'Ông lớn' Big4 chi gần 2.800 tỷ đồng để một doanh nghiệp làm dự án khu công nghiệp tại Hậu Giang
Theo quy hoạch, khu công nghiệp này có diện tích hơn 200ha với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.
Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cho ý kiến về việc thẩm định hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Đông Phú 2, tỉnh Hậu Giang.
Theo đó, khu công nghiệp Đông Phú 2 có diện tích 234ha nằm tại xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, trong đó, đất trồng lúa 163,6ha, đất ở tại nông thôn 4,2ha, đất trồng cây lâu năm 55,1ha và đất khác 11,2ha.
UBND tỉnh cho biết, dự án khu công nghiệp Đông Phú 2 phù hợp về địa điểm, diện tích với quy hoạch tỉnh Hậu Giang; phù hợp với quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Đông Phú 2 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy hoạch có liên quan khác.
Ngoài ra, dự án phù hợp với phương hướng phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 được phân bổ cho tỉnh Hậu Giang.
Về hiện trạng khu đất, đối với hơn 163,5ha đất trồng lúa nước, trên thực tế hiện trạng sản xuất là cây ăn trái.
>> Kinh tế Thái Bình chuẩn bị ‘lên hương’ nhờ việc sở hữu nhà máy 51 triệu USD
Do trong quá trình trồng lúa nước không hiệu quả, năng suất không cao nên người dân đã tự chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa nước sang trồng cây ăn trái. Năng suất cây ăn trái đạt từ 10-16 tấn/ha; diện tích rau màu và thủy sản tại khu vực dự án là nuôi, trồng nhỏ lẻ nên sản lượng không cao.
Qua đó, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất, sản lượng nông sản của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung.
Mặt khác, khi khu công nghiệp hoạt động sẽ giúp giải quyết được việc làm cho người dân tại địa phương cũng như các khu vực lân cận, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển, tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Hiện tại ở địa phương chưa tiếp nhận hồ sơ về khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến đất đai tại khu vực của dự án.
Theo UBND tỉnh, dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Phú 2 thuộc đối tượng được miễn tiền thuê đất. Do đó, dự án không thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Đến thời điểm ngày 26/6, dự án có duy nhất một nhà đầu tư muốn làm dự án là CTCP Khu công nghiệp Đông Phú.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.997 tỷ đồng trong đó, vốn nhà đầu tư đã góp 616 tỷ đồng, tương đương 15.4% vào ngày 14/6/2024 theo giấy xác nhận số dư tiền gửi của ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tràng An.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư báo cáo sẽ góp tiếp 600 tỷ đồng theo tiến độ dự án, với giai đoạn 1 góp 369,5 tỷ đồng trong vòng 1 tháng kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư; giai đoạn 2 góp 230,5 tỷ đồng ngay sau khi kết thúc đầu tư xây dựng giai đoạn 1.
Còn lại khoảng 2.782 tỷ đồng, tương đương 69.63% tổng vốn dự án, nhà đầu tư được cấp chứng thư cam kết cấp vốn để đầu tư của VietinBank - Chi nhánh Lê Chân (Hải Phòng) ngày 10/5/2024.
Theo quy định, điều kiện về năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư phải có vốn thuộc sở hữu để thực hiện dự án không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên và có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác.
Theo hồ sơ dự án, nhà đầu tư đã góp 15,37% tổng mức đầu tư và được cam kết cấp tín dụng để thực hiện dự án của VietinBank nên đáp ứng điều kiện cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định.
Big4 ngân hàng Việt Nam được hiểu là 4 ngân hàng lớn nhất tại thị trường Việt Nam, bao gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank. Cả 4 ngân hàng này đều nổi bật với bề dày lịch sử, quy môn lớn và thế mạnh tài chính
>> ‘Bài toán’ di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố chưa thể ‘giải’ ngay trong năm 2024