Hồ sơ phá sản của sàn giao dịch tiền số FTX bao gồm cả chi nhánh tại Mỹ FTX.US, công ty Alameda Research của ông Bankman-Fried và gần 130 công ty liên kết.
Rạng sáng ngày 10/11, phát ngôn viên của Binance bất ngờ xác nhận rằng, sàn giao dịch tiền điện tử này đã huỷ bỏ quyết định mua lại FTX. “Qua quá trình thẩm định và các cáo buộc mà FTX đang vướng phải, chúng tôi quyết định không mua lại FTX.com".
Binance chia sẻ ban đầu sàn giao dịch này hy vọng có thể hỗ trợ người dùng của FTX để cung cấp thanh khoản. Tuy nhiên, vấn đề này nằm ngoài tầm kiểm soát và khả năng của Binance.
“Mỗi khi một công ty lớn trong ngành thất bại, người dùng sẽ bị thiệt hại. Trong vài năm qua, chúng tôi đã chứng kiến hệ sinh thái tiền mã hóa đang trở nên linh hoạt hơn. Binance tin rằng, các trường hợp lạm dụng tiền của người dùng sẽ bị thị trường thanh lọc”, Binance đăng tweet.
Theo Bloomberg, có vẻ như chỉ trong vài giờ Binance đã nhận ra việc giải cứu FTX là chuyện khó. “Hố đen” tài chính - chênh lệch giữa nợ và tài sản của FTX có thể lên đến hơn 6 tỷ USD.
Đồng thời, các cơ quan quản lý Mỹ đang tiến hành điều tra liệu FTX sai phạm trong quá trình quản lý tiền của các khách hàng hay không, cũng như quan hệ giữa FTX với các công ty khác trong đế chế tiền số của nhà sáng lập Sam Bankman Fried, trong đó có quỹ phòng hộ Almeda Research.
Bản thân CEO Binance - Changpeng Zhao cũng thừa nhận không có “siêu kế hoạch” thâu tóm FTX. Cú “quay xe” này khiến số phận của sàn giao dịch tiền số từng lớn thứ hai thế giới và các khách hàng rơi vào tình cảnh mù mịt, hơn nữa còn làm dấy lên lo ngại về làn sóng domino sẽ lan ra toàn ngành.
Sau thất bại trong nỗ lực gọi vốn, ngày 11/11, sàn giao dịch tiền số FTX chính thức thông báo họ đã nộp đơn xin phá sản lên Tòa án liên bang ở Delaware.
Hồ sơ bao gồm cả chi nhánh tại Mỹ FTX.US, công ty Alameda Research của ông Bankman-Fried và gần 130 công ty liên kết.
Trước đó, hàng loạt khách hàng đã đổ xô rút tài sản ra khỏi sàn tiền ảo này sau khi xuất hiện lo ngại về tình hình tài chính của FTX và mối liên hệ giữa FTX và Alameda – một công ty cũng do Bankman-Fried sáng lập.
Riêng FTX Digital Markets, FTX Australia, FTX Expess Pay và LedgerX (hoạt động kinh doanh dưới dạng phái sinh tại Mỹ) không nằm trong diện này.
Theo bản tóm tắt, Giám đốc Điều hành Sam Bankman-Fried đã từ chức. Nhưng ông sẽ “hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi có quy củ”. John J. Ray III sẽ là người tiếp quản vị trí của Sam tại FTX. Tuy nhiên, lượng thông tin về người này hiện khá hạn chế.
Ông Bankman-Fried nói với các nhà đầu tư “Tôi đã phá hỏng mọi thứ”. Đây là một cái kết buồn với một người từng được xem là thần đồng của ngành tiền ảo. Trước đó, ông Bankman-Fried từng sở hữu khối tài sản lên tới 26 tỷ USD và được so sánh với ông trùm John Pierpont Morgan.
Trong một thông báo đưa ra vào tối 10/11, ông Sam Bankma-Fried cho biết đã có sai sót trong việc dán nhãn tài khoản ngân hàng, dẫn đến đánh giá sai tình hình.
Theo tuyên bố từ FTX, ông Bankman-Fried vẫn sẽ ở lại để hỗ trợ quá trình chuyển giao một cách suôn sẻ. Tân CEO Ray đánh giá việc nộp đơn xin phá sản là "phù hợp để giúp FTX Group có cơ hội đánh giá tình hình của mình và phát triển một quy trình nhằm tối đa hóa khả năng phục hồi cho các bên liên quan".
John J. Ray III chia sẻ "FTX Group có những tài sản quý giá chỉ có thể được quản lý hiệu quả trong một quy trình chung có tổ chức. Tôi muốn đảm bảo với mọi nhân viên, khách hàng, chủ nợ, bên hợp đồng, cổ đông, nhà đầu tư, cơ quan chính phủ và các bên liên quan khác rằng, chúng tôi sẽ tiến hành nỗ lực này với sự siêng năng, kỹ lưỡng và minh bạch".
Bạn gái cũ nhà sáng lập sàn tiền điện tử khổng lồ FTX phải ngồi tù 2 năm, nộp phạt... 11 tỷ USD
Sam Bankman-Fried bị kết án 25 năm tù vì gian lận tiền điện tử