[Nóng] Dabaco công bố tài liệu Đại hội cổ đông 2024, lộ diện kế hoạch tăng vốn 'khủng' cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược
Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Dabaco, sẽ phải là nhà đầu tư có năng lực kinh doanh, có công nghệ, có thể hợp tác.
Sau phiên giao dịch ngày hôm nay, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán DBC) công bố tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với hàng loạt thông tin nóng. Tại Đại hội tổ chức ngày 27/4 tới đây, Dabaco sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn bứt phá để thực hiện hàng loạt dự án lớn đang theo đuổi.
Đáng chú ý, Dabaco lộ diện kế hoạch phát hành 48,4 triệu cổ phiếu cho “nhà đầu tư chiến lược có năng lực công nghệ, có thể hợp tác, phát triển hoạt động kinh doanh phù hợp với mô hình của Dabaco”. Thông tin này phát ra trong bối cảnh Dabaco vừa có rất nhiều cuộc gặp gỡ với các đối tác cùng lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học hàng đầu thế giới.
Tăng vốn “khủng”, lộ diện đặc điểm cổ đông chiến lược
Tại ĐHĐCĐ lần này, Dabaco sẽ trình loạt phương án tăng vốn điều lệ nhằm tăng quy mô, nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh. Trong đó điểm nhấn là việc Dabaco dự kiến đón cổ đông chiến lược trong và ngoài nước.
HĐQT Dabaco hé lộ phương án phát hành hơn 48,4 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược. Giá bán được giao cho HĐQT xem xét, đàm phán và quyết định dựa theo tình hình thực tế, tuy vậy nguyên tắc là không thấp hơn 28.000 đồng/cổ phiếu.
Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Dabaco, sẽ phải là nhà đầu tư có năng lực kinh doanh, có công nghệ, có thể hợp tác cùng Dabaco để phát triển các hoạt động kinh doanh phù hợp với chiến lược phát triển và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Dabaco cũng cho biết, nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn cũng phải là nhà đầu tư có khả năng tham vấn công tác quản trị điều hành doanh nghiệp, phù hợp với nhu cầu phát triển của công ty.
Cách thức chọn nhà đầu tư chiến lược có năng lực, có tiềm lực để đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp đang được nhiều doanh nghiệp trong nước chú trọng. Một trong những lợi thế khi cùng đồng hành với đối tác mạnh, là bản thân doanh nghiệp cũng sẽ có những bước nhảy vọt, cả về quy mô và năng lực, đồng thời giúp doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào để thực hiện các dự án tiềm năng, mang lại hiệu quả đầu tư tối ưu nhất.
>> Cổ phiếu chăn nuôi hưởng lợi nhờ giá heo vượt ngưỡng mới
Dabaco cho biết, với số tiền khoảng 1.350 tỷ đồng thu về, doanh nghiệp sẽ dành 930 tỷ đồng đầu tư vào khu trang trại sản xuất kinh doanh giống lợn và chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa và dành 424 tỷ đồng trả nợ vay ngân hàng cho dự án khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao Dabaco Thanh Hóa.
Phương án tăng vốn thứ 2 là phát hành hơn 80 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành 33,33%. Giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền huy động 1.210 tỷ đồng.
Ngoài ra, Dabaco dự kiến phát hành 12 triệu cổ phiếu ESOP theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần. Đây là phần thưởng dành cho những cán bộ nhân viên có đóng góp tích cực trong hoạt động SXKD và sẽ gắn bó lâu dài cùng công ty. Số tiền huy động được 120 tỷ đồng.
Với 2 phương án tăng vốn này, tổng tiền huy động 1.330 tỷ đồng sẽ dùng để đầu tư vào Công ty TNHH Dầu thực vật Dabaco nhằm thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy ép và luyện tinh dầu đậu nành Dabaco.
Đưa mô hình chăn nuôi khép kín 3F (Feed – Farm – Food) đến từng địa phương, từng hộ gia đình
Một trong những điểm nhấn “không số” của Dabaco đó là thực hiện nhiệm vụ chính trị đưa mô hình chăn nuôi khép kín 3F (Feed - Farm - Food) đến từng địa phương, từng hộ gia đình.
Năm 2023 được xem là một năm có nhiều sóng gió đối với nền kinh tế thế giới, thách thức nhiều hơn cơ hội. Những tác động lớn từ thế giới như việc Fed và các ngân hàng Trung ương liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát; xung đột chính trị leo thang, Trung Quốc thắt chặt chính sách Zero Covid… dẫn đến giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng, nhu cầu tiêu thụ giảm.
Trong nước, nhu cầu tiêu dùng bị thắt chặt do ảnh hưởng kinh tế, giá thực phẩm duy trì mức thấp thời gian dài. Đặc biệt dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát trở lại tại nhiều địa phương khiến việc chăn nuôi gặp khó.
Không chỉ thế, ở lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, năm 2023 ngành chăn nuôi nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi và lở mồm long móng bùng phát hồi đầu năm, dẫn tới việc các hộ chăn nuôi rơi vào tình cảnh khó khăn, tốc độ tái đàn chậm, không dám đầu tư.
Trong bối cảnh khó khăn bao phủ toàn ngành chăn nuôi, Dabaco vẫn thể hiện sức mạnh của doanh nghiệp hàng đầu ngành nông nghiệp, đạt doanh thu năm thứ 2 liên tiếp trên 11.100 tỷ đồng và 25 tỷ đồng lợi nhuận với mô hình khép kín 3F. Là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành chăn nuôi vượt “cơn bão ngược” của ngành thành công, Dabaco quyết định triển khai phối hợp toàn diện với các địa phương cả trong khâu phát triển thị trường lẫn khâu chăm sóc, hỗ trợ kỹ thuật… nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp, hỗ trợ nông dân gia tăng sản lượng cả về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, Dabaco đồng hành cùng ngành chăn nuôi Việt Nam đào tạo, đưa giống lợn có chất lượng cao, thức ăn gia súc… để giúp các hộ nông dân tái đàn, xây dựng các trang trại quy mô lớn, tập trung nhằm tạo ra những thay đổi trong ngành chăn nuôi.
Kế hoạch “không số” không ghi nhận trên báo cáo tài chính của Dabaco là một trong những chiến lược lớn của công ty trong hành trình thực hành ESG để Dabaco phát triển song hành cùng hỗ trợ xã hội, hỗ trợ ngành.
>> Một cổ phiếu chăn nuôi được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng 19%
Đặt mục tiêu lợi nhuận “trở lại đỉnh vinh quang”
Trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế năm 2023, Dabaco đã linh hoạt ứng biến, duy trì doanh thu mức trên 11.100 tỷ đồng – năm thứ 2 liên tiếp mức doanh thu của doanh nghiệp đạt trên 11.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gấp 5 lần cùng kỳ, đạt 25 tỷ đồng.
Đặc biệt, 2023 là năm đánh dấu dấu mốc tiêu thụ 142 triệu quả trứng gà tươi của Dabaco. Sản phẩm trứng gà của công ty hiện đã được bày bán tại hầu khắp các siêu thị miền Bắc, Trung… và được nhiều doanh nghiệp bánh kẹo lớn sử dụng. Dabaco cũng đang nghiên cứu ra nhiều sản phẩm tạo được sự yêu thích của người tiêu dùng, như trứng gà ăn liền, khô gà lá chanh… nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Các sản phẩm khác của Dabaco như xúc xích, nem thịt, đồ viên… hay các sản phẩm dầu ăn thương hiệu Coba, Umi… cũng đang được người tiêu dùng ưa thích.
Lĩnh vực bao bì và hạt nhựa của Dabaco bước đầu đã có sản phẩm xuất khẩu ra các thị trường khó tính như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ…
Sang năm 2024, dù xác định ngành chăn nuôi cũng như nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, Dabaco quyết tâm trở về đỉnh cao lợi nhuận đã thiết lập vào 3 năm trước với kế hoạch 730 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Công ty cũng hướng đến mục tiêu doanh thu 25.380 tỷ đồng (bao gồm cả doanh thu nội bộ), tăng mạnh so với 2023.
Trong năm 2024, ngoài mục tiêu chính là hướng tới tăng trưởng xanh, Dabaco cũng sẽ mở rộng cơ sở sản xuất trong lĩnh vực chính và bổ trợ, đồng thời tìm kiếm cơ hội để triển khai các dự án trong lĩnh vực khác nhằm tối đa hóa lợi ích cho công ty, cổ đông và người lao động.
Trước mắt, Dabaco cho biết sẽ tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ đầu tư để đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất vaccine, nhà máy ép dầu thực vật giai đoạn 2… đồng thời khẩn trương hoàn tất các thủ tục để thúc đẩy các dự án ngắn và dài hạn đã được phê duyệt nư: Khu chăn nuôi công nghệ cao tại Quảng Ninh, Ngọc Lặc Thanh Hóa.
Ngoài ra, Dabaco đứng trước cơ hội kinh doanh mới quy mô hàng tỷ USD khi là một trong 3 doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi. Công ty hiện đang chờ các thủ tục cuối cùng để được cấp phép sản xuất thương mại.
Đối với các dự án bất động sản, công ty sẽ đẩy mạnh GPMB, rà soát các dự án đầu tư có hiệu quả và chuyển nhượng một số dự án hoặc lựa chọn các đối tác đồng hành cùng đầu tư nhằm tạo ra hiệu quả tối ưu nhất.
>> Giá heo hơi tăng vọt, cổ phiếu chăn nuôi 'thu hút ánh nhìn' của thị trường