassan Fadlallah từ lực lượng Hezbollah khẳng định việc đưa những người phải sơ tán trở về nhà là ưu tiên hàng đầu.
Cơ chế giám sát được các bên đồng thuận
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Lebanon Elias Bou Saab, một trong những điểm bế tắc trong những ngày cận kề thời điểm lệnh ngừng bắn có hiệu lực là cơ chế giám sát.
Ông Saab cũng cho biết, một cơ chế ba bên từng tồn tại từ trước giữa lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại miền nam Lebanon (UNIFIL), quân đội Lebanon và lực lượng phòng vệ Israel sẽ được mở rộng để bao gồm cả Mỹ và Pháp, trong đó Mỹ đóng vai trò chủ tịch.
Còn theo một quan chức Israel và một nhà ngoại giao phương Tây, Israel dự kiến sẽ đóng vai chỉ điểm bất kỳ động thái bị xem là vi phạm cơ chế giám sát, trong khi Pháp và Mỹ sẽ cùng nhau xác định xem hành vi đó có vi phạm hay không.
Một tuyên bố chung giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron cho biết hai nước sẽ hợp tác để đảm bảo thỏa thuận được thực hiện đầy đủ.
Toan tính riêng của Israel
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cam kết sẽ tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn, nhưng cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Hezbollah có dấu hiệu vi phạm. Lực lượng Phòng vệ Israel sẽ sử dụng thiết bị bay không người lái để theo dõi các hoạt động trên bộ ở vùng biên giới với Lebanon.
"Chúng tôi sẽ thực thi thỏa thuận và đáp trả mạnh mẽ mọi hành vi vi phạm. Cùng nhau, chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi chiến thắng. Thông qua sự phối hợp đầy đủ với Mỹ, chúng tôi duy trì được quyền tự do hành động quân sự. Nếu Hezbollah vi phạm thỏa thuận hoặc cố gắng tái vũ trang, chúng tôi sẽ tấn công dứt khoát", ông nhấn mạnh.
Bất chấp các nỗ lực ngoại giao, lực lượng Hezbollah xác nhận vẫn tiếp tục tập kích các mục tiêu quân sự của Israel trong đêm qua, sau những đợt không kích của Israel nhằm vào thủ đô Beirut, khiến tình hình khu vực vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn.
Dù vậy, Thủ tướng Netanyahu nhận định Hezbollah, lực lượng được Iran hậu thuẫn, đã suy yếu đáng kể so với thời điểm bắt đầu cuộc xung đột. Theo ông, lệnh ngừng bắn sẽ cho phép Israel tập trung vào đối phó các mối đe dọa từ Iran, bổ sung nguồn cung cấp vũ khí đã cạn kiệt và cho quân đội nghỉ ngơi, đồng thời tăng cường cô lập phong trào Hamas ở Dải Gaza.
>> Những ranh giới mong manh trong thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel - Lebanon