"FPT đã mua dăm bẩy công ty công nghệ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản rồi, FPT đâu cần ai đầu tư vốn, FPT chỉ cần NVIDIA đồng ý chọn FPT, đồng ý hợp tác và hỗ trợ FPT".
Khi FPT và NVIDIA công bố đầu tư 200 triệu USD làm trung tâm trí tuệ nhân tạo AI ở Việt Nam, lập tức rất nhiều người tập trung vào “NVIDIA đầu tư bao nhiêu, FPT bao nhiêu”, “Ôi, tưởng gì, FPT đầu tư tất à, hoá ra là FPT đi mua đồ NVIDIA, hoá ra FPT là khách hàng của NVIDIA, thế thì không uých”.
Về những nhận định trên, ông Đỗ Cao Bảo - Thành viên HĐQT FPT cho rằng ''Tư duy phải nước ngoài đầu tư mới giá trị, còn ta tự đầu tư thì không uých là tư duy của người làm thuê, tư duy của kẻ yếu''.
Giải thích cho quan điểm của mình, ông Bảo cho biết nếu NVIDIA đầu tư 100% thì nghĩa là sau này 100% lợi nhuận của trung tâm AI Việt Nam sẽ thuộc về NVIDIA, còn NVIDIA đầu tư 50% thì sau này 50% lợi nhuận sẽ thuộc về NVIDIA, ngược lại nếu FPT đầu tư 100% thì sau này lợi nhuận là của FPT 100%. Đây nguyên lý rất rõ ràng của hợp tác kinh doanh, của đầu tư, góp vốn.
Đồng thời, trong việc xây dựng trung tâm AI FPT-NVIDIA Việt Nam, điều FPT cần không phải là vốn vì FPT ''đã mua dăm bẩy công ty công nghệ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản rồi''.
Mà điểm mấy chốt FPT quan tâm là “NVIDIA mở bao nhiêu trung tâm AI ở châu Á, bao nhiêu trung tâm AI ở Đông Nam Á, càng ít càng tốt” và khi NVIDIA khẳng định rằng rất ít thì FPT quyết định hành động ngay (ở châu Á NVIDIA chỉ chọn 2-3 quốc gia, mỗi quốc gia ấy cũng chỉ chọn 1-2 đối tác).
Nên nhớ rằng NVIDIA đang là người làm chủ cuộc chơi AI trên toàn cầu, với hệ sinh thái AI lớn nhất thế giới, là trái tim đang đập của siêu chu kỳ AI. Do vậy, ông Bảo khẳng định trong chuyện hợp tác lần này người FPT chỉ quan tâm đến quyền được hợp tác với NVIDIA.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và ông Đỗ Cao Bảo - TV.HĐQT. Ảnh: Đỗ Cao Bảo |
>> Ông Đỗ Cao Bảo: 'NVIDIA hợp tác với Việt Nam còn hơn với Indonesia'
Nguyên văn bài chia sẻ của ông Đỗ Cao Bảo như sau:
Tư duy phải nước ngoài đầu tư mới giá trị, còn ta tự đầu tư thì không uých là tư duy của người làm thuê, tư duy của kẻ yếu
Vâng đấy là tư duy của không ít người Việt Nam chúng ta bấy lâu nay. Tư duy ấy nó ngấm sâu đến mức mà khi FPT và NVIDIA công bố đầu tư 200 triệu USD làm trung tâm trí tuệ nhân tạo AI ở Việt Nam, lập tức rất nhiều người tập trung vào “NVIDIA đầu tư bao nhiêu, FPT bao nhiêu”, “Ôi, tưởng gì, FPT đầu tư tất à, hoá ra là FPT đi mua đồ NVIDIA, hoá ra FPT là khách hàng của NVIDIA, thế thì không uých”.
Để dễ hình dung, hãy coi trung tâm AI FPT - NVIDIA ở Việt Nam như một công ty khởi nghiệp, nếu NVIDIA đầu tư 100% thì nghĩa là sau này 100% lợi nhuận của trung tâm AI Việt Nam sẽ thuộc về NVIDIA, còn NVIDIA đầu tư 50% thì sau này 50% lợi nhuận sẽ thuộc về NVIDIA, ngược lại nếu FPT đầu tư 100% thì sau này lợi nhuận là của FPT 100%. Đấy là nguyên lý rất rõ ràng của hợp tác kinh doanh, của đầu tư, góp vốn.
Nên nhớ rằng việc nhận vốn đầu tư của nước ngoài thì có được và có mất: được là được vốn từ nước ngoài, được công nghệ, được giúp về năng lực quản trị và có thể là thị trường và khách hàng quốc tế; mất là mất quyền tự chủ, quyền kiểm soát, mất đi lợi nhuận trong tương lai của công ty.
Khi chúng ta thiếu vốn, thiếu năng lực quản trị, thiếu thị trường và khách hàng quốc tế chúng ta cần nước ngoài đầu tư và rõ ràng rằng nhận vốn đầu tư tức là chúng ta đã ăn trước lợi nhuận trong tương lai của chính chúng ta.
Vậy nếu chúng ta có đủ vốn, có con người, chúng ta đủ năng lực quản trị, chúng ta có thị trường quốc tế, có thể kiếm được khách hàng quốc tế, chỉ cần NVIDIA hỗ trợ về công nghệ thôi thì chúng ta đâu cần NVIDIA tham gia đầu tư vốn nữa. Nên nhớ rằng NVIDIA đang là người làm chủ cuộc chơi AI trên toàn cầu, với hệ sinh thái AI lớn nhất thế giới, là trái tim đang đập của siêu chu kỳ AI, rất nhiều ông lớn về công nghệ của thế giới đang phải chờ 18 tháng mới nhận được những con chip GPU AI của NVIDIA, không phải ai muốn mua, NVIDIA cũng bán, họ chỉ chọn đối tác tham gia vào hệ sinh thái AI toàn cầu của họ mà thôi. Thế nên đừng nói chuyện mua bán với NVIDIA, nó tầm thường lắm.
Trong hơn 10 năm trở lại đây, FPT chỉ có đi mua công ty công nghệ nước ngoài và đã mua dăm bẩy công ty công nghệ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản rồi. Thế nên khi bắt đầu xây dựng trung tâm AI FPT-NVIDIA Việt Nam, FPT đâu cần ai đầu tư vốn, FPT chỉ cần NVIDIA đồng ý chọn FPT, đồng ý hợp tác và hỗ trợ FPT. Cái FPT quan tâm là “NVIDIA mở bao nhiêu trung tâm AI ở châu Á, bao nhiêu trung tâm AI ở Đông Nam Á, càng ít càng tốt” và khi NVIDIA khẳng định rằng rất ít thì FPT quyết định hành động ngay (ở châu Á NVIDIA chỉ chọn 2-3 quốc gia, mỗi quốc gia ấy cũng chỉ chọn 1-2 đối tác).
CFO FPT Software Nguyễn Khải Hoàn, hôm qua đã nói với lãnh đạo NVIDIA “chúng ta phải cung cấp cho binh lính vũ khí phù hợp”, còn Tiến sĩ AI Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Trí tuệ nhân tạo AI của FPT Software thì nói: “những người lính ra trận như chúng tôi đã có súng rồi”, “Ai muốn làm AI với mình thì vô đây”, “Ai muốn làm LVM cùng Andrew Ng (thiên tài về AI của thế giới) cho xe ô tô tự lái thì vô đây” (văn phòng của TS Nguyễn Xuân Phong ở bắc Mỹ, thế nên từ “ai” của anh không chỉ dành cho mỗi người Việt).
Như vậy, khi quyết định cùng NVIDIA xây dựng trung tâm AI ờ Việt Nam, người FPT chỉ quan tâm đến quyền được hợp tác với NVIDIA, hợp tác với NVIDIA như thế nào, FPT làm gì, NVIDIA làm gì; FPT đóng góp như thế nào, có vai trò gì trong hệ sinh thái AI của NVIDIA trên toàn cầu; thị trường và khách hàng, đặc biệt là thị trường và khách hàng quốc tế là ai; FPT sẽ thu được bao nhiêu doanh số và lợi nhuận; đó cũng chính là những câu hỏi FPT đang đi tìm câu trả lời.
Để kết bài tôi xin nhắc lại rằng “Tư duy phải nước ngoài đầu tư mới giá trị, còn ta tự đầu tư thì không uých là tư duy của người làm thuê, tư duy của kẻ yếu” mà người FPT thì luôn có tư duy làm chủ và chắc chắn rằng FPT không phải là kẻ yếu.