Những lần bỏ lỡ cơ hội "vàng" của kỳ lân công nghệ VNG

06-01-2023 11:04|Trung Du

VNG đã xem xét tiềm năng niêm yết trên sàn Nasdaq từ năm 2017. Tuy nhiên, kế hoạch này liên tục bị trì hoãn, đến cuối năm 2022.

Ngày 5/1, VNG đã chính thức lên sàn UPCoM với mức giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá tạm tính này, giá trị vốn hóa của công ty khoảng 8.600 tỷ đồng, tương đương hơn 360 triệu USD. Quy mô vốn hóa này của VNG cách xa mức định giá được đưa ra trước đó. Trước đó, từ năm 2014, VNG được định giá 1 tỷ USD và trở thành kỳ lân đầu tiên của Việt Nam, theo World Startup Report.

Công ty cũng có kế hoạch lên sàn Nasdaq (Mỹ) vào cuối năm 2022 thông qua việc sáp nhập với một công ty SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt). Thương vụ này có thể giúp định giá VNG rơi vào khoảng 2 – 3 tỷ USD, theo Bloomberg. Tuy nhiên, VNG đã bỏ lỡ kế hoạch này.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên VNG bỏ lỡ những "cơ hội vàng" trên thị trường. Những dịch vụ như Zing Me, ZaloPay,… là những sản phẩm để lại nhiều nuối tiếc nhất trên chặng đường phát triển của tập đoàn công nghệ này.

Sự lụi tàn của Zing Me

mxh-zing-me.jpg

CTCP VNG được chính thức được thành lập vào năm 2004, trước đây được biết đến với tên gọi Vinagame, nay là CTCP VNG, chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Hiện đang hoạt động trong 4 mảng chính: Trò chơi trực tuyến, Nền tảng kết nối, Thanh toán điện tử, Dịch vụ điện toán đám mây.

Làm nên thành công và tên tuổi cho VNG là những tựa game thu hút hàng triệu người chơi như Võ lâm truyền kỳ, Thành phố vui vẻ (Happy City), Khu vườn trên mây, Gunny,… và Zing Me. Tuy nhiên, Zing Me cũng sản phẩm khiến công ty nuối tiếc nhất.

Zing Me - mạng xã hội đầu tiên của Việt Nam, ra đời năm 2009. Tại ngày 23/9/2009, số người dùng của họ đạt 945.000 người, vượt gần 30.000 so với con số 918.000 người dùng Facebook. Vào khoảng thời gian đỉnh cao, Zing Me đạt 6,8 triệu người dùng, gấp hai lần số người truy cập Facebook (3.1 triệu người).

Thành công của Zing Me đạt được vào thời điểm đó, theo lý giải là do mạng xã hội này tận dụng được thói quen viết blog từ Yahoo 360 trước đó. Trong khi với Facebook, người dùng phải sử dụng chức năng note phức tạp kiểu HTML.

Tuy nhiên, chỉ với tính năng đó không đủ để Zing Me chạy đường dài với ông lớn Facebook có nhiều tiền và nhiều công nghệ. Năm 2012, chuyên gia chiến lược truyền thông mạng Vicenzo Cosenza (Italia) đã công bố Bản đồ mạng xã hội toàn cầu (World Map Social Networks) cho thấy, Facebook đã vượt mặt Zing Me ngay tại quê nhà.

Sau một thập niên tồn tại, tháng 1/2020, Zing Me đã chính thức bị khai tử

Ví điện tử ZaloPay đi lùi

vi-dien-tu-zalopay.jpg

Sở hữu trong tay nền tảng nhắn tin lớn nhất Việt Nam là Zalo với 74,7 triệu người dùng hoạt động hàng tháng theo số liệu được Bộ Thông tin & Truyền thông công bố, song trên thị trường ví điện tử, VNG lại là kẻ đi sau.

Nếu như MoMo được ra mắt vào năm 2010 thì phải 6 năm sau, VNG mới tiến vào mảng kinh doanh này với ZaloPay. Được tích hợp vào Zalo, ZaloPay được kỳ vọng sẽ làm nền tên tuổi như WeChat ở Trung Quốc.

Dường như ZaloPay đã không tận dụng được lợi thế này khi theo Robocash Group, ZaloPay chỉ đứng thứ ba trong số các ví điện tử phổ biến ở Việt Nam, thậm chí còn xếp sau ví điện tử sinh sau đẻ muộn là Viettel Pay.

Cụ thể, MoMo đang chiếm 45,8% thị phần, thứ hai là Viettel Pay với 19,5% thị phần, thứ ba là ZaloPay 17,5% thị phần và cuối cùng là ShopeePay 14,1%. Moca và VNPT Pay chia nhau 1% thị phần còn lại. Trong khi đó, theo Bản tin ngành công nghệ tài chính (Fintech) được Reputa công bố, ZaloPay đứng cuối bảng trong top 5 ví điện tử phổ biến trên mạng xã hội.

Đến nay, VNG vẫn đang gánh lỗ cho hoạt động của ZaloPay. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III của VNG, phần lỗ trong công ty liên kết đã tăng hơn 82 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay so với chỉ gần 19 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tính đến 30/9, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG đã lên tới hơn 603 tỷ đồng.

Thoái lui niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ

ky-lan-cong-nghe-vng.jpg

VNG đã xem xét tiềm năng niêm yết trên sàn Nasdaq từ năm 2017. Tuy nhiên, kế hoạch này liên tục bị trì hoãn, đến cuối năm 2022, các nguồn tin cho biết VNG đã lên kế hoạch để niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua SPAC, với định giá từ 2-3 tỷ USD.

Trả lời Bloomberg, ông Lê Hồng Minh bày tỏ mong muốn “trở thành một công ty công nghệ toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi phải chơi cùng một sân và tiếp cận nền tảng nhà đầu tư tốt nhất, cũng khắt khe nhất thế giới”.

Là một trong những startup được quan tâm nhất, nếu IPO tại Mỹ đúng thời hạn như kế hoạch, VNG sẽ là doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đầu tiên làm được điều này.

Cuối cùng, ý định “go global” được dàn lãnh đạo VNG nung nấu suốt 5 năm trời đã đổ bể khi công ty công bố sẽ lên sàn UPCoM. Theo tờ Bloomberg, những áp lực cạnh tranh tăng mạnh gần đây ở Đông Nam Á được coi là động lực để VNG và nhiều tập đoàn công nghệ trong khu vực liên tục công khai ý định niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ để có thêm vốn cho hoạt động đầu tư.

Trước khi rục rịch lên UPCoM, VNG đã kinh doanh thua lỗ nhiều quý liên tiếp. Quý III/2022, VNG lỗ sau thuế 254,5 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 32 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 4 lỗ liên tiếp của công ty kể từ quý IV/2021. Luỹ kế 9 tháng năm 2022, VNG đã lỗ sau thuế tới 764 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 196,5 tỷ đồng. Lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 419 tỷ đồng.

Đừng bỏ lỡ cơ hội vàng với tấm vé tàu xe trên tay, kiểm tra ngay khi còn thời hạn

Dịch tả lợn châu Phi lan rộng: cơ hội vàng cho các doanh nghiệp sản xuất vaccine

Singapore nhập khẩu điện sạch qua tuyến cáp ngầm dài 1.000km: Cơ hội vàng cho Việt Nam

Theo Kiến Thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhung-lan-bo-lo-co-hoi-vang-cua-ky-lan-cong-nghe-vng-165091.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Những lần bỏ lỡ cơ hội "vàng" của kỳ lân công nghệ VNG
POWERED BY ONECMS & INTECH