Theo báo cáo của BanklessTimes, danh sách các smartphone phát bức xạ nhiều nhất đều sử dụng các model cũ. Nổi bật trong số này là Google và Sony.
Bức xạ của điện thoại di động được đo bởi mức độ ảnh hưởng của nó đến cơ thể con người trong đó, tỷ lệ hấp thụ riêng (SAR) sẽ dựa trên tốc độ cơ thể người hấp thụ năng lượng trên một đơn vị khối lượng khi tiếp xúc với tần số vô tuyến (RF).
Giá trị SAR tối đa được cho phép có sự khác nhau trên thế giới, từ 1,6 đến 2 W/kg. Ví dụ, Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ quy định SAR không được vượt 1,6 W/kg. Theo thông số này, chỉ Motorola Edge quá giới hạn.
Đức hiện có chứng nhận về mức độ thân thiện với môi trường Der Blaue Engel với yêu cầu điện thoại có độ phát xạ dưới 0,6 W/kg nhưng không quy định về các sản phẩm vượt ngưỡng.
Tất cả smartphone ngày nay đều phát bức xạ nhưng chúng thay đổi theo nhiều yếu tố khác nhau trong đó loại thiết bị, kiểu máy, tuổi của thiết bị và độ bền của ăng-ten đều ảnh hưởng đến chỉ số SAR.
Điện thoại hiện nay phát ra sóng RF trong phổ điện tử với dải tần 0,7-2,7 GHz nếu dùng công nghệ từ 2G đến 4G. Các điện thoại 5G phát RF trong dải tần tới 80 GHz.
Do tần số thấp, chúng không ion hóa, không đủ để thay đổi DNA con người nên không bị xếp vào các nguyên nhân gây ung thư. Năm 2020, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khẳng định bức xạ tần số vô tuyến của điện thoại thông minh không gây nguy hiểm cho sức khỏe sau khi tham khảo các nghiên cứu khoa học liên quan.
Nhiều người dùng hiện có thói quen sử dụng smartphone nhiều giờ trong ngày. Chúng được đặt trong túi, để trên bàn làm việc, trên xe khi di chuyển và trên giường khi đi ngủ.
Tuy các nghiên cứu về tác động của bức xạ điện thoại tới sức khỏe người dùng chưa thực sự rõ ràng, các chuyên gia vẫn luôn khuyến khích mọi người hạn chế tiếp xúc với điện thoại thông minh.