Rất nhiều dự án năng lượng điện tái tạo liên quan Vietracimex còn chưa đến bước nộp hồ sơ lên bàn đàm phán về giá điện chuyển tiếp.
Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính cho kỳ báo cáo từ 1/1/2022 đến 31/12/2022 trong đó có nhiều thông tin khiến nhà đầu tư quan tâm.
Vietracimex: Nợ phải trả 35.600 tỷ đồng, chậm trả lãi trái phiếu
Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội, thành lập năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải. Vietracimex hướng tới trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành trong đó đặt trọng tâm phát triển vào lĩnh vực Bất động sản, Sản xuất công nghiệp và Năng lượng sạch
Báo cáo tình hình tài chính ghi nhận năm 2022 công ty lãi sau thuế 453 tỷ đồng, tăng 43,1% so với năm 2021. Tuy vậy tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) vẫn rất thấp, chỉ khoảng 3%.
Vietracimex cập nhật thay đổi lần thứ 14 giấy phép đăng ký kinh doanh vào tháng 2/2022. Hiện công ty có vốn điều lệ hơn 12.510 tỷ đồng, do ông Lê Tuấn Dũng là Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty.
Vốn chủ sở hữu đến 31/12/2022 đạt 14.437 tỷ đồng, tăng 460 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy vậy vấn đề khiến nhà đầu tư, giới chuyên môn chú ý là tổng nợ phải trả của Vietracimex tăng đột biến trong năm 2022, từ gần 29.500 tỷ đồng đầu năm lên 36.659 tỷ đồng, tăng 34,4%, tương ứng tăng hơn 6.100 tỷ đồng trong năm.
Trong số nợ phải trả, riêng nợ trái phiếu đã khoảng 7.070 tỷ đồng, giảm được 480 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Vietracimex còn nợ trái phiếu hơn 7.000 tỷ đồng
Nợ nần chồng chất, mới đây, tháng 5/2023 Vietracimex công bố thông tin về việc chậm thanh toán lãi trái phiếu của 4 mã trái phiếu WTOCH2126006, WTOCH2126007, WTOCH2126008 và WTOCH2126009. Tổng số tiền lãi, lãi phạt phải thanh toán đến 29/3/2023 hơn 24 tỷ đồng. Vietracimex cho biết công ty chưa thu xếp được nguồn để thanh toán lãi trái phiếu.
Thông tin từ HNX ghi nhận Vietracimex còn lưu hành rất nhiều lô trái phiếu, trong đó có những lô trái phiếu phát hành trong năm 2018. Còn lại chủ yếu phát hành vào giai đoạn cuối năm 2021.
Về kỳ hạn, các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn khá xa, chủ yếu năm 2025, 2026 mới đáo hạn. Chỉ có 1 lô trái phiếu đến ngày đáo hạn vào cuối năm 2024 trị giá khoảng 320 tỷ đồng.
Lô WTOCH2126003 (đã mua lại trước hạn) trị giá 200 tỷ đồng nhằm huy động vốn cùng với CTCP Năng lượng Cà Mau 1A để thực hiện dự án điện gió Cà Mau 1A
Phần lớn các lô trái phiếu phát hành năm 2021 đều được thế chấp bằng quyền tài sản phát sinh từ một số lô đất thấp tầng của Dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch; quyền tài sản gắn liền với hợp đồng ký kết giữa Vietracimex và CTCP Năng lượng Cà Mau 1A; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại Dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch hoặc không công bố đầy đủ thông tin. Các trái phiếu này đều do Ngân hàng MB thu xếp phát hành hoặc không công bố đầy đủ thông tin về bên phát hành.
Thông tin thế chấp cho thấy CTCP Năng lượng Cà Mau 1A cũng đã đem toàn bộ quyền lợi thu được từ dự án nhà máy điện gió Cà Mau 1A thế chấp tại Ngân hàng MB.
Ngoài những lô trái phiếu do chính Vietracimex phát hành, còn có những lô trái phiếu do các công ty trong “hệ sinh thái” Vietracimex phát hành, trong đó có CTCP Năng Lượng Hòa Thắng và, Năng lượng Hồng Phong 1, 2.
Đáng chú ý, các công ty trong hệ sinh thái Vietracimex này cũng đang nợ nần chồng chất.
Năng lượng Hòa Thắng còn nợ phải trả 2.500 tỷ đồng, nợ trái phiếu 1.400 tỷ đồng
CTCP Năng lượng Hòa Thắng là chủ đầu tư dự án điện gió Hòa Thắng 1.2. Hòa Thắng còn nợ trái phiếu hơn 1.400 tỷ đồng, mà tài sản đảm bảo có điểm chung với Vietracimex là dự án Kim Chung – Di Trạch. Cụ thể:
Năng lượng Hòa Thắng phát hành nhiều đợt trái phiếu nhằm huy động tối đa 1.880 tỷ đồng, để đầu tư vào dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 tại Bình Thuận. Lô trái phiếu HTECH2123001 phát hành ngày 31/8/2021 có giá trị 880 tỷ đồng và cũng lô HTECH2123001 phát hành ngày 3/3/2022 có giá trị 545 tỷ đồng. Tổng 2 lô trái phiếu này 1.425 tỷ đồng, cùng đáo hạn vào 31/12/2033. Các lô trái phiếu của Năng lượng Hòa Thắng đều do Ngân hàng TMCP Quân Đội thu xếp phát hành, quản lý tài sản đảm bảo.
Tài sản đảm bảo cho trái phiếu của Năng lượng Hòa Thắng bao gồm:
- Lô trái phiếu 220 tỷ đồng do Năng lượng Hòa Thắng phát hành năm 2019.
- Quyền tài sản, quyền tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, quyền đòi nợ, các khoản thu, lợi tức phát sinh từ các công trình xây dựng thuộc dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2.
- Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và quyền tài sản phát sinh từ một số lô đất thấp tầng tại dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch thuộc sở hữu của Năng Lượng Hòa Thắng.
- Cùng với đó là 103,4 triệu cổ phần của CTCP Năng lượng Hòa Thắng – tương ứng với 100% vốn điều lệ của công ty.
Ngoài nợ trái phiếu, báo cáo tình hình tài chính năm 2022 của Hòa Thắng cho thấy 2 năm gần đây 2021-2022 công ty chưa phát sinh đồng lợi nhuận nào. Vốn chủ sở hữu 1.034 tỷ đồng. Nợ phải trả gấp 2,42 lần vốn chủ sở hữu, lên hơn 2.500 tỷ đồng.
Năng lượng Hồng Phong 1: Nợ phải trả hơn 4.400 tỷ đồng, nợ trái phiếu 2.300 tỷ đồng
CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 có vốn chủ sở hữu đạt gần 1.200 tỷ đồng. Tuy vậy nợ phải trả gấp 3,72 lần vốn chủ sở hữu, tương ứng 4.450 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu hơn 2.300 tỷ đồng. Về tình hình kinh doanh, Năng lượng Hồng Phong 1 báo lãi 149 tỷ đồng năm 2022, tăng 24,2% so với năm 2021.
Năng lượng Hồng Phong 2: Nợ phải trả hơn 1.600 tỷ đồng
CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 quản lý dự án phong điện Hồng Phong 2. Công ty kinh doanh có lãi với số lãi hơn 145 tỷ đồng năm 2022, giảm 13,5% so với năm 2021.
Kinh doanh có lãi nhưng Năng lượng Hồng Phong 2 vẫn nợ nần chồng chất. Vốn chủ sở hữu công ty đến 31/12/2022 hơn 984 tỷ đồng. Nợ phải trả hơn 1.650 tỷ đồng, gấp 1,68 lần vốn chủ sở hữu, trong đó nợ trái phiếu bằng 0,78 lần vốn chủ sở hữu.
Các dự án điện gió Cà Mau 1, Hồng Phong 1A, 1B là những dự án gắn liền với Vietracimex. Ngoài ra Vietracimex còn được biết đến là chủ đầu tư hàng loạt dự án thủy điện khác nhau.
Các dự án năng lượng tái tạo liên quan Vietracimex vẫn chưa lên bàn đàm phán giá
Quy hoạch điện 8 được công ty, các dự án năng lượng tái tạo lên ngôi, hàng loạt các dự án được đưa lên bàn đàm phán giá. Tuy vậy cập nhật đến ngày 8/6/2023 cả mấy dự án như điện gió Hòa Thắng 1-2, Hòa Thắng 2-2, điện gió Cà Mau 1A (cả điện gió Cà Mau 1B, 1C, 1D) đều chưa đến bước nộp hồ sơ để đàm phán giá.
Tính đến ngày 8/6/2023, đã có 66/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.691,861 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó, có 56 dự án (tổng công suất 3.087,661 MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá.
Xi măng Xuân Thành: Kinh doanh thua lỗ, nợ phải trả 16.400 tỷ đồng