Nóng: Ngân hàng Nhà nước đã trình chủ trương cơ cấu lại SCB
Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.
Ngày 18/9, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Theo đó, trong lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ cho biết đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình cơ quan này xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB - nhà băng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022.
Thời điểm đó, sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của SCB ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt, Ngân hàng Nhà nước đã đưa nhà băng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Đây là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.
Chủ trương cơ cấu lại SCB được đưa ra trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng, đề xuất của chính ngân hàng và Ban kiểm soát đặc biệt SCB. Như vậy, sau gần một năm được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, chủ trương tái cơ cấu SCB đã được cơ quan quản lý "chốt", trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ngoài ra, đến nay Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt trước đó gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Các bên liên quan đang thực hiện tiếp các nội dung tiếp theo sau khi chủ trương được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại số nhà băng này.
Việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém và SCB từng được Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý phải bảo đảm minh bạch, không thất thoát tài sản.
Trước đó, tại Nghị quyết 144 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ yêu cầu NHNN Việt Nam tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém, trong đó phải báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án xử lý Ngân hàng SCB trong tháng 9, không để chậm trễ hơn nữa.
Chính phủ yêu cầu trình phương án xử lý ngân hàng SCB ngay trong tháng 9
Người đàn ông suýt mất 500 triệu vì chiêu giả danh công an liên quan vụ SCB
Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm