Niềm tin của giới đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ tăng cao
Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng trong phiên thứ Hai (22/1), khi nhà đầu tư tiếp tục đẩy chỉ số lên mức đỉnh lịch sử.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/01, chỉ số Dow Jones tăng 138.01 điểm (tương đương 0.36%) lên 38.001,81 điểm. Đà tăng trong phiên ngày thứ Hai đưa chỉ số này lên mức cao kỷ lục mới và vượt mốc 38.000 điểm lần đầu tiên.
Chỉ số S&P 500 tiến 0,22% lên 4.850,43 điểm, cũng ghi nhận mức cao mọi thời đại mới. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,32% lên 15.360,29 điểm.
>> Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024: Kỳ vọng cho VN-Index, 'biến số' của Phố Wall
Dow Jones lần đầu vượt mốc 38,000 điểm |
Trước đó, các chỉ số chính trên Phố Wall đã bất ngờ chững lại vào đầu năm 2024, khi các nhà đầu tư giảm kỳ vọng về việc sớm cắt giảm lãi suất, trong bối cảnh dữ liệu kinh tế đa chiều và các nhà hoạch định chính sách của Fed đã liên tục nhấn mạnh về sự lạc quan thái quá về khả năng kiểm soát lạm phát.
Các nhà giao dịch đã giảm mạnh đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất 0,25% vào tháng 3, hiện ở mức 46%, theo Công cụ FedWatch của CME Group, từ mức hơn 80% được thấy vào cuối năm 2023.
Tuy nhiên, vào thứ Sáu tuần trước, chỉ số S&P 500 đã đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại, xác nhận thị trường tăng giá kể từ mức đóng cửa thấp nhất vào tháng 10/2022, sau một dự báo tập trung vào trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ từ TSMC của Đài Loan.
Các nhà đầu tư hiện sẽ tập trung phân tích chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed, chỉ số PMI của S&P Global và báo cáo GDP quý IV trong tuần này, để đánh giá hành động tiếp theo Fed khi nhóm họp vào ngày 31/1.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh cũng thu hút sự chú ý, với các công ty sẽ có thông báo vào tuần này như Netflix, Tesla, Abbott Lab, Intel và Johnson & Johnson.
Cho đến nay, 84,6% các công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2023 đã vượt qua kỳ vọng thị trường.
Giới phân tích cho rằng đà tăng của chứng khoán Mỹ có thể kéo dài bao lâu tuỳ thuộc vào việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có đưa nền kinh tế hạ cánh mềm được hay không. Hạ cánh mềm là kết quả mà ở đó chính sách tiền tệ thắt chặt giúp đưa lạm phát giảm về mục tiêu của ngân hàng trung ương mà không gây ra một cuộc suy thoái kinh tế.
“Đây gần giống như nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO)”, Giám đốc quản lý đầu tư Brian Price của công ty Commonwealth Financial nhận định về diễn biến phiên đầu tuần. “Thị trường có một chút biến động khi bước sang năm 2024, có thể do nhà đầu tư tái cân bằng danh mục và tìm cách hiện thực hoá một phần lợi nhuận. Nhưng bây giờ, có vẻ như chúng ta đang nối lại xu hướng tăng vốn có trong quý IV”.