Nữ NSND là mỹ nhân nổi tiếng Sài Gòn xưa, là kỳ nữ lận đận tình duyên với 2 lần dang dở: U90 giàu có, ở biệt thự riêng
Bà là "kỳ nữ" nổi tiếng Sài Gòn một thời nhưng lại có tình duyên không trọn vẹn.
Là một trong "tứ đại mỹ nhân" của sân khấu miền Nam
Nghệ sĩ Kim Cương, cùng với Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Kiều Chinh và Mộng Tuyền, từng được mệnh danh là “kỳ nữ” - biểu tượng của tài năng và nhan sắc trong nền nghệ thuật miền Nam những năm 60-70 của thế kỷ trước. Bà còn được xếp vào hàng “tứ đại mỹ nhân” lừng danh của Sài Gòn xưa.

NSND Kim Cương, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Kim Cương, sinh năm 1937 tại Sài Gòn, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời. Mẹ bà là NSND Bảy Nam - người được tôn vinh là “Tổ nghề sống” của sân khấu cải lương Nam Bộ cùng với NSND Phùng Há. Cha bà là bầu gánh Đại Phước Cương, một trong những ông bầu có sức ảnh hưởng lớn trong giới cải lương. Bà cũng là cháu nội của vua Thành Thái.
Gia đình bà nhiều đời làm nghệ thuật, bà cố và bà nội đều là bầu gánh hát. Bên ngoại, trong số 11 người cậu và dì, có đến bốn người là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng: Năm Phỉ, Bảy Nam, Chín Bia và Mười Truyền. Xuất thân từ một đại gia đình nghệ thuật như vậy, NSND Kim Cương làm quen với sân khấu từ rất sớm.
Khi mới 18 ngày tuổi, bà đã được bế lên sân khấu trong vai con của Thị Mầu. Lớn lên giữa đoàn hát, khi vừa biết đi, bà đã bắt đầu đóng vai con trong các vở diễn. Sau đó, bà dần biết ca, biết diễn những vai phức tạp hơn. Niềm đam mê diễn xuất như ngấm vào máu thịt bà từ thuở ấu thơ.

Sự nghiệp nghệ thuật đến sớm đã giúp NSND Kim Cương nhanh chóng trở thành đào non trong đoàn Đại Phước Cương, theo cha mẹ rong ruổi khắp nơi biểu diễn. Vai diễn đầu tiên đánh dấu chặng đường nghệ thuật của bà là vai Na Tra trong vở Na Tra lóc thịt, do chính NSND Bảy Nam chấp bút. Ngay từ thuở thiếu thời, bà đã gây ấn tượng mạnh với khán giả, từng bước tích lũy kinh nghiệm và tình yêu sâu đậm với sân khấu.

Dù khởi đầu với cải lương và chịu ảnh hưởng sâu đậm từ gia tộc, Kim Cương lại có duyên và đam mê đặc biệt với kịch nói. Theo chia sẻ của bà, lựa chọn chuyển hướng sang kịch nói là mong muốn được thay đổi và thích nghi với sự phát triển của xã hội. Thời điểm đó, các soạn giả chủ yếu viết kịch bản cải lương, còn kịch nói thì rất hiếm, vì vậy bà đã tự viết kịch bản cho chính mình.
Với sự bền bỉ và tài năng, NSND Kim Cương đã cho ra đời nhiều kịch bản chất lượng. Bà từng được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam. Mỗi tác phẩm đều được bà dồn hết tâm huyết và cảm xúc. Trong thập niên 70 và 80, bà vươn đến đỉnh cao sự nghiệp, trở thành một trong những tên tuổi lớn của sân khấu miền Nam, sánh vai với những nghệ sĩ như Thanh Nga và Thẩm Thúy Hằng.

Khán giả yêu mến Kim Cương bởi lối diễn xuất đầy cảm xúc, từ những vai bi lấy nước mắt đến những vai hài hước, dí dỏm. Trong số đó, vở “Lá sầu riêng” do chính bà viết và diễn cùng NSND Bảy Nam, được xem là tác phẩm kinh điển, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng.
Chăm chỉ làm từ nguyện, xế chiều bình yên bên con cháu
Trái ngược với sự viên mãn trong sự nghiệp, tình duyên của nghệ sĩ Kim Cương lại gặp nhiều trắc trở. Bà từng thừa nhận mình là người “thất bại trong hôn nhân” sau nhiều mối tình dang dở. Mải mê với nghệ thuật, đến năm 35 tuổi bà mới lập gia đình và có một con trai tên Gia Vinh. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài 15 năm. Ở tuổi 50, bà bước vào một mối quan hệ mới nhưng cũng chỉ duy trì được hai năm. Kể từ đó đến nay, bà sống một mình.

Dù đã đạt đỉnh cao nghệ thuật, NSND Kim Cương vẫn luôn chú trọng việc học tập và trau dồi chuyên môn. Bà từng đi tu nghiệp ngành đạo diễn tại Bulgaria. Không chỉ nổi bật trên sân khấu, bà còn thể hiện khả năng quản lý tài tình, là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ nghệ sĩ như Thành Lộc, Hữu Châu, Hồng Vân, Minh Nhí… Bà từng giảng dạy và truyền cảm hứng cho nhiều lớp học trò nối tiếp.
Thành công trong nghệ thuật giúp bà có cuộc sống ổn định, sung túc. Bà sở hữu một căn biệt thự giữa trung tâm Sài Gòn, được xây dựng hơn 50 năm và có cả thang máy. Trong không gian sống, NSND Kim Cương bày trí nhiều đồ cổ quý giá, nổi bật là bức tượng có tuổi đời 200 năm.
Tại phòng khách, bức tượng chân dung của chính bà, được đặt làm tại Thái Lan năm 2017, được trưng bày trang trọng. Tượng được phác họa theo hình ảnh Kim Cương ở tuổi ngoài 40. Đôi khi, bà tự thay tóc giả và mặc áo dài cho bức tượng. Lý giải về việc chọn hình tượng này, bà cho biết đó là độ tuổi mà người ta nhớ đến "Cô gái sầu riêng".


Dù không còn tham gia biểu diễn, nghệ sĩ Kim Cương vẫn là một tên tuổi có sức nặng trong làng sân khấu Việt. Bà cho biết, mỗi lần ra đường hay đi nước ngoài, vẫn có nhiều khán giả nhận ra và xin chụp ảnh cùng. Chính sự yêu thương đó là động lực để bà tiếp tục gắn bó với các hoạt động thiện nguyện.
Suốt nhiều năm qua, bà đều tổ chức chương trình Nghệ sĩ tri âm nhằm quyên góp hỗ trợ các diễn viên, nhạc công, soạn giả có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời sáng lập quỹ học bổng Bảy Nam giúp đỡ con em nghệ sĩ nghèo.
Bên cạnh công việc thiện nguyện, bà còn nhận được sự ghi nhận xứng đáng với danh hiệu “Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng” do Ban Tổ chức giải Mai Vàng trao tặng. NSND Kim Cương rất trân trọng từng khoảnh khắc đời thường và vẫn ấp ủ nhiều kế hoạch thiện nguyện.