Ông Hoàng Nam Tiến: 'Đã có những nơi, những lúc, bằng quan hệ hay tiền bạc người ta có thể dễ dàng thành công. Nhưng qua rồi những lúc như vậy!'
“Trí tuệ nhân tạo chưa bao giờ cướp việc của chúng ta, chỉ những người biết sử dụng trí tuệ nhân tạo mới cướp việc của chúng ta!”, ông Tiến khẳng định.
Đây là những chia sẻ của ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, Tập đoàn FPT chia sẻ trong chương trình FPT Techday - "Experience Now - Trải nghiệm ngay tại đây" vào ngày 13/11. Tại đây, lãnh đạo các công ty thành viên, công ty liên kết của Tập đoàn FPT như FPT IS, FPT Retail, FPT Telecom, Trường đại học FPT lần lượt chia sẻ về những ứng dụng thực tiễn của AI và các công nghệ mới nhất trong nhiều lĩnh vực khác nhau; cách để xây dựng hạ tầng thông minh phục vụ cho kỷ nguyên AI; đào tạo nhân lực trong thời đại số.
Trong phần chia sẻ của mình, ông Hoàng Nam Tiến đã đưa ra rất nhiều những quan điểm thú vị về vấn đề làm thế nào để bắt kịp dòng chảy, tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số là thắc mắc, trăn trở của nhiều người khi chứng kiến tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ.
Thực học là nền tảng của mọi thành công
Trong buổi chia sẻ, ông Hoàng Nam Tiến, với mong muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z, đã có mặt trên sân khấu để lan tỏa thông điệp về ý nghĩa của sự tự học và nỗ lực hoàn thiện bản thân. Mở đầu bài nói chuyện, ông Tiến đã trình chiếu hình ảnh các bức tượng lực sĩ cầm búa trong khuôn viên trường đại học FPT - những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng rằng không ai sinh ra đã hoàn hảo, nhưng mỗi người đều có quyền tự học và tự phát triển để trở thành phiên bản tốt hơn.
Ông khéo léo khơi gợi sự quan tâm của khán giả bằng câu nói hài hước: "Chàng trai hoàn hảo, nhà giàu, đẹp trai, học giỏi, body sáu múi, chỉ yêu mình em giống như là ma. Tức là không xuất hiện. Ý tôi là không ai hoàn hảo cả mà chỉ có thể tốt hơn.” Câu nói này không chỉ khiến khán giả bật cười mà còn làm nổi bật thông điệp sâu sắc về sự phát triển bản thân.
Ông Tiến nhấn mạnh rằng "thực học" là nền tảng quan trọng nhất để đạt được thành công thực sự. Ông thừa nhận rằng trong xã hội có những người đạt được thành công và giàu có nhờ vị thế hoặc quan hệ, hay bằng cách đi tắt. Tuy nhiên, đó không phải là con đường áp dụng được cho tất cả mọi người. Chỉ có việc đầu tư vào tri thức, nỗ lực tự học mỗi ngày mới là cách để tạo ra giá trị và phát triển bền vững.
“Tôi đã có những lúc lúng túng khi trả lời những câu hỏi của các bạn đồng nghiệp trẻ, kể cả con tôi, rằng tại sao trên đời có những người thành đạt nhanh như vậy, có nhiều tiền như vậy. Đúng, đã có những nơi, những lúc, bằng quan hệ hay tiền bạc, người ta có thể dễ dàng thành công. Nhưng qua rồi những lúc như vậy! Đến giờ này, tôi đã có thể tự tin trả lời với các bạn rằng: thực học và cả lifelong learning (học tập suốt đời) mới là nền tảng của mọi sự thành công”, ông Tiến khẳng định.
Ông bày tỏ niềm tin vào thế hệ trẻ, cho rằng với tinh thần học hỏi không ngừng, họ sẽ trở thành những nhân tố quan trọng đóng góp cho đất nước, giúp xã hội tiến bộ và phát triển hơn. Thông điệp của ông Tiến đã tạo cảm hứng mạnh mẽ cho các bạn trẻ về ý nghĩa của việc tự hoàn thiện và không ngừng học hỏi trên hành trình trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
“Trí tuệ nhân tạo chưa bao giờ cướp việc của chúng ta”
Ông Tiến mở đầu phần thuyết giảng về AI: “Khi chúng ta đã tin ‘thực học là nền tảng của mọi thành công và đồng tiền chỉ có được từ lao động’ thì chúng ta đang có lòng tin rất lớn cho tương lai. Thế nhưng, dường như AI đã thay đổi tất cả”.
Tiếp nối phần trình bày đầy cảm hứng, ông Hoàng Nam Tiến tiếp tục thu hút sự chú ý của khán phòng bằng một câu hỏi thú vị dành cho các bạn sinh viên: "Đến bây giờ có bao nhiêu bạn học sinh sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo để làm tất cả các loại bài tập của giáo viên?". Cả khán phòng chỉ có một số cánh tay rụt rè giơ lên, tạo không khí thẳng thắn để thảo luận về tác động của công nghệ AI trong học tập và đời sống.
Phó Chủ tịch Hội đồng Đại học FPT khẳng định rằng việc sử dụng các công cụ AI như Chat GPT để hỗ trợ trong học tập không còn là điều xa lạ và đang trở thành một thực tế mà xã hội phải thích nghi.
Ông Tiến cho biết: “Thầy Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT đã quyết định, từ năm học 2024, tất cả học sinh, sinh viên, học viên của Đại học FPT đều được phép sử dụng tất cả các công cụ trí tuệ nhân tạo. Theo đó, người thầy, người giảng viên, nhà trường phải thay đổi cách dạy, học sinh, sinh viên, học viên phải thay đổi cách học”.
“Tồn tại” là từ khóa mà ông muốn nhấn mạnh, bởi lẽ, trong bối cảnh AI ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc thích nghi và phát triển song hành với công nghệ là điều cần thiết.
Ông Tiến chia sẻ rằng những bước tiến của trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi toàn bộ hệ sinh thái lao động. Chẳng hạn, CodeVista - một sản phẩm AI của FPT - hiện có thể lập trình tốt hơn cả nhiều lập trình viên chuyên nghiệp.
“Cái ngày mà các công cụ này có thể tự sinh ra các thuật toán, các dòng code, gần lắm rồi”, ông Tiến nói.
Một khảo sát về thị trường lao động Mỹ cũng cho thấy, 75% người lao động đang sử dụng AI hàng ngày trong công việc, và điều đáng chú ý hơn là 66% các nhà lãnh đạo khẳng định sẽ không tuyển dụng những người không biết cách ứng dụng AI trong công việc.
“Bao nhiêu bạn ở đây kiến thức học ở trong trường chưa ra trường đã lạc hậu? Rất có thể, người cạnh tranh vị trí của các bạn trong tương lai chính là trí tuệ nhân tạo, bởi vì AI có khả năng tự học quá nhanh, nhanh hơn những gì chúng ta tưởng tượng”, ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Hoàng Nam Tiến khẳng định thêm: “Trí tuệ nhân tạo chưa bao giờ cướp việc của chúng ta, chỉ những người biết sử dụng trí tuệ nhân tạo mới cướp việc của chúng ta!”.
Để tồn tại và thậm chí là vượt lên trong kỷ nguyên mới, ông Tiến cho rằng con người cần hiểu biết và tận dụng được AI như một công cụ đắc lực. Những cá nhân biết khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, có năng lực về công nghệ sẽ là những người làm chủ tương lai, tạo nên sự khác biệt rõ rệt với những người còn lại. Ông gọi họ là “xHuman” - thế hệ con người không khiếp sợ AI mà biết cách hợp tác và khai thác lợi ích từ nó.
“Gen Z ngày nay phải trở nên khác biệt. Thế hệ này sẽ là thế hệ làm chủ thế giới, thế hệ không khiếp sợ trí tuệ nhân tạo và phải biết biến tất cả nền tảng trí tuệ nhân tạo đã có và sẽ có thành “con sen” của mình, thành “osin” trong gia đình”, ông Tiến đặt niềm tin vào thế hệ Gen Z.
Ông Tiến cũng tin rằng các bạn trẻ ngày nay, với khả năng tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng với công nghệ, có tiềm năng trở thành những người dẫn đầu trong thời đại AI. Ông khuyến khích các bạn sinh viên hãy mạnh dạn và chủ động trang bị kỹ năng công nghệ, không chỉ để tồn tại mà còn để tạo ra dấu ấn của riêng mình trong tương lai.
“Ở nhà con gái tôi gọi tôi là ‘ba béo lỗi lạc’, tức là lỗi thời và lạc hậu. Và để thay đổi điều ấy, mỗi năm tôi đều theo các khóa học về Generative AI để không trở thành người “lỗi lạc” trong mắt con cháu. Các bạn ngồi đây rất có thể đã trở thành những người “lỗi lạc” khi mới 22 tuổi, khi vừa bước ra khỏi trường, nếu các bạn không thay đổi bản thân mình”, ông Tiến khuyên các bạn trẻ.
Thông điệp của ông Tiến không chỉ đơn thuần là lời khuyên, mà còn là lời kêu gọi hành động từ một nhà lãnh đạo am hiểu thời cuộc, mong muốn thế hệ trẻ sẽ vươn xa và làm nên những điều phi thường trong kỷ nguyên công nghệ.