Vĩ mô

Nợ công trong mức trần cho phép nhưng tỷ lệ vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng

Thu Hằng 23/10/2023 - 19:02

Ủy ban Tài chính Ngân sách dự báo nợ công 2024 khoảng 39-40% GDP, nợ Chính phủ 37-38% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia 38-39% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong mức trần Quốc hội cho phép nhưng tỷ lệ vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng.

Chiều 23/10, Quốc hội nghe các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025.

Cần dành nguồn tăng thu để tăng chi trả nợ gốc

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, trong 3 năm (2021-2023) Chính phủ vay khoảng 1,32 triệu tỷ đồng (đạt gần 43% kế hoạch). Trong đó, ngân sách Trung ương vay gần 1,28 triệu tỷ đồng.

Nguồn vay chủ yếu từ trong nước, qua phát hành trái phiếu kỳ hạn dài (bình quân 12,6-13,92 năm) với lãi suất ưu đãi. Việc huy động, trả nợ công và các chỉ tiêu an toàn nợ công, hạn mức vay, bảo lãnh của Chính phủ, vay nợ chính quyền địa phương đảm bảo mục tiêu đề ra.

Cụ thể, nợ công đến cuối 2023 khoảng 4 triệu tỷ đồng, tương đương 39-40% GDP, thấp hơn 2,7-3,7%GDP năm 2021.

Nợ Chính phủ khoảng 3,7 triệu tỷ đồng, tương đương 36-37%GDP, thấp hơn 1,7-2,7% GDP năm 2021. Đến cuối 2023, nợ trong nước chiếm 73% dư nợ Chính phủ, tăng từ mức 67% 2021...

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách khoảng 20-21%, giảm 0,5-1,5% so với 2021.

LeQuangManh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh nhận định, bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước chậm lại, trong khi nhu cầu chi tiêu đầu tư để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế tăng khá lớn.

Năm nay, Chính phủ dự kiến nhu cầu huy động ước đạt 604.379 tỷ đồng (bằng 93,8% kế hoạch). Trong số này, khoảng 589.000 tỷ đồng vay để trả nợ gốc ngân sách Trung ương (chiếm 32,35% cơ cấu tổng mức vay). Tỷ lệ này có xu hướng tăng trong năm 2024 (khoảng 42,4%) cho thấy xu hướng phải tăng vay để trả nợ gốc.

Thêm vào đó là các khoản vay mới đàm phán và ký kết từ năm 2022 có lãi suất cao hơn, là thách thức lớn, đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay.

Ủy ban Tài chính Ngân sách dự báo nợ công 2024 khoảng 39-40% GDP trong trường hợp tăng trưởng GDP tích cực. Cùng đó, nợ Chính phủ 37-38% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia 38-39% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách 24-25%. Các chỉ tiêu này trong mức trần Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, số tuyệt đối và tỷ lệ vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước năm 2024 khoảng 24-25%, tiệm cận mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội.

Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, phân tích nguyên nhân để có giải pháp điều hành cân đối ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công.

Ủy ban Tài chính Ngân sách lưu ý, Chính phủ cần dành nguồn tăng thu để tăng chi trả nợ gốc, tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; quản lý chặt chẽ huy động, sử dụng các khoản vốn vay bù đắp bội chi và trả nợ gốc ngân sách.

Cùng với đó là phát hành trái phiếu Chính phủ gắn với khả năng giải ngân chi, trả nợ gốc của ngân sách Nhà nước”, Ủy ban Tài chính ngân sách góp ý.

Cần đánh giá kỹ việc vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng

Về kế hoạch ngân sách 3 năm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, từ thực tế thu-chi ngân sách 3 năm, Chính phủ dự kiến tổng thu ngân sách 5 năm (2021-2025) đạt trên 8,4 triệu tỷ đồng, tỷ lệ huy động thu vào ngân sách 16,4% GDP; huy động từ thuế, phí 13,4% GDP và đạt mục tiêu.

Dù vậy, vẫn có những chỉ tiêu không đạt kế hoạch, như thu từ cổ phần hóa thoái vốn tại doanh nghiệp ở mức thấp, khoảng 25.000 tỷ đồng, chỉ bằng 10% so với mục tiêu. Tỷ trọng thu nội địa bình quân 5 năm khoảng 83%, thấp hơn mục tiêu 85-86%, do thu cổ phần hóa, thoái vốn thấp và miễn giảm nhiều khoản thu hỗ trợ nền kinh tế.

Chi ngân sách 5 năm khoảng 10,14 triệu tỷ đồng và sẽ được điều hành chặt chẽ, hiệu quả; tinh giản biên chế và rà soát, sắp xếp, kiện toàn lại các đơn vị sự nghiệp công lập và đảm bảo nguồn lực cho cải cách tiền lương, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội.

Quochoi-ky6.jpeg
Các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp 6 khóa 15

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ việc vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng; tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách năm 2024 tăng khá lớn và tình hình huy động vốn trái phiếu Chính phủ hằng năm trong khi tồn dư ngân sách lớn và số dư nguồn cải cách tiền lương không thể sử dụng.

Việc này nhằm xây dựng kế hoạch huy động, sử dụng vốn vay tiết kiệm, hiệu quả và đề xuất giải pháp cân đối ngân sách Nhà nước chủ động, bảo đảm an toàn nợ công.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xem xét nghiêm túc, đánh giá toàn diện nguyên nhân vướng mắc, tính hợp lý của phương án huy động vốn và trách nhiệm trong huy động, phân bổ vốn ODA… để đề xuất giải pháp thiết thực.

Nợ công thấp là cơ sở huy động 67 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Chính phủ dự kiến phát hành hơn 815 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong năm 2025: Sẽ tác động ra sao tới thị trường tài chính?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/no-cong-trong-muc-tran-cho-phep-nhung-ty-le-vay-de-tra-no-goc-co-xu-huong-tang-2205731.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nợ công trong mức trần cho phép nhưng tỷ lệ vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng
    POWERED BY ONECMS & INTECH