Nợ quốc gia của Mỹ đang tăng lên nhanh chóng, tăng gấp đôi lên mức 31,7 nghìn tỷ USD chỉ trong hơn một thấp kỷ.
Nếu xu hướng này tiếp tục và khoản nợ lại tăng gấp đôi trong 10 năm tới, nó sẽ chạm mức 62 nghìn tỷ USD, gần gấp ba lần GDP hiện tại. Những diễn biến này đặt ra câu hỏi về thói quen chi tiêu của chính phủ liên bang cũng như khả năng chi trả của Washington trong những năm tới.
Một bảng quảng cáo tại Washington DC, ngày 19/1/2023, cho thấy nợ quốc gia đang ở mức 31 nghìn tỷ USD và vẫn đang tăng lên. |
Khoản thu, chi tiêu và số nợ của Chính phủ Liên bang
Khoản thu của Chính phủ Liên bang đến từ các nguồn thuế và thu nhập khác. Chi tiêu gồm chi phí hoạt động và các khoản chi trả khác của chính phủ, bao gồm cả việc trả lãi nợ. Số nợ của Chính phủ Liên bang là số tiền chính phủ đã vay từ các cá nhân, tổ chức, và quốc gia khác.
Hiện tại, chính phủ liên bang Mỹ đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách hơn 1,4 nghìn tỷ USD do chi tiêu hàng năm ở mức hơn 6,0 nghìn tỷ USD, vượt quá doanh thu khoảng 4,6 nghìn tỷ USD. Chi tiêu liên tục trên doanh thu này đã dẫn đến nợ nần, gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. Hơn nữa, lãi suất liên tục tăng khiến chính phủ càng khó thực hiện các nghĩa vụ của mình trong tương lai.
Bên cạnh đó, Quốc hội vẫn tiếp tục ưu tiên chi tiêu cho các mục đích chính trị, thay vì nỗ lực giảm bớt chi tiêu. Nếu chính phủ tiếp tục chi tiêu nhiều hơn thu nhập như hiện tại, số nợ quốc gia sẽ tiếp tục tăng lên, thậm chí chạm đến mức vỡ nợ. Khi đó, sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế và cuộc sống của người dân, bao gồm cả việc không đảm bảo được các dịch vụ cơ bản.
Tác động tiêu cực của “quá nhiều nợ”
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) có tiêu đề "Tác động thực sự của nợ nần", nợ chính phủ vượt quá 85% GDP đã có thể cản trở tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, nợ chính phủ hiện tại của Hoa Kỳ đã hơn 120%, điều này đồng nghĩa với việc kích thích tăng trưởng kinh tế ngày càng trở nên khó khăn.
Nếu xu hướng này tiếp tục, chính phủ liên bang có thể đưa ra các quyết sách mang tính rủi ro cao nhằm thúc đẩy mở rộng kinh tế, dẫn đến những hậu quả không lường trước được.
Khoản nợ liên bang hiện tại ở Hoa Kỳ, theo www.usdebtclock.org, lên tới khoảng 247.766 USD/người nộp thuế, tương đương 94.710 USD/công dân.
Ngân sách liên bang chủ yếu được chia thành bốn loại, trong đó lớn nhất là Medicare/Medicaid (chương trình bảo hiểm sức khỏe) và An sinh xã hội, chiếm hơn 2,8 nghìn tỷ USD, tức là 61% doanh thu liên bang. Chi tiêu quốc phòng đứng thứ ba với 782,6 tỷ USD. Trong khi đó, tiền lãi từ nợ liên bang là hạng mục ngân sách lớn thứ tư, tiêu tốn hơn 558,6 tỷ USD. Tuy nhiên, với việc lãi suất ngày càng lên cao, các khoản thanh toán lãi như vậy có thể trở thành hạng mục ngân sách lớn thứ 3 trong tương lai.
Mâu thuẫn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ
Chính phủ liên bang có trách nhiệm quản lý chính sách tài khóa cho toàn bộ quốc gia, bao gồm cả việc thu thuế, chi tiêu và quản lý ngân sách. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chịu trách nhiệm quản lý chính sách tiền tệ, bao gồm việc kiểm soát lãi suất ngắn hạn, điều tiết cung tiền, tăng hoặc giảm yêu cầu dự trữ của ngân hàng.
Tuy nhiên, hai chính sách tài khóa và tiền tệ thường xuyên xuất hiện mâu thuẫn với nhau. Ví dụ, hiện nay Fed đang cố gắng giảm lạm phát bằng cách tăng lãi suất ngắn hạn và giảm cung tiền, thì chính phủ liên bang lại tiếp tục chi tiêu quá mức để kích thích mở rộng kinh tế. Điều này có thể gây ra xung đột và khó khăn trong việc đạt được mục tiêu của cả hai chính sách.
Nếu chính phủ liên bang và Cục Dự trữ Liên bang hoạt động một cách hòa hợp hơn trong chính sách kinh tế, thì nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ được quản lý dễ dàng hơn. Ví dụ, nếu kinh tế đi xuống, cả hai có thể đồng thời thực hiện các chính sách kích thích. Ngược lại, nếu kinh tế quá tăng trưởng, cả hai có thể hợp tác để giảm tốc độ tăng trưởng. Đồng thời, sự hợp tác giữa hai bên cũng có thể ngăn chặn các quyết sách quá đà.
Tuy nhiên, yếu tố chính trị chi phối rất lớn tới sự hợp tác này, khiến chính phủ và Cục Dự trữ Liên bang có thể đi theo những hướng khác nhau. Nếu chính phủ liên bang xem xét vấn đề kinh tế trước khi tạo ra chính sách tài khóa, thì cả hai sẽ cùng hướng đến mục tiêu chung. Nhưng việc các chính trị gia vẫn tiếp tục sử dụng chi tiêu để thu hút phiếu bầu sẽ khiên Cục Dự trữ Liên bang gặp khó khăn trong việc điều tiết tăng trưởng kinh tế.
Nói một cách đơn giản, tương lai tài chính của Mỹ sẽ gặp rủi ro nếu nợ quốc gia tiếp tục tăng mà không có bất kỳ sự kiểm soát nào. Điều này có thể dẫn tới việc không thể đáp ứng tất cả nghĩa vụ tài chính, giảm xếp hạng tín dụng và tăng lãi suất đối với khoản nợ mới. Nếu các chính trị gia không thể kiềm chế chi tiêu của mình, nợ quốc gia cuối cùng có thể đưa nước Mỹ đến bờ vực phá sản.
Giá vàng hôm nay 11/12: tăng vọt, thế giới tiệm cận mốc 2.700 USD/ounce
Giá cà phê hôm nay 11/12: Robusta nối dài chuỗi ngày tăng giá