Ông chủ Circle K giữ tham vọng thâu tóm chuỗi 7-Eleven, mức giá đề nghị đã lên tới 50 tỷ USD
Trước đó, ông chủ chuỗi Circle K đã đưa ra lời chào mua chuỗi 7-Eleven với giá 38 tỷ USD.
Tập đoàn bán lẻ Alimentation Couche-Tard, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng Circle K, tiếp tục theo đuổi thương vụ mua lại Seven & i Holdings - công ty mẹ của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, với mức giá đề nghị mới lên tới gần 50 tỷ USD.
Theo một hãng tin nổi tiếng, đề xuất mới của Couche-Tard định giá Seven & i Holdings ở mức hơn 47 tỷ USD, cao hơn khoảng 20% so với đề nghị ban đầu là 38 tỷ USD vào tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, Seven & i Holdings đã từ chối đề nghị trước đó, cho rằng mức giá này chưa phản ánh đầy đủ giá trị của công ty và còn gặp nhiều rào cản pháp lý.
Sau khi có tin tức về đề xuất mới, cổ phiếu của Seven & i Holdings đã tăng khoảng 5% trong phiên giao dịch sáng tại Tokyo. Đề nghị mua lại mới được cho là đã được gửi tới Seven & i Holdings vào ngày 19/9, tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, hai bên vẫn chưa có cuộc thảo luận chính thức nào.
Đáng chú ý, sau khi đề xuất trước đó bị từ chối, Bộ Tài chính Nhật Bản đã đưa Seven & i Holdings vào danh sách các doanh nghiệp có tầm quan trọng với an ninh quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại công ty sẽ phải đối mặt với sự xem xét kỹ lưỡng từ chính phủ Nhật Bản.
Couche-Tard định giá Seven & i Holdings đề xuất giá mới ở mức hơn 47 tỷ USD |
>> GS25 'chơi trội' mở cửa hàng đặc biệt 400m2: Phả sức nóng cạnh tranh lên Circle K
Nếu thương vụ thành công, đây sẽ là lần đầu tiên một doanh nghiệp Nhật Bản có quy mô như Seven & i Holdings bị thâu tóm bởi một công ty nước ngoài.
7-Eleven lần đầu tiên được đưa vào Nhật Bản từ Mỹ từ 50 năm trước bởi công ty Ito-Yokado của “ông trùm bán lẻ” Masatoshi Ito. Một giám đốc điều hành tại công ty Ito-Yokado là Toshifumi Suzuki đã phát hiện ra một cửa hàng 7-Eleven trong một chuyến thăm Mỹ. Ito-Yokado sau đó đã thỏa thuận với chủ sở hữu của 7-Eleven (là Tập đoàn Southland có trụ sở tại Mỹ) và mở cửa hàng 7-Eleven đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1974. Công ty của ông Ito sau đó chuyển sang mua cổ phần kiểm soát của Tập đoàn Southland vào tháng 3/1990.
Hiện nay, 7-Eleven có 85.000 cửa hàng trên toàn thế giới tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, thiết lập một mạng lưới lớn tại châu Á.
Tập đoàn Couche-Tard, thành lập năm 1980 tại Quebec, Canada, được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Toronto. Đây là một trong những nhà bán lẻ cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới với khoảng 17.000 cửa hàng tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á.
Các thương hiệu nổi tiếng thuộc sở hữu của Couche-Tard bao gồm Circle K, Couche-Tard và Ingo. Chiến lược kinh doanh của tập đoàn là kết hợp giữa cửa hàng tiện lợi và bán lẻ xăng dầu, cung cấp các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống và nhiên liệu. Couche-Tard có giá trị thị trường khoảng 80 tỷ đô-la Canada (58,2 tỷ USD).
Hiện tại, cả Couche-Tard và Seven & i Holdings vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào về thông tin liên quan đến đề xuất mua lại này.
>> Aeon đã rót bao nhiêu tỷ USD vào Việt Nam sau hơn 10 năm?