PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Áp thuế GTGT phân bón 5%, nông dân được hưởng lợi!
Theo Chuyên gia tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khi áp thuế GTGT phân bón ở mức 5% sẽ giúp nông nghiệp, nông dân được hưởng lợi nhiều nhất bởi giá cả thị trường phân bón sẽ ổn dịnh và giảm; đồng thời doanh nghiệp có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất cũng như hỗ trợ cho nông dân nhiều hơn...
Thuế GTGT 5% là hợp lý nhất
Thưa ông, là một chuyên gia tài chính đã quan tâm theo dõi những tác động của Luật Thuế 71 từ ngay sau khi Luật này có hiệu lực vào năm 2015. Vậy ông đánh giá như thế nào về những bất cập của Luật và sự cấp thiết cần phải sửa đổi để đảm bảo lợi ích cho nông nghiệp, người nông dân?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trước Luật thuế 71, Nhà nước áp thuế với sản phẩm nông nghiệp, vật tư nông nghiệp ở mức 5% (mức thuế ưu đãi). Nhưng sau Luật thuế 71, với mong muốn ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ cho nông dân nên Nhà nước không đánh thuế GTGT đối với vật tư, thiết bị nông nghiệp nữa. Về mặt tư tưởng, rõ ràng nếu không đánh thuế thì giá sẽ giảm đi. Thế nhưng chỉ sau 1 năm, từ 1/1/2015 khi Luật thuế 71 có hiệu lực thì đến năm 2016 chúng tôi đã phát hiện ra vấn đề. Thực tế thì quy định này gây cản trở sản xuất của ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, bao gồm có sản xuất phân đạm và các vật tư thiết bị. Lý do là khi không có thuế GTGT, đồng nghĩa là phần GTGT đầu vào không được phép khấu trừ và như vậy toàn bộ phần thuế GTGT này sẽ phải tính vào giá thành sản xuất của doanh nghiệp và từ đó làm cho giá thành sản phẩm tăng lên chứ không giảm đi như mong muốn ban đầu.
Điều này không chỉ cản trở doanh nghiệp phân bón phát triển mà còn gây hại tới khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nông nghiệp và sản xuất thiết bị nông nghiệp trong nước. Nguyên nhân như sau, đối với các nguyên liệu vật tư thiết bị nông nghiệp nhập từ nước ngoài, khi được xuất khẩu khỏi đất nước họ thường được hoàn thuế GTGT đầu vào từ 10-15% và khi vào Việt Nam, chúng ta lại không đánh thuế GTGT nên họ có điều kiện bán giá thấp hơn để cạnh tranh với hàng nội địa. Tất nhiên họ sẽ không bán giá thấp vì họ cần dựa trên giá thị trường trong nước để bán sao cho thu được nhiều lợi nhuận và không bị kiện bán phá giá. Cho nên cơ bản là khi không áp thuế GTGT 5% thì chỉ có doanh nghiệp nhập khẩu và nước xuất khẩu được hưởng lợi, còn người nông dân ta lại chịu thiệt.
Ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A (huyện Long Điền, TP Cần Thơ) mong muốn Nhà nước có những chính sách thuế hợp lý nhằm làm giảm giá phân bón, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất (Ảnh: Chương Nguyễn) |
Từ năm 2016, tôi cùng Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức toạ đàm và cũng nghiên cứu để đề xuất thuế GTGT cho phù hợp. Và chúng tôi nhận thấy rằng nên đánh thuế 5% trở lại như thời trước năm 2014. Đó là dựa trên tiền lệ lịch sử đánh thuế, tất nhiên trong tương lai, chúng ta có thể sẽ phải thay đổi ở mức cao hơn hoặc thấp hơn tuỳ điều kiện, hoàn cảnh cho phù hợp.
Vì sao nói với mức thuế GTGT 5% thì sẽ tạo ra lợi ích hài hoà nhất mà không phải 0%, 10% hay con số nào khác, thưa ông?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trong luật thuế GTGT chúng ta chỉ cho phép khấu trừ đầu vào, cho nên một số chuyên gia đề xuất áp thuế GTGT với thuế suất 0% để hỗ trợ nông nghiệp, nông dân. Song, theo luật thì mức 0% chỉ áp dụng với hàng hóa xuất khẩu, không áp dụng với hàng hóa tiêu thụ trong nước. Còn nếu đánh thuế GTGT 10% thì tương đối cao và sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Nếu chúng ta đánh thuế GTGT 5% thì đủ để khấu trừ mức thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp, ngay cả những doanh nghiệp có GTGT đầu vào lớn hơn (6-7%) cũng đủ để khấu trừ.
Khi đó, doanh nghiệp có điều kiện để đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư thiết bị công nghệ sản xuất hiện đại, quy mô hơn, năng suất hơn, sản phẩm đa dạng và chất lượng hơn. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể tăng cường nghiên cứu các sản phẩm phân bón hữu cơ, vi sinh để đáp ứng yêu cầu xanh hoá của nền nông nghiệp hiện đại. Đồng thời, doanh nghiệp có điều kiện thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, hỗ trợ bà con nông dân trong canh tác tốt hơn.
Kế đến, với mức thuế GTGT 5% thì mức tác động đến mặt bằng phân bón không lớn. Khi áp mức thuế này hoàn toàn có thể làm cho chi phí để sản xuất phân bón giảm đi (do doanh nghiệp được khấu trừ thuế), doanh nghiệp vì thế sẽ giảm được giá bán ra để tăng tính cạnh tranh hơn trên thị trường. Người tiêu dùng cuối cùng là nông dân được lợi vì giá cả ổn định, giảm đi so với khi phân bón không có thuế GTGT như hiện nay.
Đồng thời lúc này, Nhà nước cũng được lợi từ nguồn thu thuế, nhất là từ phân bón nhập khẩu. Hiện nay, theo số liệu của Hiệp hội Phân bón, chúng ta đang có nhu cầu tiêu thụ từ 10,5 triệu tấn đến 11 triệu tấn/năm. Trong đó, sản xuất trong nước đạt khoảng 9 triệu tấn và chúng ta nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Và 1,5 triệu tấn đó nếu chúng ta đánh thuế GTGT 5% thì chúng ta có thêm nguồn thu khoảng hơn1.000 tỉ đồng.
Và với nguồn thu đó, Nhà nước hoàn toàn có thể hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bằng việc chúng ta có thể hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, trạm điện, nghiên cứu cây giống mới,...
Như vậy, với mức thuế GTGT 5% thì tất cả các nhà đều được lợi! Còn nếu chúng ta đánh thuế 7% hoặc 10% sẽ làm cho giá thành phân bón cao hơn đáng kể, không có lợi cho nông nghiệp, nông dân.
Nông dân Cà Mau sử dụng phân bón trong canh tác lúa (Ảnh: Chương nguyễn) |
Thị trường sẽ ổn định và giảm giá
Vẫn có một số ý kiến băn khoăn về căn cứ nào để khẳng định rằng khi áp dụng thuế GTGT 5% thì giá phân bón sẽ giảm và người nông dân sẽ được lợi. Mong ông giải thích, dẫn chứng rõ hơn về điều này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Như tôi đã phân tích, từ khi có Luật thuế 71, toàn bộ thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp khi mua nguyên-nhiên liệu, đầu tư vật tư, thiết bị máy móc sản xuất phân bón (thường là mức thuế 10%) không được khấu trừ do không có thuế GTGT đầu ra. Do đó, phần thuế này đã được các doanh nghiệp phân vào chi phí sản xuất, rồi cộng với lợi nhuận doanh nghiệp để cấu thành giá thành sản phẩm ra thị trường.
Đối với doanh nghiệp nhập khẩu phân bón vào Việt Nam thì khác, khi không có thuế GTGT 5%, họ hoàn toàn được lợi do khi xuất khẩu thì họ đã được hoàn thuế GTGT ở nước họ, khi nhập vào bán ở thị trường Việt Nam thì họ lại không phải chịu thuế GTGT. Thế nhưng lúc này, giá phân bón nhập khẩu vẫn được bán gần bằng với mặt bằng thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam đang bán.
Khi áp thuế GTGT 5%, về nguyên tắc, mọi người sẽ nghĩ rằng áp thuế thì gây tăng giá, nhưng thực tế không phải như vậy. Bởi khi áp thuế GTGT 5% thì phần thuế đầu vào của doanh nghiệp (thường là 10%) sẽ được khấu trừ. Tức lúc này, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ giảm xuống và theo quy luật cạnh tranh thị trường thì khi đó doanh nghiệp có điều kiện để hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh nhất có thể.
Đồng thời, Hiệp hội Phân bón cùng với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) và Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cần tăng cường giám sát để các doanh nghiệp phân bón trong nước không tăng mà có thể giảm giá khi bắt đầu áp dụng Luật thuế GTGT mới.
Còn đối với doanh nghiệp nhập khẩu, họ sẽ phải giảm lợi nhuận chứ không thể cộng 5% vào giá bán vì mặt bằng giá lúc này đã ổn định hoặc sẽ giảm sau đó.
Như vậy, sản phẩm trong nước được nâng cao vị thế cạnh tranh và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng với phân bón nước ngoài. Và rõ ràng khi áp thuế GTGT 5%, nông nghiệp, nông dân được hưởng lợi vì giá cả bình ổn và chắc chắn sẽ giảm nếu xét trong cùng một điều kiện, thời điểm.
Ông có mong muốn như thế nào về việc sửa đổi Luật thuế GTGT sắp tới?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Lần này, với quyết tâm của Chính phủ và Quốc hội, chúng tôi hy vọng rằng việc sửa đổi Luật Thuế GTGT đối với vật tư thiết bị nông nghiệp nói chung và phân bón nói riêng sẽ được Quốc hội thông qua phương án 5% để có thể hỗ trợ cho nông dân, cho sản xuất công nghiệp nông nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!
>> Áp thuế GTGT phân bón: Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững
Áp thuế GTGT phân bón: Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững
Giá dầu và than giảm sâu: Ngành phân bón hưởng lợi từ chi phí đến biên lợi nhuận