Hiện nay có nhiều ứng dụng hỗ trợ giúp phụ huynh có thể kiểm soát trẻ em khi lên mạng thay vì sử dụng cách 'thủ công' như trước đây.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc trung tâm tư vấn và đào tạo an ninh mạng Athena, hiện nay phần nhiều cha mẹ cho con sử dụng điện thoại của mình một cách vô tư nhưng thiếu quản lý, kiểm soát hoặc thường chỉ giám sát bằng cách "thủ công" như thỉnh thoảng đến ngó xem con đang xem gì, chơi gì.
Nếu chỉ quản lý, giám sát “ thủ công”, cha mẹ rất khó có thể theo dõi xuyên suốt quá trình sử dụng điện thoại, Internet của các con. Do đó, cha mẹ cần biết kiến thức công nghệ, sử dụng các ứng dụng hỗ trợ cha, mẹ kiểm soát (Parental Control)
Những hệ điều hành di động như iOS và Android thường có những chế độ kiểm soát cho cha mẹ. Khi khởi động chức năng này, cha mẹ có thể thiết lập những chỉ số đúng với mong muốn của mình.
Chẳng hạn, con không thể truy cập những website đã được cha mẹ gắn nhãn "cấm".
Phụ huynh có thể thiết lập thời hạn cho con chơi game, xem phim, nếu quá thời lượng này, các ứng dụng trên sẽ tạm thời khóa lại.
Chế độ cũng sẽ ngăn cản những hoạt động phát sinh chi phí như mua sắm, đăng ký tài khoản, nhằm tránh việc con vô tình hay cố ý "chốt đơn" lung tung bằng điện thoại của cha mẹ.
Phụ huynh có thể vào phần cài đặt của cả máy IOS lẫn Android để tìm chức năng kiểm soát (Parental Control) này.
Trong đó, cha mẹ sẽ phải tự thiết lập một bảng cấp quyền cho con theo ý đồ của mình, như giới hạn con vào những website nào, thời gian tối đa bao lâu, không được đụng đến những dữ liệu nào của họ.
Cách thức này sẽ bảo vệ khá hữu ích cho những thông tin trên điện thoại của phụ huynh, dù vậy, vẫn có sai số với các mã độc tinh vi.
Để bổ trợ, cha mẹ có thể cài đặt thêm một số phần mềm như Kids Mode trên Samsung, mSpy trên iPhone, Family Link của Google... nhằm gia tăng khả năng bảo mật.
Ngoài ra, trong quá trình cài đặt các ứng dụng giám sát quá trình sử dụng Internet của các em, phụ huynh có thể liên hệ trung tâm tư vấn và đào tạo an ninh mạng như Athena để nhờ hỗ trợ triển khai.