Do lo ngại về sự thống trị của Mỹ đối với hệ thống tài chính toàn cầu và khả năng "vũ khí hóa" USD của nước này, một phản mạnh mẽ đang nổi lên chống lại quyền bá chủ của đồng USD trên toàn cầu.
Trong thời gian gần đây, đã có một sự dịch chuyển đáng chú ý trong lĩnh vực tài chính toàn cầu, trong đó sự thống trị lâu đời của Mỹ trong hệ thống tài chính quốc tế đang bị thách thức quyết liệt bởi xu hướng phi USD hóa ngày càng tăng. Các quốc gia và khu vực trên toàn cầu, bao gồm các nền kinh tế nổi bật như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Argentina, Brazil, Nam Phi, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và một số nước Đông Nam Á đang tích cực tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Xu hướng phi USD hóa
Theo Bloomberg, do lo ngại về sự thống trị của Mỹ đối với hệ thống tài chính toàn cầu và khả năng "vũ khí hóa" USD của nước này, một phản mạnh mẽ đang nổi lên chống lại quyền bá chủ của đồng USD trên toàn cầu, với việc nhiều quốc gia đang thử nghiệm các giải pháp thay thế. JPMorgan, ngân hàng lớn nhất của Mỹ, cũng cảnh báo về dấu hiệu “phi USD hóa” trên thế giới.
Tại châu Á, Trung Quốc đã và đang nỗ lực để phi USD hóa, giảm nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ từ hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2022 xuống còn hơn 850 tỷ USD vào tháng 1/2023 (và dự kiến tiêp tục giảm xuống thấp hơn). TQ cũng đang thúc đẩy giao dịch thương mại với các quốc gia khác bằng đồng nội tệ, bỏ qua USD. Kể từ cuộc xung đột Ukraine nổ ra năm 2022, giao dịch đồng rúp (của Nga) – nhân dân tệ (NDT) đã tăng gấp 80 lần mà không sử dụng đồng USD.
Tháng 5/23, Pakistan cho biết đang tìm cách thanh toán nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đồng NDT. Trước đó Ấn Độ và Malaysia vào tháng 4/2023 đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường sử dụng đồng rupee trong kinh doanh xuyên biên giới. Cũng trong tháng 5/23, các nước ASEAN đã đồng ý tăng cường sử dụng các đồng tiền của những thành viên cho thương mại và đầu tư trong khu vực. Hàn Quốc và Indonesia mới đây đã ký một thỏa thuận nhằm thúc đẩy trao đổi trực tiếp đồng won và rupiah.
Ở Mỹ Latinh, Brazil và Argentina đang thảo luận về việc tạo ra một đồng tiền chung cho hai nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ. Trước đó vào tháng 4/23, Brazil và Argentina đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc giao dịch thương mại bằng đồng nội tệ của họ.
Ở Trung Đông, Saudi Arabia đang xem xét việc định giá một số lượng dầu bán ra bằng NDT, trong khi đầu năm nay UAE cho biết họ đang thảo luận ở giai đoạn đầu với Ấn Độ về cách thúc đẩy thương mại phi dầu mỏ bằng đồng rupee. Iran và Nga đang hợp tác để cho ra một loại tiền điện tử được hỗ trợ bởi vàng. Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, có truyền thống bán dầu bằng USD. Tuy nhiên, sự thay đổi này có thể làm giảm hơn nữa sự thống trị của đồng USD trong thương mại và tài chính quốc tế, đặc biệt là trên thị trường dầu mỏ.
Tại châu Âu, EU cũng đang tìm cách vượt qua hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) do đồng USD thống trị để hoàn tất các khoản thanh toán với Iran. Ngay cả đồng minh lâu năm của Mỹ là Pháp cũng đang bắt đầu hoàn tất các giao dịch bằng đồng NDT. Tháng 4/23, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD để tránh trở thành "đối tác cấp dưới" của Mỹ.
Nguyên nhân
Đối với nhiều nước, lý do thúc đẩy phi USD là tương đối giống nhau. Họ cho rằng đồng USD đang bị “vũ khí hóa” để trừng phạt những ai bị coi là đối thủ hoặc đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Ví dụ, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt, đóng băng hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga và phối hợp với các đồng minh phương Tây, loại trừ nước này khỏi SWIFT. Đây là lời cảnh báo về sự phụ thuộc vào đồng USD.
Jonathan Wood, người phụ trách các vấn đề toàn cầu tại công ty tư vấn Control Risks, nhận định với Bloomberg: “Các quốc gia đã phải đối mặt với sự thống trị của đồng USD trong nhiều thập kỷ. Việc sử dụng rộng rãi và mạnh mẽ hơn các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong những năm gần đây càng củng cố sự khó chịu này – và trùng hợp với nhu cầu của các thị trường mới nổi lớn về sự phân bổ quyền lực toàn cầu mới”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây cũng thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Nga và các nước khác có thể làm suy yếu quyền bá chủ của đồng USD.
Những nguyên nhân tiếp theo là sự xói mòn niềm tin vào đồng USD liên quan đến khoản nợ liên bang khổng lồ ngày càng tăng của Mỹ, biến động của đồng USD do sự điều chỉnh lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cùng hàng loạt vụ phá sản của các ngân hàng Mỹ.
Trong giai đoạn hậu COVID-19, dự trữ ngoại hối biến động cùng sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách tiền tệ của Mỹ là một trong những nguyên nhân khiến nhiều quốc gia nhận thấy sự cần thiết phải đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán, không phụ thuộc quá vào đồng USD, do đó thúc đẩy quá trình phi USD hiện nay. Xu hướng thận trọng với USD còn xuất hiện trong bối cảnh nguy cơ Mỹ vỡ nợ ngày càng tăng với khoản nợ khổng lồ hơn 31 nghìn tỷ USD.
Lạm phát cũng làm suy yếu vị thế của đồng USD trên thị trường quốc tế. Kể từ những năm 1980, Mỹ đã duy trì một mức lạm phát thấp và ổn định, mang lại sự tin tưởng cho người tiết kiệm trên toàn thế giới để giữ tài sản của họ bằng USD. Nhưng từ năm 2022, lạm phát đã tăng vọt lên những mức kỷ lục, đặt ra những câu hỏi về sự an toàn và ổn định của đồng USD cho việc tiết kiệm và đầu tư dài hạn.
Ngoài ra, các hành động đơn phương của Mỹ liên quan đến đồng USD càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đồng USD trên thị trường toàn cầu. Fed đã tăng lãi suất liên tiếp 10 lần trong năm qua khiến tỷ giá hối đoái tăng cao đã ảnh hưởng đến những người sử dụng đồng USD trên toàn thế giới. Việc tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed đã khiến việc vay bằng USD trở nên đắt đỏ trên phạm vi toàn cầu. Điều này gây ra rắc rối “kép” đối với các nền kinh tế đang nợ bằng USD (lãi suất Mỹ cao hơn có xu hướng làm tăng giá trị tương đối của đồng USD trên thị trường ngoại hối, vì vậy chi phí cho các khoản nợ của họ tăng lên, vì cần nhiều nội tệ hơn để trả từng đồng USD nợ).
Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cảnh báo vào năm 2022 rằng việc Mỹ tăng lãi suất có thể gây tác dụng ngược đối với nền kinh tế toàn cầu và đặc biệt là đối với các quốc gia có mức nợ bằng USD cao hơn. Đầu năm nay, bà Georgieva thừa nhận rằng xu hướng “rời xa đồng USD” đang diễn ra.
Trong khi đó, theo bình luận của nhà phân tích tài chính Ian Bezek trên trang web Money.usnews.com, cuộc khủng hoảng ngân hàng diễn ra gần đây ở Mỹ chỉ làm gia tăng mối lo ngại về giá trị tài sản của Mỹ và đồng USD, tạo cơ hội cho các quốc gia khác giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng tiền này. Đầu năm 2023, sự phá sản liên tiếp của các ngân hàng Mỹ lớn và uy tín như Silvergate, Silicon Valley Bank, Signature và First Republic đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng, trong khi các ngân hàng còn lại hiện vẫn đang trong tình trạng bấp bênh. Điều này làm giảm đi sự uy tín cũng như tạo ra một sự bất an về nền kinh tế Mỹ một cách rộng rãi hơn.
Yếu tố tiếp theo thúc đẩy phi USD hóa là ảnh hưởng ngày càng tăng của các đối thủ cạnh tranh địa chính trị của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc và Nga. Theo Bloomberg, hiện cả Nga và Trung Quốc đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD bằng cách thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền của chính họ trong thương mại và đầu tư song phương, thiết lập các đường dây hoán đổi tiền tệ riêng và phát triển các hệ thống thanh toán thay thế bỏ qua các kênh tài chính do Mỹ thống trị.
Riêng Trung Quốc, nước này đang tìm cách quốc tế hóa, thúc đẩy vai trò lớn hơn cho đồng NDT trong hệ thống tài chính toàn cầu. Do vị thế chiếm 18,3% tỷ trọng GDP toàn cầu, Trung Quốc đang tận dụng ưu thế thương mại của mình để đẩy mạnh việc đưa đồng NDT vào thanh toán với các đối tác thương mại lớn, từ đó thách thức vị thế của đồng USD.
Về phần mình, Nga cũng mở rộng việc giao dịch bằng đồng rúp với các nước khác trong những hợp đồng thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, Nga đang cùng với TQ đẩy nhanh nỗ lực hướng tới phát triển cơ sở hạ tầng tài chính thay thế có khả năng thách thức sự thống trị của đồng USD: Với Trung Quốc là sử dụng hệ thống thanh toán thay thế như Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS), hay với Nga là hệ thống SPFS, nhằm mục đích cung cấp một giải pháp thay thế khả thi cho SWIFT (do Mỹ chi phối) trong các giao dịch quốc tế.
Ngoài ra, quá trình phi USD còn được thúc đẩy bởi tỷ giá hối đoái cao và giảm dự trữ ngoại hối ở các quốc gia đang phát triển, khi các nền kinh tế đang gặp khó khăn trong thời kỳ hậu COVID-19 và trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine. Theo nhận định của Shoumik Malhotra, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Biên giới, Đại học Toàn cầu OP Jindal (Ấn Độ), sau đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine, một số quốc gia vừa và nhỏ đã tích cực tham gia Thương mại tiền tệ địa phương (LCT- Local Currency Trading) để “bảo toàn số USD khó kiếm được của mình và sẵn sàng ứng phó với thách thức trong tương lai”.
Bên cạnh đó, các quốc gia này cũng phụ thuộc vào cả Nga và Trung Quốc. Do đó, họ không thể dễ dàng từ bỏ quan hệ thương mại với các đối thủ cạnh tranh trên của Mỹ. Họ đang sử dụng LCT hoặc NDT để duy trì các liên kết thương mại này. Ví dụ, trong khi Bangladesh theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập và cân bằng với các cường quốc, nước này phải trả tiền cho một dự án hạt nhân trị giá 12 tỷ USD hợp tác với Nga. Vì thế, Bangladesh và Nga đang dùng đến đồng NDT để tránh các rắc rối liên quan đến lệnh trừng phạt.
Tóm lại, bối cảnh tài chính toàn cầu đã và đang trải qua một sự thay đổi đáng chú ý trong thời gian gần đây, khi các quốc gia và khu vực tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ thông qua các nỗ lực phi USD hóa. Các yếu tố như lo ngại về "vũ khí hóa" đồng đô la Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt, tái tổ chức địa chính trị và sự xuất hiện của cơ sở hạ tầng tài chính thay thế đã góp phần vào xu hướng này.
Điểm tên hàng loạt quốc gia từ 2 châu lục muốn gia nhập BRICS
Chuyên gia: Mục tiêu cuối cùng của BRICS không chỉ là phi USD hóa