Giá cả

Những ngày gạo đắt...

Quốc Trung 03/08/2023 - 11:40

Giá gạo đã tăng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, câu chuyện doanh nghiệp Việt phải bù lỗ vì buôn gạo vẫn diễn ra đâu đó trong thời gian này.

Chỉ trong hơn một tuần, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga lần lượt thông báo ngừng xuất gạo ra nước ngoài.

Ngày 29/7, Chính phủ Nga thông báo cấm xuất khẩu gạo cho đến hết ngày 31/12 năm nay. Trước đó một ngày, Bộ Kinh tế UAE quyết định dừng xuất khẩu tất cả các loại gạo trong 4 tháng.

Các động thái này được đưa ra chỉ một tuần sau khi Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ quyết định dừng xuất khẩu các loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á). Đáng nói, Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Những ngày gạo đắt...

Động thái của các nước diễn ra trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn và sức ép lạm phát làm lung lay nhiều nền kinh tế. Các nước vì thế phải áp dụng biện pháp chủ động để đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ thị trường trong nước khỏi biến động giá.

Mưa lũ và hạn hán do El Nino đang đe dọa mùa màng ở Ấn Độ cũng như Thái Lan – nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai. Căng thẳng Nga – Ukraine cũng khiến giá nhiều loại ngũ cốc khác tăng vọt.

Reuters cho biết tại châu Á, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng 15% trong 4 tháng qua, lên 535 USD một tấn. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 3/2021. Gạo 5% tấm của Việt Nam cũng lên 515-525 USD một tấn tháng này - cao nhất kể từ năm 2011.

Trong khi đó, ở Ấn Độ, giá gạo bán lẻ tại Delhi đã tăng 15% từ đầu năm. Ấn Độ vì thế phải hạn chế bán gạo ra quốc tế để hạ nhiệt giá trong nước và kiềm chế lạm phát. Quốc gia Nam Á này hiện đóng góp khoảng 40% hoạt động kinh doanh gạo trên thế giới. Họ cung cấp gạo cho hơn 100 quốc gia (nhiều nhất là Trung Quốc, Senegal và Bờ Biển Ngà).

UAE thì phải nhập khẩu tới 90% lương thực hàng năm. Họ mua gạo chủ yếu từ Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam và Thái Lan. Theo Bộ Kinh tế UAE, lệnh cấm tạm thời này nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước, sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.

Chính phủ Nga thì cho biết mục đích của họ là bình ổn thị trường trong nước

Giới phân tích cho rằng các nước đang ngày càng có xu hướng ưu tiên nhu cầu nội địa trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn.

Giá gạo tăng, nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo có thể bị "hớ"

Ông Nguyễn Lưu Tường, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Ngon Nhất (TP. HCM) chia sẻ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu do không lường trước biến động về giá nên đang chịu "lỗ ngược".

Hiểu đơn giản, các doanh nghiệp ký đơn hàng với đối tác nước ngoài từ khi giá gạo còn thấp, chưa biến động. Trong khi, phía doanh nghiệp lại chưa nắm chắc lượng gạo sẽ có trong kho để đáp ứng đơn hàng. Điều này dẫn đến việc khi giá gạo lên, doanh nghiệp buộc phải đi mua gom trong dân với giá cao để đủ sản lượng đơn hàng xuất khẩu đã ký.

"Doanh nghiệp cứ nhắm mắt ký đơn hàng xuất khẩu sớm, đến khi biến động giá thì kêu lỗ? Họ phải chấp nhận thực tế chứ không thể kêu Chính phủ hay Nhà nước hỗ trợ được", ông Tường nói.

Nhiều ý kiến doanh nghiệp hiện cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu ngay lúc này. Khi dư địa xuất khẩu gạo tốt, người nông dân có thể sẽ được hưởng lợi.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, năm 2022, sản lượng lúa của Việt Nam đạt trên 42 triệu tấn, xuất khẩu được 7,13 triệu tấn gạo. Năm nay, cả nước dự kiến sản xuất được trên 43 triệu tấn lúa, xuất khẩu gạo có thể vượt kỷ lục năm 2022.

Theo ThS Phan Minh Hòa - Giảng viên Kinh tế (Đại học RMIT), về ngắn hạn, dự kiến giá gạo sẽ tiếp tục neo cao trong nửa cuối năm 2023. 6 tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu bình quân là 539 USD/tấn - tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 588 USD/tấn - cao nhất kể từ năm 2011. Đây là tin vui đối với Việt Nam.

Trong dài hạn, bà Hòa cho rằng, do đặc thù lúa gạo có mùa vụ ngắn, chu kỳ tăng giá gạo trên thế giới thường không kéo dài.

Theo cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Việt Nam đang hưởng lợi ngắn hạn trước quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Tuy nhiên không nên coi đây là cơ hội dài hạn.

Khi thời tiết trở lại bình thường, các nước sẽ tăng cường sản xuất lúa gạo. Đặc biệt, khi Ấn Độ bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu, thị trường gạo sẽ quay trở lại quỹ đạo thông thường.

*(Chúng tôi sẽ thông tin về kết quả kinh doanh quý 2/2023 của nhóm doanh nghiệp buôn gạo, câu chuyện đầu tư cổ phiếu trong bài viết tới)!

Xem thêm: 1 thành viên thuộc liên danh VIETUR báo lãi quý 2 gấp 3 lần cùng kỳ, cổ phiếu X2 sau 1 tháng

Xe buýt lao xuống hẻm núi khiến tài xế tử vong tại chỗ, nhiều hành khách thương vong: Chiếc xe tan tành do va chạm mạnh, khẩn cấp đưa các nạn nhân đến bệnh viện gần đó

Vị tỷ phú đứng sau thoả thuận cung cấp dầu khí kỷ lục kéo dài 10 năm giữa Ấn Độ và Nga

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhung-ngay-gao-dat-195137.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Những ngày gạo đắt...
    POWERED BY ONECMS & INTECH