Nợ toàn cầu hiện ở mức 305 nghìn tỷ USD, cao hơn 45 nghìn tỷ USD so với trước đại dịch COVID-19.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), Mỹ có khoản nợ quốc gia cao nhất thế giới với 30,1 nghìn tỷ USD tính đến quý đầu tiên của năm 2023. Khoản nợ của Washington hiện ở mức 31,4 nghìn tỷ USD, tăng thêm áp lực về chi tiêu và chi phí đi vay của chính phủ nước này.
Theo đó, Tổng thống Joe Biden ngày 3/6 đã ký ban hành đạo luật cho phép đình chỉ áp mức trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD trong 2 năm, đồng thời giới hạn chi tiêu ngân sách năm tài chính 2024 và 2025, nhằm ngăn chặn một vụ vỡ nợ có thể gây ra sự hoảng loạn trên thị trường, mất việc làm diện rộng và suy thoái kinh tế, với hệ lụy ở quy mô toàn cầu.
Xếp hạng nợ chính phủ trên toàn cầu. |
Số nợ của Mỹ tương đương với tổng số nợ của 4 quốc gia có nhiều nợ nhất tiếp theo bao gồm Trung Quốc (14 nghìn tỷ USD), Nhật Bản (10,2 nghìn tỷ USD), Pháp (3,1 nghìn tỷ USD) và Italy (2,9 nghìn tỷ USD).
Vậy những quốc gia nào hiện đang có đủ tiền để trả nợ?
Tỷ lệ nợ trên GDP của một chính phủ là một chỉ báo quan trọng để đánh giá tính bền vững tài chính của quốc gia đó. Giá trị lớn hơn 100% cho thấy chính phủ đang chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được.
Nếu một quốc gia có mức nợ cao nhưng GDP còn cao hơn khoản nợ, thì chính phủ có thể bù đắp khoản tiền trả nợ của mình.
Những quốc gia có đủ tiền trả nợ. |
Theo IIF, tỷ lệ nợ trên GDP chính phủ toàn cầu hiện đang ở mức 95,5%. Quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất là Nhật Bản (ở mức 239%), một phần có thể là do dân số già và chi phí phúc lợi xã hội, theo sau là Hy Lạp (197%), Singapore (165%), Italy (135%) và Mỹ (116%).
Trong khi đó, nợ toàn cầu hiện ở mức 305 nghìn tỷ USD, cao hơn 45 nghìn tỷ USD so với trước đại dịch COVID-19. Trong tổng số nợ này, các tập đoàn chiếm tỷ lệ lớn nhất với 161,7 nghìn tỷ USD (53%), chính phủ nợ 85,7 nghìn tỷ USD (28%) và các cá nhân chiếm 57,6 nghìn tỷ USD (19%).
Theo IIF, nợ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng do khoản vay của chính phủ vẫn ở mức cao, đồng thời chịu ảnh hưởng bởi dân số già, căng thẳng địa chính trị, chi phí chăm sóc sức khỏe gia tăng, …