Ông Trump có "tự bắn vào chân" khi đặt niềm tin vào tỷ phú Elon Musk?
Sự ủng hộ của tỷ phú Elon Musk có thể được xem như một "con dao hai lưỡi", mang lại cả lợi ích và thách thức cho chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump.
Mối quan hệ giữa tỷ phú công nghệ Elon Musk và cựu Tổng thống Donald Trump đang thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng và giới truyền thông, đặc biệt kể từ khi người giàu nhất thế giới công khai ủng hộ ông Trump cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Suốt thời gian gần đây, vị tỷ phú 53 tuổi đã đóng góp đáng kể về mặt tài chính cho chiến dịch tranh cử của ông Trump. Sự ủng hộ này giúp tăng cường khả năng vận động nguồn lực, thu hút thêm sự chú ý của truyền thông và tạo cơ hội cho cựu tổng thống 78 tuổi tiếp cận rộng rãi hơn với nhiều đối tượng cử tri khác nhau.
Tuy nhiên, những động thái của Elon Musk cũng gây ra nhiều tranh cãi và có thể mang lại những tác động không mong muốn cho chiến dịch tranh cử của ông Trump. Bên cạnh việc thúc đẩy những thông tin bị xem là "thuyết âm mưu" chủ yếu qua mạng xã hội X, ông chủ các công ty Tesla và SpaceX còn gặp nhiều vấn đề pháp lý với các ý tưởng vận động cử tri của mình.
Khoản tiền thưởng "đen"
Một trong những động thái gây tranh cãi nhất của Elon Musk là sáng kiến treo thưởng 1 triệu USD mỗi ngày cho 1 cử tri ngẫu nhiên, thông qua ủy ban hành động chính trị do ông tự sáng lập mang tên America PAC. Chương trình chính thức bắt đầu kể từ thời điểm được ông Musk công bố hôm 19/10, và kéo dài đến ngày bầu cử chính thức là 5/11.
Đối tượng tham gia chương trình này là các cử tri đã ghi danh bầu cử tại những tiểu bang chiến trường, Họ được yêu cầu ký vào bản kiến nghị ủng hộ "quyền tự do ngôn luận và sở hữu vũ khí" để có cơ hội nhận được số tiền trên.
Tuy nhiên, sáng kiến này nhanh chóng vấp phải những chỉ trích gay gắt từ phía đảng Dân chủ và đối mặt với những vấn đề pháp lý nghiêm trọng. Theo một số nguồn tin, Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi thư đến America PAC, trong đó cảnh báo rằng chương trình này có thể vi phạm luật liên bang, vốn cấm việc chi tiền để thuyết phục người khác đăng ký bỏ phiếu.
Giáo sư Danielle Lang từ Trường Luật Georgetown (Mỹ) còn nhận định ý tưởng của Elon Musk có thể phải đối mặt với các cuộc điều tra hình sự hoặc dân sự. "Vì "cuộc thi" yêu cầu người thắng 1 triệu USD tiền thưởng phải là cử tri đã đăng ký tại các tiểu bang chiến địa, hoặc cần đi đăng ký nếu chưa làm điều đó, nó đã vi phạm luật liên bang,” bà nói.
Thống đốc bang Pennsylvania Josh Shapiro thậm chí còn gọi đây là khoản "tiền đen" cần được điều tra kỹ lưỡng. Trong cuộc phỏng vấn với kênh NBC News, ông Shapiro khẳng định mỗi người đều có quyền được bày tỏ quan điểm của mình, được công khai ủng hộ ứng cử viên mà mình yêu thích. “Tuy nhiên, một khi bạn bắt đầu đổ số tiền này vào chính trị, tôi nghĩ chúng ta cần đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về điều này,” vị thống đốc của đảng Dân chủ lưu ý.
Điểm yếu không ngờ
Một cuộc thăm dò mới đây của hãng khảo sát Blueprint cho thấy sự ủng hộ của tỷ phú Elon Musk đối với cựu tổng thống Trump có thể đang "phản tác dụng". Trong số những nam giới trẻ từ 18-29 tuổi được khảo sát, 28% cho biết sự ủng hộ của ông Musk khiến họ ít có khả năng bầu cho ông Trump hơn, trong khi chỉ có 24% cảm thấy tích cực hơn. 45% còn lại cho biết điều này không ảnh hưởng đến quyết định của họ.
Bên cạnh đó, việc "chung phe" với người giàu nhất thế giới khiến cựu Tổng thống Trump bị các đối thủ khai thác để tấn công, trong đó đáng chú ý là lập trường chống công đoàn của tỷ phú Musk và các hành vi gây tranh cãi khác. Điều này có thể làm giảm sự ủng hộ với cựu tổng thống Mỹ từ một số nhóm cử tri, đặc biệt là những người lao động và các tổ chức công đoàn
Chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris đã nhiều lần công kích Elon Musk vì lập trường chống lại người lao động. Họ gọi ông Musk và Trump là "những gã giàu có tự phụ" và công khai chỉ trích việc hai người cùng cười đùa về việc sa thải những công nhân đình công.
Các đồng minh của Phó tổng thống Harris, trong đó có cả Chủ tịch Nghiệp đoàn công nhân ô tô Mỹ Shawn Fain, cũng đã tham gia vào các cuộc tấn công này. Thậm chí, trong một sự kiện của đảng Dân chủ, Hạ nghị sĩ bang New York Alexandria Ocasio-Cortez đã công khai cáo buộc ông Musk đang cố gắng "mua chuộc" phiếu bầu của người dân.
Những phản ứng này phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn trong đảng Dân chủ. Họ dường như đang tận dụng mối quan hệ Musk-Trump như một điểm yếu có thể khai thác trong chiến dịch tranh cử.
Với những diễn biến hiện tại, có vẻ như quyết định của cựu tổng thống Donald Trump trong việc chấp nhận sự ủng hộ công khai từ tỷ phú Elon Musk đang tạo ra nhiều thách thức hơn lợi ích cho chiến dịch tranh cử của ông. Điều này đặc biệt đúng khi xét đến phản ứng từ nhóm cử tri trẻ - một đối tượng quan trọng mà cả hai đảng đều đang cố gắng thu hút trong cuộc bầu cử sắp tới.
>> Elon Musk tố truyền thông 'khuyến khích' ám sát ông và cựu Tổng thống Trump