Nuôi bò phải đóng thuế phát thải carbon gần 100 USD/con mỗi năm
Chính phủ Đan Mạch vừa quyết định áp dụng thuế phát thải carbon, tức nông dân sẽ phải nộp gần 100 USD/năm khi sở hữu 1 con bò.
Hệ thống lương thực toàn cầu là một tác nhân lớn góp phần vào cuộc khủng hoảng khí hậu khi chiếm khoảng 1/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), riêng hoạt động chăn nuôi gia súc chiếm khoảng 12% lượng phát thải toàn cầu vào năm 2015.
Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi gồm hai nguồn chính: khí metan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật.
Đan Mạch nằm trong top những quốc gia về xuất khẩu thịt lợn và sữa lớn trên thế giới. Do đó, nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi gia súc là nguồn phát thải carbon lớn nhất tại quốc gia này.
Để giảm phát thải khí nhà kính, Chính phủ Đan Mạch vừa quyết định áp dụng thuế phát thải carbon đối với lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, từ năm 2030, nông dân quốc gia này sẽ phải nộp mức thuế 672 krone/năm (khoảng 96 USD) với mỗi con gia súc mà họ sở hữu.
Với quyết định này, Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng thuế phát thải carbon trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục đích của loại thuế này nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi tìm kiếm các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trung bình một con bò sữa tại Đan Mạch thải ra khoảng 5,6 tấn khí CO2 tương đương mỗi năm. Từ năm 2030, mức thuế phát thải carbon tương đương 96 USD/con bò/năm và tăng lên thành 241 USD/con bò/năm vào năm 2035.
Ở Việt Nam có mô đàn lợn khoảng 28-29 triệu con, đàn trâu 2,3 triệu con, đàn bò (tính cả bò sữa) 6,7 triệu con, đàn dê và cừu 2,9 triệu con... Chăn nuôi cũng là ngành phát thải khí nhà kính ra môi trường lớn thứ hai trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung ngành chăn nuôi (lợn, bò) vào danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính.
Theo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, tiềm năng của các biện pháp giảm phát thải liên quan đến ngành chăn nuôi trong cả giai đoạn 2021-2030 là 152,5 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 54% tổng tiềm năng giảm phát thải của lĩnh vực nông nghiệp.
Kết quả điều tra năm 2016, lượng khí nhà kính phát thải từ dạ cỏ của động vật nhai lại chiếm tỷ trọng cao nhất, 444.000 tấn khí CH4 (tương đương 12,42 triệu tấn CO2e), tiếp đến là phát thải từ phân động vật bao gồm 11.000 tấn khí N2O (tương đương 2,97 triệu tấn CO2e) và 112.000 tấn khí CH4 (tương đương 3,13 triệu tấn CO2e).
Theo danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cuối năm 2022, trong số các động vật có phát thải khí metan từ dạ cỏ, bò sữa gây phát thải khoảng 78kg khí CH4/con/năm, trâu khoảng 76kg khí CH4/con/năm, bò thịt 54kg CH4/con/năm, ngựa 18kg CH4/con/năm, dê và cừu 5kg CH4/con/năm, lợn 1kg CH4/con/năm.
Với dự thảo trên, các trang trại chăn nuôi quy mô 3.000 con lợn thường xuyên, còn với bò là 1.000 con trở lên sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Tức, sẽ có hơn 4.000 trang trại chăn nuôi lợn và bò phải thực hiện công việc này.
Các doanh nghiệp, trang trại sau khi kiểm kê khí nhà kính xong sẽ phải thực hiện giảm phát thải theo hạn ngạch được giao.
Đến nay, hiệp hội và các doanh nghiệp kiến nghị chưa đưa lĩnh vực chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính; nếu làm thì theo hướng tự nguyện, không bắt buộc.
>> Kiểm kê khí nhà kính tốn tới trăm triệu, 4.000 trang trại chăn nuôi 'sốt ruột'
Với 1ha lúa giảm phát thải, nông dân Đắk Lắk thu thêm được 1,5 triệu đồng
Thế mạnh Việt 4,2 tỷ USD: Sản xuất giảm phát thải, thu nhập tăng gấp đôi