Novaland (NVL) 'vỗ béo' tài sản bằng 81.000 tỷ đồng đi vay, giờ phải bán tài sản để trả nợ
Tới cuối tháng 9/2024, tình trạng mất cân đối tài chính của Novaland (NVL) vẫn ở mức đáng lo. Đây là hệ quả trực tiếp của giai đoạn tăng trưởng thiếu kiểm soát bằng đòn bẩy nợ vay trước đó.
Novaland hiện nằm trong Top 3 doanh nghiệp bất động sản có tài sản lớn nhất sàn chứng khoán, sau Vingroup và Vinhomes |
Nợ vay chạm mốc 60.000 tỷ đồng, hàng nghìn tỷ chi phí lãi vay được vốn hóa
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (Mã NVL - HoSE) ghi nhận nợ phải trả giảm nhẹ xuống 191.400 tỷ đồng, giảm gần 4.800 tỷ so với đầu năm và thấp hơn 9.400 tỷ đồng so với cuối quý II. Tuy nhiên, tổng dư nợ vay tài chính của tập đoàn lại tăng nhẹ, xấp xỉ 60.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả và nợ vay trên vốn chủ sở hữu lần lượt ở mức 4,7 lần và 1,5 lần, tạo ra rủi ro nhất định cho doanh nghiệp bất động sản này.
Dù vay nợ lớn, chi phí lãi vay ghi nhận trong kết quả kinh doanh quý III của Novaland chỉ đạt 82,9 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với 170 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng là 232 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ và chỉ tương đương mức lãi suất 0,38%/năm.
Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, công ty do Chủ tịch Bùi Thành Nhơn điều hành cho biết đã chi hơn 1.200 tỷ đồng để trả lãi vay trong ba quý đầu năm. Tuy vậy, con số trên vẫn thấp hơn nhiều so với mức 3.351 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm 2023. Sự chênh lệch này được lý giải bởi bút toán vốn hóa chi phí lãi vay vào hàng tồn kho. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, Novaland đã vốn hóa gần 3.000 tỷ đồng chi phí lãi vay vào giá trị hàng tồn kho.
Sau 9 tháng, dòng tiền thuần của Novaland bất ngờ chuyển dương 407 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty ghi nhận mức âm 5.165 tỷ đồng.
Hoạt động vay nợ mới để trả nợ cũ chậm lại
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ mới nhất, từ đầu năm 2024, Novaland đã vay thêm 3.003 tỷ đồng và trả nợ gốc gần 1.200 tỷ. Năm 2023, tập đoàn cũng chỉ vay mới khoảng 4.900 tỷ đồng. Xu hướng gia tăng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp đã chậm lại trong 2-3 năm gần đây, do gặp khó khăn về trái phiếu, dòng tiền và pháp lý dự án.
Năm 2023, Novaland chỉ đạt lợi nhuận sau thuế chưa đầy 500 tỷ đồng, chủ yếu từ doanh thu tài chính, ghi nhận mức tăng trưởng âm năm thứ ba liên tiếp và chạm đáy trong 8 năm. Đến 9 tháng đầu năm 2024, tình hình tài chính càng trở nên bi đát khi tập đoàn báo lỗ sau thuế gần 4.000 tỷ đồng.
Trước đó, giai đoạn 2020-2022, Novaland vay rất nhiều để tăng đòn bẩy tài chính, với các khoản vay lần lượt là 30.263 tỷ đồng, 20.460 tỷ đồng và 30.149 tỷ đồng (tổng cộng vay 81.000 tỷ), vượt xa mức chi trả nợ gốc. Đó cũng là thời kỳ Novaland tích cực huy động vốn và mở rộng tài sản.
Hiện tại, khả năng tiếp cận nguồn vốn mới của Novaland gặp nhiều khó khăn do kinh doanh sa sút và một số dự án lớn gặp vướng mắc pháp lý. Giá cổ phiếu NVL giảm từ mức 80.000 đồng về khoảng 10.000 đồng, ảnh hưởng đến giá trị tài sản thế chấp của công ty.
Bên cạnh đó, 212.000 tỷ đồng trong tổng số 232.000 tỷ đồng tài sản của Novaland bị mắc kẹt trong tồn kho và các khoản phải thu, phản ánh sự mất cân đối trong phân bổ tài sản. Đây cũng là hậu quả trực tiếp của giai đoạn tăng trưởng thiếu kiểm soát trước đó.
Tình hình tài chính của Novaland giai đoạn 2020-2023 |
Kế hoạch tự "bán mình" để tạo dòng tiền
Trước đó, tại báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, cùng với việc chuyển lỗ 7.327 tỷ đồng, Novaland cũng bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Tập đoàn có thể không đạt được một số kế hoạch đề ra, không thu hồi được giá trị tài sản và không thanh toán được các khoản nợ trong điều kiện kinh doanh bình thường.
Đưa ra các lý giải, Novaland đã nêu ra các kế hoạch để duy trì hoạt động liên tục bao gồm:
- Tái cấu trúc nợ: Tập đoàn đã đạt thỏa thuận tái cấu trúc nợ và lãi vay với các chủ nợ, với tổng số tiền 17.336 tỷ đồng;
- Thanh lý tài sản: Novaland dự kiến thu về 25.439 tỷ đồng từ việc bán tài sản. Tập đoàn đã thu 1.000 tỷ từ một tài sản, ký hợp đồng bán 7 tài sản trị giá 12.363 tỷ đồng và ký biên bản ghi nhớ cho 3 tài sản khác với tổng giá 9.100 tỷ đồng;
- Tín dụng bổ sung: Novaland hy vọng nhận thêm 12.468 tỷ đồng từ các ngân hàng trong năm tới;
- Hoàn thiện pháp lý dự án: Tập đoàn đang xử lý các vướng mắc pháp lý của các dự án trong đó có Aqua City để đẩy mạnh việc bán hàng trong 12 tháng tới;
- Hỗ trợ từ cổ đông: Các cổ đông lớn liên quan đến Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn cam kết hỗ trợ tài chính khi cần thiết để đảm bảo hoạt động liên tục.
>> Novaland (NVL) chưa nộp hơn 5.100 tỷ đồng tiền sử dụng đất tại dự án Lakeview City