Nóng chuyện đặt tên đường, phố mới: Không nên đi theo lối mòn
Sau các đợt sáp nhập địa giới hành chính, nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM đối mặt tình trạng trùng tên đường, phố gây rắc rối, nhầm lẫn trong quản lý và phiền toái cho người dân. Trong bối cảnh quỹ tên truyền thống ngày càng thu hẹp, nhu cầu xây dựng một ngân hàng tên đường đầy đủ, khoa học, gắn với lịch sử, địa phương và ký ức cộng đồng trở nên cấp thiết hơn.
Xu hướng địa phương hóa đặt tên đường, tên phố
Hà Nội có 38 tuyến đường, phố được mang tên mới như phố Nguyễn Hữu Liêu, Doãn Khê, Hàng Lọng, các đường như Chử Đồng Tử, Tiên Dung, đường Ba Đảm Đang… Nhà sử học, TS Vũ Đường Luân, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, ĐH Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, cách đặt tên đường phố hiện nay theo xu hướng mới, vừa thú vị, vừa khắc phục được nhược điểm của cách đặt cũ.

Một nhà nghiên cứu văn hóa bình luận: “Lướt qua tên đường, phố mới ở Hà Nội tôi có cảm nghĩ giống nhiều người: Lạ lẫm. Tôi chỉ biết Học Phi, soạn giả sân khấu và Phạm Khắc Hòe, luật sư, nhà văn, Đổng lý ngự tiền văn phòng triều Bảo Đại, còn lại hoàn toàn mờ tịt”. Một vị tiến sỹ văn học thừa nhận khá “lơ mơ về những danh nhân được đặt tên cho đường, phố mới ở Hà Nội”. “Nhưng tôi đoán những danh nhân ấy phải gắn với địa phương”, vị này nói.

TS. Vũ Đường Luân giải thích, lý do nhiều người lạ lẫm với tên đường, phố mới ở Thủ đô là bởi trong số những danh nhân được đặt tên đường, phố mới ở Hà Nội, không ít nhân vật lịch sử trong thần tích địa phương, phải nghiên cứu về địa phương đó mới biết.
Qua quan sát của ông, việc đặt tên đường, phố hiện nay có xu hướng địa phương hóa. “Tên đường, phố gắn với cộng đồng cư dân địa phương hơn là xu hướng gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân quốc gia”, ông nói. Chẳng hạn, người dân vùng khác có thể không biết Lê Công Hành là ai nhưng người dân ở xã Thường Tín lại biết. Bởi Lê Công Hành (1606-1661) là người con của xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc Hà Nội). Trong một lần đi sứ phương Bắc, ông học được nghề thêu, sau đó đem nghề này dạy cho dân làng Quất Động và lan rộng sang các tỉnh khác. Khi Lê Công Hành mất, dân trong vùng đã lập đền thờ ông, tôn ông là “ông tổ nghề thêu”. Tên “ông tổ nghề thêu” nay thành tên đường, đường Lê Công Hành (xã Thường Tín, xã Thượng Phúc), đoạn từ ngã ba giao phố Thượng Phúc đến ngã ba giao đường đi di tích chùa Đậu.
Ông tổ nghề nón quai thao được đặt tên phố Vũ Đức Úy (phường Thanh Liệt), đoạn từ ngã ba giao đường quy hoạch KĐT Tây Nam Kim Giang đến ngã ba giao đường xóm Đỗi, Triều Khúc. Tổ nghề nón quai thao đồng thời là thủy tổ của dòng họ Vũ ở Triều Khúc. Khó có lựa chọn nào hợp lý và ý nghĩa hơn!
Không nên ái ngại những tên đường, tên phố nghe lạ tai. Một số người chỉ ra, có những tên đường, tên phố ở Hà Nội ngày trước nghe cũng… lạ tai, ví dụ tên đường Trần Duy Hưng. Nhưng qua năm tháng, bây giờ đường Trần Duy Hưng đã thành thân thuộc với người dân Hà Nội và du khách.
Tên phố gắn chặt với ký ức cộng đồng
Trong số 38 tuyến đường, phố mới ở Hà Nội, nhiều người chú ý đến phố Hàng Lọng (phường Cửa Nam), đoạn từ ngã tư giao phố Trần Bình Trọng đến ngã ba giao đường Lê Duẩn. Tên phố Hàng Lọng vốn đã xuất hiện vào khoảng cuối triều Lê đầu triều Nguyễn, do người dân ở đây làm và bán kiệu, ô, lọng cho các quan và đình chùa.
TS. Vũ Đường Luân đánh giá, khôi phục tên phố Hàng Lọng là xu hướng gắn với ký ức của cộng đồng trong bối cảnh biến đổi của xã hội hiện đại, khi nhiều địa danh, làng xã không còn nữa. Tên phố là sự nhắc nhở về ký ức, về tên các địa danh ngày xưa nhưng do sự thay đổi hành chính nên đã mất. Có người cho rằng, tên đường Ba Đảm Đang (xã Đan Phượng, xã Liên Minh) như sự “lạc quẻ” giữa những tên đường, phố mới ở Thủ đô. Nhưng nếu chịu bỏ chút ít thời gian tìm hiểu sẽ thấy ý nghĩa nằm trong vỏ ngoài tưởng “lạc quẻ”. Đan Phượng từng được mệnh danh là “quê hương người gái đảm”. Phong trào “Ba đảm nhiệm” của phụ nữ Đan Phượng từng được phát động thành cao trào rộng lớn, sau đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi ý đổi tên thành “Ba đảm đang”.
Lần đầu tiên, Hà Nội có đường Tiên Dung (xã Gia Lâm), đường Chử Đồng Tử (xã Bát Tràng). Đây là những nhân vật bước ra từ truyền thuyết. Có người thắc mắc: Tại sao không đặt là đường Sơn Tinh hay đường Liễu Hạnh, đường Thánh Gióng mà lại đặt là đường Chử Đồng Tử, đường Tiên Dung? Bởi Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được phong là Tứ Bất Tử. Nhà nghiên cứu Vũ Đường Luân giải mã: “Đặt tên đường Chử Đồng Tử, đường Tiên Dung có lý do, bởi đây là chỗ giao nhau trên sông Hồng. Một bên là Khoái Châu (Hưng Yên), một bên là Gia Lâm (Hà Nội). Truyền thuyết Chử Đồng Tử và Tiên Dung sinh ra ở trên bãi tự nhiên đó”.
Việc đặt tên phố, tên đường khó tránh khỏi sự tranh luận nhất định trong cộng đồng. Một bộ phận dư luận sẽ đặt câu hỏi: Tại sao ông tổ nghề làng này được đặt tên mà tổ nghề làng khác lại không được đặt tên? Tại sao đường mang tên danh nhân này thì lớn, đường mang tên danh nhân kia lại nhỏ? Có người băn khoăn: Nếu nhân vật truyền thuyết được dùng để đặt tên đường, phố, liệu nhân vật điển hình của văn học có may mắn ấy không?...
Chuyên gia cho rằng: “Ai quan trọng hơn ai là do góc nhìn”. Không phải tự dưng có những thành phố trên thế giới như New York (Mỹ) đặt tên theo con số. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là phương án lâu dài và an toàn nhất. Nhà báo, nhà thơ Hồng Thanh Quang chia sẻ: “Ở Nga, có một số cách đặt tên cho đường phố, như đặt theo tên những nhân vật lịch sử xuất sắc hay những sự kiện lớn; đặt theo những thắng cảnh tự nhiên. Thí dụ, nếu con phố ở cạnh một dòng sông có thể lấy tên sông đặt cho phố”. Nhà sử học Vũ Đường Luân nhìn nhận: “Việc đặt tên phố là câu chuyện thế giới, chứ không phải chỉ là câu chuyện của Việt Nam. Việc đặt tên phố đã hàm nghĩa tính nhận thức và tính chính trị. Đặt tên phố không phải là một sự cố định mà thay đổi liên tục trong lịch sử”.
Sau sáp nhập, vấn đề trùng tên đường ở TPHCM càng nan giải. Nhà sử học Vũ Ðường Luân nhìn nhận: “Ðó là hệ quả của việc đặt tên truyền thống ở các tỉnh - thành phố. Bây giờ ghép các đơn vị lại tất nhiên bị trùng”. Theo ông cách đặt tên theo xu hướng mới gắn với địa phương, với ký ức như Hà Nội đã làm sẽ giảm bớt việc trùng tên.
Nhà thơ Phan Hoàng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM cho rằng, quỹ tên đường, tên phố ở thành phố mang tên Bác chưa cạn nhưng cần chuyển hướng khai thác. “Chỉ riêng lĩnh vực văn chương vẫn còn rất nhiều cái tên xứng đáng chưa được đặt tên đường, phố. Tôi ngạc nhiên khi tới tận bây giờ TPHCM vẫn không có tên đường Bùi Cát Vũ. Ông là vị tướng với những chiến công hiển hách như trận La Ngà, trận Phước Long, Xuân Lộc, là vị tướng đầu tiên có mặt ở thủ đô Phnôm Pênh khi đưa quân tình nguyện sang giúp nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng. Ông còn là nhà văn từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn TP HCM, Hội Nhà văn Việt Nam", ông nói.
Trùng nhiều tên đường sau sáp nhập - Đổi hay giữ lại?
Đề nghị sớm xây dựng, trình quy chế mới về đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tại TP.HCM