Các ngân hàng trung ương mua 244 tấn vàng trong quý I/2025: ‘Phi USD hóa’ không còn là giả thuyết?
Lượng vàng mua ròng kỷ lục giữa lúc đồng USD đối mặt áp lực chưa từng có đã khiến thế giới tài chính dấy lên một nghi vấn then chốt: Liệu vàng đang âm thầm trở lại làm trụ cột dự trữ toàn cầu thay thế đồng bạc xanh?
Báo cáo “Gold Demand Trends Q1/2025” do Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council – WGC) công bố ngày 30/4/2025 cho thấy các ngân hàng trung ương toàn cầu đã mua ròng 243,7 tấn vàng trong quý I.
Dù thấp hơn mức 365,1 tấn của quý IV/2024, con số này vẫn cao hơn 24% so với trung bình quý 5 năm và chỉ thấp hơn 9% so với trung bình 3 năm gần nhất. Trong khi đó, giá vàng trung bình quý I đạt 2.859,6 USD/ounce – tăng 38% so với cùng kỳ năm trước – một mức cao chưa từng có trong lịch sử. Sự kết hợp giữa bất ổn địa chính trị, rủi ro tài khóa Mỹ, chính sách thuế quan khó đoán và đà suy yếu của đồng USD đang thúc đẩy một chu kỳ tích lũy vàng mới, với trọng tâm nằm ở các quốc gia mới nổi và cận biên.
![]() |
Nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn duy trì ở mức cao trong quý I/2025. Nguồn: Metals Focus, Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council). |
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, “nhiều ngân hàng trung ương đang gia tăng tỷ trọng nắm giữ vàng như một biện pháp phòng vệ trước rủi ro hệ thống, sự suy yếu của USD và những cú sốc vĩ mô toàn cầu”.
Mặc dù theo dữ liệu của IMF, tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu có tăng nhẹ trong tháng 2/2025, nhưng giá trị tuyệt đối nắm giữ USD lại giảm do áp lực từ thâm hụt ngân sách Mỹ, rủi ro tái suy thoái và kỳ vọng giảm lãi suất. Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy các ngân hàng trung ương không còn muốn phụ thuộc vào một đồng tiền duy nhất trong chiến lược dự trữ quốc gia.
Dòng chảy vàng âm thầm: 78% lượng mua không được công bố
Chỉ khoảng 22% lượng vàng mua ròng trong quý I/2025 được báo cáo chính thức, phần còn lại là “ước tính từ các nguồn chưa công bố” – theo Hội đồng Vàng Thế giới. Điều này phản ánh quy mô giao dịch lớn hơn đáng kể so với bề nổi và hàm ý sự chủ động ẩn mình trong hành vi phân bổ lại dự trữ của nhiều ngân hàng trung ương.
Ngân hàng Trung ương Ba Lan là người mua lớn nhất với 49 tấn, nâng dự trữ lên 497 tấn – chiếm 21% tổng dự trữ quốc gia. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục mua thêm 13 tấn, đưa tổng lượng vàng nắm giữ lên 2.292 tấn, tương đương 6,5% tổng dự trữ. Ngoài ra, Kazakhstan mua thêm 6 tấn, Cộng hòa Séc 5 tấn, Ấn Độ 3 tấn, Thổ Nhĩ Kỳ 4 tấn, Qatar 3 tấn và Ai Cập 1 tấn. Đặc biệt, Quỹ Dầu khí Nhà nước Azerbaijan (SOFAZ) đã bổ sung 19 tấn, nâng tỷ trọng vàng lên 26% tổng danh mục tài sản – theo WGC.
![]() |
Ngân hàng Trung ương Ba Lan mua vàng nhiều nhất trong quý I/2025. Nguồn: IMF IFS, các ngân hàng trung ương quốc gia, Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council). |
Lượng mua ròng của ngân hàng trung ương quý I vẫn nằm trong biên độ 200–300 tấn/quý duy trì từ năm 2022. Với bối cảnh giá vàng đang ở đỉnh cao lịch sử và thị trường tài chính toàn cầu chao đảo vì lãi suất và thương chiến, xu hướng tích lũy vàng đang trở thành chiến lược dài hạn thay vì phản ứng ngắn hạn.
Thâm hụt ngân sách Mỹ: “chất xúc tác” cho vàng vươn lên vị thế trung lập
Báo cáo tháng 3/2025 của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo thâm hụt liên bang sẽ tiếp tục tăng trong 30 năm tới, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ nhiều hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác. Theo WGC, “tình trạng bất định trong chính sách tài khóa và thuế quan của Mỹ đã khiến nhu cầu bảo vệ thanh khoản của dự trữ quốc gia tăng mạnh, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển”.
Ngoài vai trò phòng thủ hệ thống, vàng còn được xem là kênh đầu tư sinh lời thực trong bối cảnh lợi suất trái phiếu được điều chỉnh theo kỳ vọng giảm lạm phát. Tổng nhu cầu đầu tư vàng toàn cầu quý I/2025 đạt 551,9 tấn – tăng 170% so với cùng kỳ – nhờ dòng tiền dồn dập vào các quỹ ETF và vàng vật chất.
Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu với 124,2 tấn vàng vật chất – tăng 12% – chiếm 38% tổng cầu toàn cầu với vàng thỏi và tiền xu. Ở chiều ngược lại, Mỹ ghi nhận lượng đầu tư cá nhân thấp nhất trong 5 năm, trong khi châu Âu phục hồi mạnh mẽ từ đáy thấp của năm 2024, đặc biệt tại Đức và Thụy Sĩ.
Đáng chú ý, tổng tài sản ròng của các quỹ ETF vàng toàn cầu đã đạt 345 tỷ USD vào cuối quý I – mức cao nhất kể từ giữa năm 2023 – với lượng vàng nắm giữ tăng thêm 226,5 tấn. Riêng các quỹ tại Bắc Mỹ thu hút 134 tấn, còn châu Á tăng 34 tấn nhờ sự gia tăng đột biến tại Trung Quốc.
Lưu trữ vàng và “chủ quyền tài chính” thời bất định
Ngoài việc mua vào, một xu hướng âm thầm nhưng mang tính chiến lược đang nổi lên là việc xem xét lại nơi lưu trữ vàng dự trữ quốc gia. Theo WGC, “một số quốc gia châu Âu đang kêu gọi hồi hương vàng khỏi Mỹ” nhằm đảm bảo quyền kiểm soát trực tiếp. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tuyên bố “không có kế hoạch hồi hương vàng” do lợi ích về thanh khoản và an toàn lưu trữ ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, hoạt động cho vay vàng giữa các ngân hàng trung ương tăng mạnh trong quý I nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất đột biến trên sàn COMEX. Tuy không ảnh hưởng đến quyền sở hữu, nhưng điều này cho thấy áp lực cung ngắn hạn trong hệ thống vàng chính thức, đặc biệt trong bối cảnh chính sách thuế quan mới của Mỹ tạo ra làn sóng mua vàng đón đầu.
Theo WGC, “nếu giá vàng tiếp tục duy trì ở mức cao, một số ngân hàng trung ương có thể đạt ngưỡng phân bổ mục tiêu sớm hơn, làm chậm tốc độ mua vào”. Tuy nhiên, tổ chức này khẳng định “không có dấu hiệu cho thấy xu hướng mua vàng sẽ suy yếu trong năm 2025”.
Dù không một ngân hàng trung ương nào công khai tuyên bố từ bỏ đồng USD, nhưng sự gia tăng liên tục trong dự trữ vàng đang là minh chứng rõ nét cho một tiến trình tái cấu trúc cán cân tiền tệ toàn cầu. Trong kỷ nguyên đa cực, nơi các đồng tiền mạnh đang bị nghi ngờ vì rủi ro chính trị và nợ công, vàng đang trở lại như một trụ cột trung lập, bền vững và phi chính trị. 243,7 tấn vàng không chỉ là số liệu, mà là chỉ dấu của một chu kỳ “phi USD hóa” lặng lẽ nhưng kiên quyết, được dẫn dắt bởi chính các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
>> Giải ngân 14,3% sau 4 tháng: Đầu tư công 2025 đang ‘nén lực’ để bứt phá?
Nhu cầu vàng toàn thế giới đạt đỉnh 9 năm, ngân hàng trung ương các quốc gia gom bao nhiêu?
ADB: Vì sao lạm phát giảm sâu nhưng các ngân hàng trung ương vẫn ‘giữ phanh’?