Những ứng dụng cho 'dùng chùa' nhưng vẫn hốt cả tỷ đô la mà không cần thu phí 'lắt nhắt' 5.000 đồng như Zalo
Dù miễn phí với người dùng, các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp, Viber hay Telegram vẫn tạo ra doanh thu khổng lồ nhờ các mô hình kinh doanh thông minh.
Với hơn hai tỷ người dùng trên 180 quốc gia, WhatsApp có thể thu về số tiền khổng lồ nếu áp dụng phí đăng ký. Tuy nhiên, nền tảng này lựa chọn cách tiếp cận khác khi tận dụng sức mạnh từ công ty mẹ Meta.
![]() |
Theo Matthew Hodgson, đồng sáng lập Element, một nền tảng nhắn tin an toàn, hầu hết các ứng dụng vẫn dựa vào mô hình quảng cáo để thu lợi nhuận. Ảnh minh hoạ |
Từ năm 2023, WhatsApp triển khai dịch vụ nhắn tin doanh nghiệp, cho phép các công ty thiết lập kênh truyền tải nội dung đến người theo dõi. Điểm sinh lời lớn nhất là dịch vụ tương tác khách hàng, trong đó doanh nghiệp phải trả phí để tiếp cận và trò chuyện với khách hàng thông qua nền tảng này. Ngoài ra, WhatsApp còn thu phí từ việc tích hợp quảng cáo trên Facebook và Instagram, giúp các doanh nghiệp hướng khách hàng từ quảng cáo sang cuộc trò chuyện trên ứng dụng.
Khác với WhatsApp, Signal là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động nhờ vào các khoản đóng góp thay vì nguồn đầu tư từ các quỹ tài chính. Một trong những khoản tài trợ lớn nhất đến từ Brian Acton, đồng sáng lập WhatsApp, với số tiền lên đến 50 triệu USD vào năm 2018. Signal đặt mục tiêu duy trì nền tảng bằng sự đóng góp từ cộng đồng người dùng thay vì kiếm tiền từ quảng cáo hay doanh nghiệp.
Một số ứng dụng khác áp dụng mô hình freemium, cung cấp dịch vụ cơ bản miễn phí nhưng thu phí với các tính năng nâng cao. Discord cung cấp gói thành viên trả phí Nitro với mức phí 9,99 USD mỗi tháng, cho phép phát trực tuyến chất lượng cao và sử dụng biểu tượng cảm xúc tùy chỉnh. Snapchat kết hợp giữa quảng cáo và mô hình đăng ký, với hơn 11 triệu người dùng trả phí tính đến tháng 8 năm 2024, mang về hơn bốn tỷ USD doanh thu từ quảng cáo mỗi năm. Viber kiếm tiền từ quảng cáo trong ứng dụng và các gói sticker trả phí với giá khoảng hai USD. Ngoài ra, dịch vụ Viber Out cho phép người dùng nạp tiền để gọi đến các số điện thoại thông thường.
Line tạo doanh thu từ game miễn phí nhưng bán vật phẩm ảo, sticker và tài khoản doanh nghiệp có phí. KakaoTalk, ứng dụng phổ biến nhất tại Hàn Quốc, áp dụng mô hình tương tự Line. Trong khi đó, WeChat không chỉ dựa vào quảng cáo mà còn cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, thu phí từ các giao dịch tài chính.
Theo Matthew Hodgson, đồng sáng lập Element, một nền tảng nhắn tin an toàn, hầu hết các ứng dụng vẫn dựa vào mô hình quảng cáo để thu lợi nhuận. Ngay cả khi sử dụng mã hóa và bảo vệ quyền riêng tư, các nền tảng này vẫn có thể thu thập thông tin về hành vi người dùng để tối ưu hóa quảng cáo.
Ông Hodgson nhận định rằng nếu một ứng dụng miễn phí và không thu phí từ người dùng, rất có thể người dùng chính là sản phẩm.
Zalo là ứng dụng nhắn tin trực tuyến phổ biến hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, cho phép người dùng tải về và sử dụng miễn phí giới hạn tính năng. Mới đây, chương trình này lại "tự tạo thêm một giới hạn" nữa khi bất ngờ thu mức phí khá cao đối với yêu cầu tạo tài khoản mới.
Cụ thể, nhiều người dùng gần đây cho biết khi đăng ký tài khoản Zalo bằng số điện thoại mới, họ sẽ phải gửi một tin nhắn đến tổng đài của dịch vụ này để nhận mã OPT (mật khẩu sử dụng một lần) để kích hoạt, với giá tin nhắn 5.000 đồng.
>>'Vựa lúa dưới lòng đất' của Việt Nam hái ra tiền: Philippines tích cực gom hàng