Những thầy cô từ chối hoa, quà để có sách, bút cho học trò
Giữa lúc học trò chông chênh, nhiều hiệu trưởng đã chọn gửi thư cho các em - nhằm tâm tình, chia sẻ cũng như định hướng cam kết xây dựng học đường an toàn, thân thiện. Nhiều thầy giáo sẵn sàng bỏ qua những bó hoa trong ngày lễ vì học trò nghèo.
Thầy Nguyễn Hùng Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thälmann, quận 1, TPHCM: Dưới mái trường học sinh luôn được yêu thương
Thầy Nguyễn Hùng Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thälmann, quận 1, TP.HCM, vừa có thư gửi học sinh toàn trường, nhằm động viên, khích lệ tinh thần các em.
Trong thư, thầy Khương nêu rằng gần đây, những sự kiện không vui trong môi trường học đường ở một số nơi đã để lại trong thầy nhiều suy nghĩ. Thầy hiểu rằng tuổi học trò là một giai đoạn đẹp đẽ nhưng cũng đầy thử thách, các em không chỉ đối mặt với áp lực học tập mà còn phải vượt qua những mâu thuẫn trong cuộc sống và những cảm xúc phức tạp của tuổi trẻ.
Thầy Khương nhấn mạnh, bất kỳ khó khăn nào cũng sẽ có cách vượt qua và các em không bao giờ cô đơn trong hành trình ấy. Nhà trường, thầy cô, bạn bè và gia đình luôn ở đây để đồng hành cùng các em.
Vị hiệu trưởng dặn dò học sinh 4 điều. Thứ nhất, mọi khó khăn đều có thể được chia sẻ, đừng ngần ngại nói ra những suy nghĩ, cảm xúc của mình với thầy cô, bạn bè hoặc người thân. Chia sẻ không chỉ giúp các em cảm thấy nhẹ nhõm hơn mà còn giúp tìm ra giải pháp tốt nhất cho những vấn đề mình gặp phải. Thứ hai, mỗi ngày là một cơ hội mới, nếu hôm nay các em cảm thấy chưa làm tốt, hãy tin rằng ngày mai sẽ là một cơ hội để các em cố gắng và hoàn thiện hơn. Thầy cô luôn tin tưởng vào tiềm năng và nỗ lực của các em.
Thứ ba, giá trị của tình bạn và sự tử tế, hãy luôn quan tâm, lắng nghe và giúp đỡ bạn bè xung quanh. Một cử chỉ tử tế, một lời động viên của các em có thể tạo nên sự khác biệt lớn lao trong cuộc sống của một người.
Thứ 4, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ, nếu cảm thấy áp lực, buồn bã hay lo lắng, các em có thể tìm đến thầy cô ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hoặc đội ngũ tư vấn tâm lý. Thầy cô luôn sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ các em.
Thầy Khương cũng nhắn học sinh rằng, “mỗi người đều đặc biệt và có giá trị riêng. Thành công không chỉ nằm ở kết quả học tập mà còn ở cách các em học yêu thương bản thân, đối mặt với khó khăn và lan tỏa niềm vui đến những người xung quanh".
Thầy cô kêu gọi đổi hoa quà cho mình bằng sách, vở cho học trò
Vì học sinh nghèo, nhiều hiệu trưởng ở TPHCM đã từ chối nhận hoa 20/11- một trong những ngày ý nghĩa nhất của người thầy. Ông Lê Hồng Thái, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Văn Trị từ chối nhận hoa ngày 20/11 mà mong muốn xin một món quà khác để gửi tới học sinh.
Ông gửi thư cho mạnh thường quân, cơ quan, doanh nghiệp và nêu rằng hàng năm, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhà trường nhận được rất nhiều lẵng hoa chúc mừng. Tuy nhiên, số hoa này chỉ dùng trong vài ngày thì vứt bỏ, rất phí phạm. Năm nay tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, nhà trường mong quý mạnh thường quân, quý doanh nghiệp, tổ chức thay vì tặng hoa thì xin đổi sang tặng tập vở, sữa và trang thiết bị thể dục thể thao để nhà trường khen thưởng cho học sinh. Đóng góp dù lớn hay nhỏ đều là nguồn động lực cho trường và học sinh.
Lý do ông Lê Hồng Thái từ chối nhận hoa vì trường ở khu vực còn khó khăn, chưa có điều kiện để khen thưởng học sinh. Vì vậy, ông mong muốn, những lẵng hoa chúc mừng sẽ được đối tác quy đổi thành sữa, tập vở, hiện vật cụ thể để nhà trường khen thưởng, khích lệ học sinh tham gia các hoạt động bổ ích.
Năm ngoái, 89 học sinh khó khăn của Trường THCS Nguyễn Văn Luông (Quận 6, TPHCM) không thể mua được thẻ bảo hiểm y tế năm 2024. Giá trị mỗi thẻ là 680.400 đồng. Ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng trường, đã viết thư ngỏ gửi cơ quan, doanh nghiệp, phụ huynh, mạnh thường quân xin được đổi quà là hoa và bánh kem trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sang thẻ bảo hiểm cho học sinh.
Theo ông Cường, các doanh nghiệp, phụ huynh thường tặng bánh kem và hoa cho nhà trường, giáo viên vào dịp 20/11. Nhà trường rất trân quý tình cảm này. Nhưng sau 1-2 ngày, nhiều lẵng hoa phải bỏ đi trong khi số tiền các đơn vị dùng để mua tặng là không nhỏ.
Ông Cường kể, sau khi thư ngỏ được chia sẻ, nhà trường nhận niềm vui bất ngờ. Trong trường, các thầy cô là những người đầu tiên góp tiền để mua thẻ bảo hiểm cho học sinh. Nhiều doanh nghiệp, phụ huynh, mạnh thường quân cũng tặng quà cho trường, với số tiền có thể mua được hơn 200 thẻ bảo hiểm. Con số này vượt xa sự mong đợi trong thư ngỏ là 89 thẻ bảo hiểm cho 89 học sinh khó khăn.
>> Hiệu trưởng 'ghế nhựa' và ngôi trường 100 tỷ ở huyện biên giới