Vĩ mô

Nông dân vẫn chân lấm tay bùn, còn 'mỏ vàng' chưa khai thác

Tâm An 24/07/2023 - 23:05

Trong khi nông dân vẫn còn chân lấm tay bùn, ra đồng chỉ biết chăm chú vào sản xuất, thì du lịch nông nghiệp được ví là 'mỏ vàng' vẫn chưa được khai thác.

Nông nghiệp và du lịch vẫn tách rời nhau

Tại hội nghị "Những vấn đề đặt ra trong khởi nghiệp làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn" chiều 24/7, TS. Nguyễn Tất Thắng - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Du lịch ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - đánh giá, Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch rất phong phú và đa dạng. Từ các tỉnh từ miền núi phía Bắc đến Đồng bằng sông Hồng, miền Trung hay Tây Nguyên, ĐBSCL... mỗi vùng đều có đặc thù riêng về kinh tế - xã hội, các sản vật phong phú.

Nước ta với 54 dân tộc anh em sinh sống, với bản sắc văn hóa đa dạng và đặc sắc. Phần lớn lao động đều tập trung ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Đảng và Nhà nước đang có chủ trương phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và các doanh nghiệp, nông dân cũng rất muốn và đang làm du lịch nông nghiệp. Đây thực sự là cơ duyên và cũng là cơ hội để phát triển du lịch nông nghiệp ngày càng hiệu quả.

Nước ta có lợi thế làm du lịch nông nghiệp nhưng tiềm năng này chưa được khai thác hiệu quả. (Ảnh: Hoàng Hà)

Nhiều chuyên gia trong ngành ví du lịch nông nghiệp như "mỏ vàng", song chúng ta chưa khai thác được lợi thế này. Trong khi các nước trên thế giới, du lịch nông nghiệp được triển khai từ những năm 80 thế kỷ trước. Ông Thắng cho rằng, đây là giải pháp để phát triển hiệu quả, bền vững nhằm nâng cao thu nhập người dân và đổi mới bộ mặt nông thôn, ngăn dòng người từ nông thôn di chuyển ra thành phố.

Ở góc nhìn của một người làm nông nghiệp gần 20 năm và được đi nhiều nơi, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty CP Bagico, lấy ví dụ về thị trường Trung Quốc - quốc gia gần Việt Nam và có nhiều nét tương đồng với nông thôn Việt Nam - khai thác du lịch nông thôn rất tốt. 

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, như các vùng ruộng bậc thang đã trở thành tài sản du lịch nổi tiếng mà không cần đầu tư nhiều, hay các vùng biển, vùng trồng dừa, vùng trồng lúa từ Bắc vào Nam...

Với ngành nông nghiệp có lịch sử phát triển lâu dài, nếu biết khai thác gắn với du lịch thì đây sẽ là một ngành rất tiềm năng, bà nhận định.

"Tuy nhiên, tôi có cảm giác như hai lĩnh vực này chẳng có liên quan gì đến nhau. Người làm nông nghiệp vẫn chân lấm tay bùn, ra đồng ruộng chỉ biết chăm chú vào sản xuất; còn du lịch thì đồng nghĩa với ăn ngon mặc đẹp, đi chơi nơi này tới nơi khác", bà nói.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực đặt vấn đề: làm thế nào để kết hợp hai lĩnh vực đó với nhau. Thiết lập một cuộc "hôn nhân" bền vững, hạnh phúc nhiều đời thì rất cần các trải nghiệm, hiến kế của những người đang làm du lịch nông nghiệp, bà ví von.

Là nông dân làm du lịch nông nghiệp, nông thôn thành công ở xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu), ông Vàng A Chứ cho hay, trước kia người dân đi làm nương nhưng vẫn mãi nghèo đói. Giờ bà con làm nhà nghỉ, trồng rau, dệt thổ cẩm,... đón khách du lịch nên thu nhập tăng, cuộc sống khá giả hơn.

"Gia đình tôi nhờ làm du lịch mà có của ăn, của để, không phải đi làm nương vất vả như trước mà tập trung vào tiếp khách du lịch và làm các sản phẩm du lịch để bán", ông Chứ nói. Tuy nhiên, những người làm du lịch như ông Vàng A Chứ vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vốn; hệ thống giao thông trên bản chưa thuận tiện và thiếu kinh nghiệm.

"Nhà tổ chim" - một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch ở Sin Suối Hồ.

Tìm sự khác biệt, để khách trải nghiệm bằng cảm xúc

Chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch nông nghiệp, ông Hoàng Văn Đại, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sin Suối Hồ, cho biết, bản có 145 hộ dân, đa số đều làm du lịch cộng đồng. Trong điểm bản có đội văn nghệ, có nhà hàng, homestay sạch sẽ, tiện nghi phục vụ du khách. 

Sin Suối Hồ đã phối hợp các cấp các ngành, các doanh nghiệp tuyên truyền, quảng bá điểm du lịch -vốn được ví như “cô gái đẹp chưa ngủ dậy” này, ông cho hay.

Ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Du lịch C2T, cho rằng, cần tìm ra sự khác biệt ở mỗi địa phương. Đây chính là thế mạnh để thu hút khách du lịch.

Bến Tre quê ông có rất nhiều dừa, việc ăn cơm bằng chén làm từ vỏ dừa, nấu canh chua bằng nước dừa, làm nón từ lá dừa,... chính là văn hóa của người dân địa phương. Dựa vào sự khác biệt văn hóa để giới thiệu tới du khách và để họ trải nghiệm bằng cảm xúc, ông dẫn chứng.

"Tôi là người địa phương nên am hiểu địa phương và thấu hiểu khách hàng. Tôi không giỏi ngoại ngữ, tôi chỉ dành cho khách những trải nghiệm cảm xúc và văn hóa. Tôi cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất trong làm du lịch. Khi khách có cảm xúc, được trải nghiệm và trân quý những giá trị văn hóa thì chắc chắn họ sẽ quay lại", ông nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý khi liên kết làm du lịch nông nghiệp cần hài hòa lợi ích giữa các bên. Chỉ khi cùng có lợi thì sự gắn bó mới thực sự lâu dài. Ngoài ra, cần đào tạo cho đội ngũ trẻ, cả người già, biết sử dụng Internet để viết giới thiệu, quảng bá du lịch cộng đồng ở vùng miền mình. 

Dẫn câu nói “buôn có bạn, bán có phường”, chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng nguồn thu của du lịch nông nghiệp không chỉ đến từ tour, mà còn từ lợi nhuận bán nông sản, đặc sản. Do đó, cần phải liên kết, đoàn kết với nhau, phải cùng tạo sân chơi lành mạnh, bền vững.

Du lịch Đà Nẵng thăng hoa, căn hộ đa năng 1PN+1 hút đầu tư

Dân Mỹ đổ xô đi du lịch bù hậu COVID-19

Ấn Độ chỉ ra mặt tích cực của ngành 'du lịch hổ'

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nong-dan-van-chan-lam-tay-bun-con-mo-vang-chua-khai-thac-2169182.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nông dân vẫn chân lấm tay bùn, còn 'mỏ vàng' chưa khai thác
POWERED BY ONECMS & INTECH