NSND mang hàm Đại tá là người ghi lại khoảnh khắc quý giá trong ngày chiến thắng 30/4/1975 tại Sài Gòn, được trao hàng loạt giải thưởng điện ảnh cao quý
Cả cuộc đời theo đuổi nghệ thuật, vị NSND này đã quay hàng vạn mét phim tư liệu, góp phần tạo nên những tác phẩm có giá trị vượt thời gian
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đặng Xuân Hải là một biểu tượng của điện ảnh Việt Nam. Sinh năm 1944 tại Xuân Trường, Nam Định, ông đã để lại dấu ấn sâu đậm qua những thước phim tài liệu chân thực, giàu giá trị lịch sử và nghệ thuật.
Là người con thứ hai trong gia đình có 9 anh chị em, ông sớm bộc lộ tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường. Năm 1963, ở tuổi 19, ông nhập ngũ, gia nhập Sư đoàn 320, sau đó chuyển sang Lữ đoàn 335. Từ tháng 2/1964 đến tháng 9/1968, ông chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên. Cũng chính tại đây, ông hoàn thành khóa học quay phim mặt trận và trở thành phóng viên quay phim của Quân khu Trị Thiên.

Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, Đặng Xuân Hải bị thương nặng tại Thành nội Huế khi đang tác nghiệp. Dù vậy, chỉ vài tháng sau, vào tháng 1/1969, ông đã trở lại với chiếc máy quay, đảm nhận vai trò Trung đội trưởng tại Điện ảnh Quân đội Nhân dân. Với bút danh Xuân Thảo, ông ghi lại cảnh kéo cờ tại Cố đô Huế và các trận đánh trên đường phố nội thành. Không chỉ vậy, bộ phim tài liệu Vài hình ảnh chiến thắng đầu Xuân 1968 do ông quay phim chính, đã giành Giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973. Cùng năm, ông được vinh danh với Giải thưởng Đặc biệt dành cho quay phim dũng cảm nhờ Chiến thắng Xuân 1968.
Tháng 8/1969, ông được cử học tại khoa Quay phim, Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội). Năm 1972, sau khi tốt nghiệp, ông lập tức trở lại chiến trường, mang máy quay đến các mặt trận khốc liệt như Quảng Trị, Lào, Campuchia. Trong trận chiến 81 ngày đêm tại Quảng Trị năm 1972, ông cùng đồng đội thực hiện Quân dân Trị Thiên tấn công và nổi dậy và Chiến thắng lịch sử Xuân 1972, tác phẩm sau giành Giải Bông Sen Bạc năm 1973.

Năm 1975, ông được vinh dự tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Trưa ngày 30/04/1975, Đặng Xuân Hải cùng tổng đạo diễn Trần Việt đã có mặt ở Sài Gòn. Sau đó ông cùng đội quay Bùi Xuân Thiện của Điện ảnh Quân đội ghi được hình ảnh nội các ngụy quyền Sài Gòn đầu hàng.
Những thước phim sống động này trở thành tư liệu cốt lõi cho Chiến thắng lịch sử Xuân 1975, bộ phim do đạo diễn Trần Việt thực hiện, xuất sắc giành Giải Bông Sen Vàng năm 1977. Năm 1988, ông tiếp tục học khoa Đạo diễn tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, mở ra một chương mới trong sự nghiệp. Với vai trò đạo diễn, ông tạo nên Thị xã vẫn yên tĩnh (Giải Bông Sen Bạc 1985) và Nước mắt - Nụ cười (Giải Bông Sen Bạc và Giải A Bộ Quốc phòng 1990), khẳng định tài năng đa dạng của mình.
Cả cuộc đời theo đuổi nghệ thuật, NSND Đặng Xuân Hải đã quay hàng vạn mét phim tư liệu, góp phần tạo nên những tác phẩm có giá trị vượt thời gian như Cuộc đụng đầu lịch sử, Ka-Chiu-Sa Việt Nam, hay Cột mốc vàng Điện Biên Phủ. Những bộ phim này không chỉ là tư liệu lịch sử mà còn là những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, được vinh danh qua hàng loạt giải thưởng danh giá. Năm 1993, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, và đến năm 2012, ông vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Cũng trong năm 2012, ông trình hồ sơ xét duyệt Giải thưởng Nhà nước với bốn tác phẩm tiêu biểu: Vài hình ảnh chiến thắng Xuân 1968, Thị xã vẫn yên tĩnh, Nước mắt - Nụ cười, và Cột mốc vàng Điện Biên Phủ.

Ngoài vai trò nghệ sĩ, ông Đặng Xuân Hải còn đảm nhiệm nhiều trọng trách lớn. Từ năm 1995 đến 2005, ông là Giám đốc Điện ảnh Quân đội Nhân dân. Năm 2010, ông đắc cử Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khóa VII, tái đắc cử vào năm 2015 và giữ chức vụ đến năm 2021. Cuộc đời và sự nghiệp của NSND Đặng Xuân Hải là minh chứng cho tinh thần cống hiến không ngừng nghỉ. Từ một người lính Cụ Hồ gan dạ trên chiến trường đến một nghệ sĩ với tầm nhìn sâu sắc, ông đã để lại di sản quý báu, góp phần làm rạng danh nền điện ảnh Việt Nam.