Sáp nhập Thái Bình và Hưng Yên: Một địa phương sẽ có 'cơ hội vàng' cho thị trường bất động sản
Sau đề xuất sáp nhập với Hưng Yên, thị trường bất động sản Thái Bình đang được giới đầu tư chú ý nhờ lợi thế về quỹ đất, hạ tầng và dư địa tăng giá.
Tương lai rộng mở khi Hưng Yên và Thái Bình sáp nhập
Việc nghiên cứu phương án sáp nhập tỉnh Hưng Yên và Thái Bình – hai địa phương nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng – không chỉ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, mà còn mở ra cơ hội định hình một không gian liên kết vùng mạnh mẽ.
Hưng Yên sở hữu lợi thế lớn về vị trí khi nằm trong Vùng Thủ đô, tiếp giáp với Hà Nội và các tỉnh công nghiệp trọng điểm như Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam. Tỉnh này được hưởng lợi trực tiếp từ mạng lưới hạ tầng huyết mạch như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Quốc lộ 5A, Quốc lộ 39, tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và các tuyến đường tỉnh đang được đầu tư mở rộng.

Bên cạnh đó, dự án đường sắt đô thị Hà Nội – Hưng Yên – Hải Dương đang trong lộ trình nghiên cứu quy hoạch cũng mở ra kỳ vọng lớn cho việc kết nối nhanh vùng lõi Thủ đô với các đô thị vệ tinh mới.
Trong khi đó, Thái Bình đang dần thoát khỏi hình ảnh của một tỉnh thuần nông nhờ bước tiến mạnh mẽ về hạ tầng. Đặc biệt, tỉnh đang đầu tư xây dựng cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh (giai đoạn qua Thái Bình), tuyến đường ven biển kết nối từ Nam Định đến Quảng Ninh, cùng hệ thống cầu Trà Lý, cầu Tân Đệ, cầu Thái Hà nối liền các địa phương trọng điểm trong vùng Duyên hải Bắc Bộ.
Đáng chú ý, Thái Bình có hệ thống cảng biển và logistics đang được nâng cấp, trong đó khu cảng Diêm Điền và cảng Ba Lạt nằm trong định hướng phát triển thành các điểm trung chuyển hàng hóa ven biển quan trọng. Địa phương cũng đã được Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu các phương án lấn biển để phát triển công nghiệp, xây dựng sân bay, cảng biển….
Việc sáp nhập Hưng Yên và Thái Bình sẽ tạo ra một không gian phát triển liền mạch giữa vùng trung tâm công nghiệp – dịch vụ (Hưng Yên) và vùng ven biển có tiềm năng phát triển logistics, công nghiệp sạch và du lịch (Thái Bình).
Đối với bất động sản, đây là cơ hội hình thành các vùng giãn dân mới, khu đô thị vệ tinh, tổ hợp dịch vụ – công nghiệp ven đường cao tốc, đồng thời thúc đẩy làn sóng đầu tư vào các khu công nghiệp, nhà ở cho chuyên gia và công nhân, bất động sản thương mại phục vụ ngành hậu cần.
>> Đất bỏ hoang chục năm không xây nhà để chờ giá tăng, luật này ra đời sẽ chặn đứng nạn đầu cơ
Kỳ vọng về tương lai của bất động sản Thái Bình
Hiện tại, mặt bằng giá bất động sản tại Thái Bình vẫn ở mức thấp hơn đáng kể so với Hưng Yên. Giá trị giao dịch chủ yếu tập trung tại TP. Thái Bình và một số khu vực lân cận. Trong khi đó, Hưng Yên nhờ lợi thế tiếp giáp Hà Nội và tập trung nhiều khu công nghiệp lớn nên giá bất động sản cao hơn, đặc biệt tại các huyện như Văn Giang, Yên Mỹ – nơi ghi nhận mức độ quan tâm và đầu cơ cao.

Trong bối cảnh đề xuất sáp nhập hai địa phương đang được nghiên cứu, nhiều chuyên gia nhận định rằng thị trường bất động sản Thái Bình sẽ hưởng lợi rõ rệt. Việc hình thành một đơn vị hành chính mới với hệ quy chiếu giá trị cao hơn, cùng với quá trình đầu tư hạ tầng đồng bộ, được kỳ vọng sẽ kéo mặt bằng giá bất động sản Thái Bình tăng lên, thu hẹp khoảng cách so với các tỉnh vệ tinh khác của Hà Nội.
Đồng thời, nguồn cung đất đai dồi dào từ Thái Bình cũng có thể giúp điều tiết và ổn định thị trường bất động sản tại Hưng Yên vốn đã ghi nhận tình trạng tăng nóng tại nhiều khu vực trong vài năm qua. Việc mở rộng không gian phát triển sẽ góp phần phân tán áp lực đầu cơ, tạo nên sự cân bằng cung - cầu trên phạm vi toàn tỉnh mới.
Đáng chú ý, một số khu vực giàu tiềm năng như huyện Tiền Hải và Thái Thụy đang thu hút làn sóng đầu tư mạnh nhờ vị trí chiến lược ven biển, quỹ đất lớn và định hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch biển. Việc tổ chức đấu giá 151 lô đất tại hai huyện này với mức giá khởi điểm từ hơn 6 triệu đồng/m2 đã phần nào phản ánh sức hấp dẫn ngày càng gia tăng của thị trường.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho rằng, việc sáp nhập hai tỉnh không chỉ mở ra một thị trường thống nhất với khả năng phát triển toàn diện hơn, mà còn tạo nền tảng để điều chỉnh lại hệ quy chiếu giá trị bất động sản một cách hợp lý. Khi giao thông, hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch phát triển kinh tế được triển khai đồng bộ, các dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp tích hợp hay bất động sản nghỉ dưỡng ven biển sẽ có dư địa bứt phá, tạo động lực tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên thận trọng. Nhà đầu tư cần đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố như pháp lý, quy hoạch, hạ tầng và chiến lược phát triển dài hạn của tỉnh mới trước khi quyết định xuống tiền.
>> Thị trường bất động sản có tín hiệu mới sau 3 tháng đầu năm bùng nổ
Thị trường bất động sản có tín hiệu mới sau 3 tháng đầu năm bùng nổ
Hàng triệu tỷ đồng chảy vào bất động sản, vì sao doanh nghiệp vẫn ‘đói’ vốn?