Novaland chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu hơn nghìn tỷ đồng, những trái chủ nào đang “lo sốt vó”?

22-02-2023 16:47|Hồ Nga

Novaland (NVL) có rất nhiều lô trái phiếu đến ngày đáo hạn trong tháng 3/2023 - khiến doanh nghiệp càng thêm áp lực về tài chính trong thời gian tới.

Novaland công bố tin chưa thu xếp được tiền trả gốc/lãi trái phiếu

Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – mã chứng khoán NVL) mới đây công bố 2 thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu của 2 mã trái phiếu NVLH2123009 và NVLH2224005.

Lô trái phiếu NVLH2224005 phát hành ngày 16/2/2022, kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn vào 16/2/2024. Lô trái phiếu này có tổng giá trị phát hành 500 tỷ đồng.

Trong công bố phát hành của Novaland không ghi rõ thông tin trái chủ. Còn thông tin từ HNX ghi nhận tổ chức lưu ký cho lô trái phiếu này là CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI).

Theo thông báo, tiền lãi phải thanh toán cho lô trái phiếu này hơn 26,46 tỷ đồng. Novaland cho biết chưa thu xếp được nguồn thanh toán.

Lô trái phiếu NVLH2123009 phát hành ngày 12/8/2021, kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào 12/2/2023 - tức vừa qua kỳ hạn đáo hạn. Lô trái phiếu có tổng giá trị 1.000 tỷ đồng. Trái phiếu có lãi suất cố định 10,5%/năm trong suốt kỳ hạn. Tại HNX, lô trái phiếu này đã được cập nhật trạng thái “hủy do đáo hạn”.

Tuy vậy thông tin bất thường Novaland mới công bố, công ty chưa thu xếp được nguồn thành toán cả gốc 1.000 tỷ đồng và lãi phải thanh toán lũy kế đến 13/2/2023 hơn 53,2 tỷ đồng.

Thông tin phát hành, số tiền thu được từ lô trái phiếu này dùng để góp vốn, hợp tác đầu tư phát triển dự án Khu đô thị tại xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và các dự án khác do Novaland thực hiện đầu tư.

Lô trái phiếu này, cơ cấu các trái chủ lên đến con số 14, trong đó có 1 công ty chứng khoán (tỷ trọng mua 7,14%); 2 tổ chức khác (tỷ trọng mua 14,29%) và 11 nhà đầu tư chuyên nghiệp là 78,57% giá trị còn lại.

Tài sản đảm bảo chỉ tiết lộ là “cổ phần tại novaland thuộc sở hữu của bên thứ 3 là một/một vài cổ đông của Novaland. Số lượng cổ phần cầm cố và các bên đảm bảo được xác định cụ thể tại thời điểm phát hành trái phiếu”.

Lô trái phiếu này cho Chứng khoán dầu khí (PSI) tư vấn, làm đại lý phát hành và là đại lý quản lý tài sản đảm bảo. Còn Chứng khoán Navibank là đại lý lưu ký và thanh toán.

Một điểm đáng chú ý là, thông tin giao dịch đảm bảo không ghi nhận về giao dịch đảm bảo của Novaland không ghi nhận các giao dịch đảm bảo phát sinh giai đoạn tháng 8/2021 (thời điểm phát hành lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng này).

Bên cạnh đó, cổ phiếu NVL đã lao dốc không phanh, đang giao dịch ở mức 12.000 đồng/cổ phiếu - vừa giảm sàn phiên hôm nay 22/2 sau thông tin không trả được gốc/lãi 2 lô trái phiếu trên.

Novaland chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu hơn nghìn tỷ đồng, những trái chủ nào đang “lo sốt vó”?

Nỗi lo của các trái chủ khi nhiều lô trái phiếu sắp đến hạn trong tháng 3 này

Trên thực tế, với thông tin công bố trên, khó có thể “tìm” ra các trái chủ của 2 lô trái phiếu NVLH2224005 và NVLH2123009 nói trên. Báo cáo tài chính năm 2021 của Chứng khoán dầu khí PSI ghi nhận công ty có đầu tư lô trái phiếu của Novaland với giá trị gần 42 tỷ đồng theo giá mua, và giá trị đó tăng lên thành 52,7 tỷ đồng vào cuối 2022. Tuy vậy PSI không ghi chú rõ là đầu tư những mã trái phiếu nào của Novaland.

Đáng chú ý, tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng được tiết lộ là bằng “cổ phiếu NVL”, trong khi trên thị trường cổ phiếu NVL đang giảm mạnh. Thông tin không công bố số cổ phiếu NVL được “nhốt” để làm tài sản đảm bảo là bao nhiêu, lại càng khiến nhiều nhà đầu tư “ngồi trên đống lửa”.

Thông tin từ việc 2 lô trái phiếu nói trên, đặc biệt là lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng quá ngày đáo hạn khiến những trái chủ của Novaland đang lo sốt vó, bởi ngay trong quý 1/2023 này, rất nhiều lô trái phiếu khác của Novaland sẽ đến ngày đáo hạn. Liệu tình trạng “chưa thu xếp được nguồn vốn” như trên có xảy ra?

Số liệu cho thấy, lô trái phiếu lớn nhất sắp đến hạn là NVLH2123010 phát hành ngày 17/9/2021, kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào 17/3/2023 - chỉ chưa đến 1 tháng nữa. Lô trái phiếu này có tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, do 1 công ty chứng khoán duy nhất mua. Chứng khoán MB là tổ chức tư vấn/đại lý phát hành/đại lý lưu ký và thanh toán/tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu. Báo cáo cập nhật trên HNX, lô trái phiếu này đã được mua lại trước hạn 1 phần, số còn lại vẫn rất lớn, hơn 864 tỷ đồng.

Thông tin ghi nhận trên BCTC quý 4/2022 của Chứng khoán MB cho biết công ty chứng khoán này có sở hữu trái phiếu Novaland. Trong năm Chứng khoán MB cũng liên tục mua/bán trái phiếu NVL2123010. Số trái phiếu này Chứng khoán MB sở hữu từ năm 2021.

Trong năm 2021 Chứng khoán MB còn mua bán rất nhiều các mã trái phiếu khác của Novaland như NVLH2122001, NVLBOND2019-03; NVLBOND2019-05. Cả 3 mã này đều đã đáo hạn.

Lô trái phiếu NVLH2123013 phát hành 28/9/2021 và đáo hạn vào 28/3/2023 này có giá trị hơn 430 tỷ đồng nhằm huy động vốn đầu tư vào Dự án Khu vực NovaWWorld Hồ Tràm thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tài sản đảm bảo vẫn là cổ phần tại Novaland thuộc sở hữu của bên thứ 3. Lô trái phiếu này do Chứng khoán Yuanta Việt Nam là tổ chức tỷ vấn, đại lý phát hành, đại lý đăng ký, lưu ký, thanh toán, đại lý quản lý tài sản đảm bảo và tổ chức đại diện người sở hữu.

Lô trái phiếu này có 51 trái chủ, trong đó có 1 công ty chứng khoán nước ngoai, một quỹ đầu tư chứng khoán trong nước và 49 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.

Lô trái phiếu NVLH2123007 kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn vào 31/3/2023 có tổng giá trị 625,7 tỷ đồng. Lô trái phiếu này không có nhiều thông tin cụ thể.

Như vậy, chỉ tính riêng hơn 1 tháng tới, từ nay đến hết quý 1/2023, Novaland còn những lô trái phiếu tổng giá trị hơn 1.700 tỷ đồng đến ngày đáo hạn. Chưa kể số trái phiếu đến hạn/lãi trái phiếu đến hạn hơn 1.000 tỷ đồng kể trên thì Novaland đang đối mặt với khoản tài chính cần huy động xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.

Những quý tiếp theo, số trái phiếu đến hạn đang “ngấp nghé” chờ đợi khá nhiều, nhà đầu tư trái phiếu Novaland chắc chắn đang “chờ” động thái từ doanh nghiệp.

Novaland lên kế hoạch phát hành cổ phiếu, trái phiếu mới

Trong bối cảnh Novaland “phân trần” là có khoảng 25.000 tỷ đồng đang bị đóng băng tại ngân hàng khiến công ty mất thanh khoản, chưa lo kịp nguồn, thì giải pháp mới được đưa ra, Novaland mới đây thông báo chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản. Danh sách cổ đông được chốt vào ngày 1/3/2023.

Nội dung lấy ý kiến đều về các vấn đề “xoay” vốn: thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP; thực hiện tái cấu trúc công ty bao gồm việc thương lượng và triển khai phát hành mới cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, các công cụ khác để tăng vốn, hoạt động kinh doanh, tái cấu trúc tài chính (bao gồm cả hoán đổi cổ phần, hoán đổi nợ thành cổ phiếu hoặc tài sản).

Hiểu đúng về khoản 'hợp đồng hợp tác đầu tư' của Novaland (NVL) sau quý III

Kiểm toán PwC bị Novaland chấm dứt hợp đồng sau gần 10 năm hợp tác: Lý do là gì?

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/novaland-cham-thanh-toan-goclai-trai-phieu-hon-nghin-ty-dong-nhung-trai-chu-nao-dang-lo-sot-vo-170663.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Novaland chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu hơn nghìn tỷ đồng, những trái chủ nào đang “lo sốt vó”?
    POWERED BY ONECMS & INTECH