Thế giới

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Căng thẳng Mỹ-Trung dưới thời Trump 2.0 và hàm ý đối với Việt Nam

Nhã San 22/01/2025 10:28

Mới đây, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng đã có những phân tích chuyên sâu về tác động của chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump đối với trật tự thương mại quốc tế và khả năng hợp tác giữa các quốc gia trong dài hạn. Ông cũng nhấn mạnh những thay đổi lớn có thể xảy ra dưới sự lãnh đạo của ông Trump trong nhiệm kỳ sắp tới.

Trong một thế giới đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong trật tự thương mại quốc tế, chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ tiếp theo sẽ mang đến những ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đối với Mỹ mà còn trên toàn cầu.

Để hiểu rõ hơn về tác động của các chính sách này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế quốc tế, giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân. Trong cuộc trao đổi, ông đã chia sẻ những phân tích sâu sắc về những động thái dự kiến của ông Trump và cách thức các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, có thể điều chỉnh để đối phó với những thay đổi này.

Theo ông, trong nhiệm kỳ sắp tới, chính sách thương mại của ông Donald Trump có thể tác động như thế nào đến trật tự thương mại quốc tế và khả năng hợp tác giữa các quốc gia trong dài hạn?

Bắt đầu từ năm 2025, ông Trump quay lại vị trí Tổng thống Mỹ thứ 47. Đây là một trong những trường hợp rất đặc biệt bởi vì Tổng thống Trump đã từng làm một nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, nhiệm kỳ số 45. Vậy nên nhiệm kỳ này tôi nghĩ ông sẽ rút được rất nhiều kinh nghiệm trong vấn đề kiến tạo chính sách, không chỉ cho nước Mỹ mà cả toàn thế giới và tạo ra một cái trật tự mà theo ông là phải lấy lại được cái vị thế cường quốc của nước Mỹ.

Cách làm đó cho thấy ông Donald Trump sẽ áp dụng những biện pháp được coi là có khả năng tạo ra hiệu ứng mạnh nhất trong khuôn khổ của pháp luật quốc tế và pháp luật của nước Mỹ, để làm sao tạo ra được vị thế tốt nhất cho nước Mỹ.

Với cách làm như vậy, Mỹ sẽ nhắm vào những đối thủ được coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, cạnh tranh chiến lược với Mỹ, làm sao cho đối thủ đó phải quy phục nước Mỹ. Cách làm đó dựa trên những khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, về chính trị an ninh, nước Mỹ đang có lợi thế so với tất cả các nước khác, kể cả Trung Quốc và châu Âu cũng không thể vượt Mỹ về chính trị an ninh.

Về kinh tế, Trung Quốc đang có những tiềm năng rất lớn để có thể tạo ra một nền kinh tế lớn, tương đương với Mỹ trong vòng 10 năm tới. Điều đó đe dọa vị thế lãnh đạo của Mỹ trong vòng 7-10 năm tới, cho nên nhiều khả năng ông Trump sẽ có những hành động rất quyết liệt, thể hiện ở khả năng đánh thuế cao vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhiều khả năng mức thuế này sẽ ở khoảng 60%, còn hàng của các nước khác thì ở khoảng 25%.

Mức thuế cao như vậy sẽ làm cho cả thế giới thay đổi, bởi vì Mỹ là một nước lớn. Chính sách thuế của một nước lớn thay đổi sẽ làm cho mức giá thế giới thay đổi và kéo theo lợi ích của các quốc gia thay đổi, kéo theo vị thế thương mại của các quốc gia thay đổi, thậm chí dịch chuyển dòng thương mại và kèm theo đó là cả dòng đầu tư và dòng về tiền tệ. Kịch bản này có khả năng xảy ra rất cao.

Một điểm nữa là ông Donald Trump còn đưa ra một tuyên bố rằng nước nào tìm cách hạ thấp uy tín của đồng USD thì nước Mỹ sẽ đánh thuế 100% vào hàng xuất khẩu của nước đó sang nước Mỹ, hoặc nếu không thì nước Mỹ sẽ cấm nhập khẩu hoàn toàn hàng hóa có xuất xứ từ các quốc gia muốn thay thế đồng USD.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Căng thẳng Mỹ-Trung dưới thời Trump 2.0 và hàm ý đối với Việt Nam - ảnh 1

Điều này sẽ làm cho trật tự thế giới rơi vào tình trạng rung lắc. Các nước muốn tiến tới mục tiêu loại bỏ đồng USD sẽ gặp phải đòn trừng phạt của ông Donald Trump. Còn nếu họ quy thuận theo ông Donald Trump thì tức là phải chấp nhận đồng USD, điều này lại càng có lợi cho nước Mỹ.

Dù xét ở khía cạnh nào thì trật tự thế giới này cũng sẽ thay đổi, chưa nói đến những thay đổi về các đồng minh của Mỹ. Nước Mỹ muốn cách tiếp cận win-win, nghĩa là không còn chi nhiều tiền như trước nhưng các nước khác phải đóng góp để tạo ra một trật tự kinh tế, chính trị, an ninh mới mà Mỹ vẫn đứng đầu và các nước khác đóng góp nhiều hơn.

Việc thiết kế một trật tự như vậy sẽ phải xảy ra trong thời kỳ của Donald Trump. Tất nhiên là sẽ có những công cụ khác mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể tiên lượng hết trước được nhưng cách làm của Donald Trump là rất rõ ràng, tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng ở mức được coi là cận biên, mức rất sát và điều đó buộc các nước phải có những thay đổi, điều chỉnh.

Đối với các nước được coi là đồng minh của Mỹ, họ buộc phải nhớ rằng cần tạo ra lợi ích cho nước Mỹ thì mới có thể chơi với ông được. Còn đối với các nước có thù địch với Mỹ, họ cần tìm cách để tránh đòn trừng phạt của Donald Trump, ví dụ như dịch chuyển thương mại để thay đổi đầu tư.

Cuối cùng, đối với các nước khác đứng ngoài vòng xoáy của Mỹ, nếu nghiêng về những nước được coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Mỹ thì chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và ngược lại.

Trong điều kiện như vậy, Việt Nam cần có chính sách thương mại khéo léo. Chúng ta cũng sẽ tạo cho Mỹ những lợi ích nhất định trong khả năng của chúng ta, bên cạnh đó đặt ra những yêu cầu với Mỹ để hỗ trợ phát triển. Việt Nam có trở thành nhịp cầu kết nối với các đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, thậm chí là kết nối với đối thủ cạnh tranh chiến lược.

Liệu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có leo thang trở lại và các quốc gia Đông Nam Á sẽ hưởng lợi như thế nào từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc?

Chắc chắn sẽ có sự đối đầu về mặt kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Một trong những điểm mấu chốt ở đây là Trung Quốc đã có những động thái mà tôi cho rằng muốn làm suy yếu dần vị thế kinh tế của Mỹ.

Thứ nhất, Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt sang Mỹ, thặng dư thương mại liên tục tăng suốt từ năm 1985 đến giờ. Trong vòng khoảng 40 năm qua, Mỹ luôn thâm hụt thương mại với Trung Quốc, có những thời điểm lên tới con số 500 tỷ USD. Mỹ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa cho Trung Quốc, rất nhiều việc làm ở Mỹ mất đi vì hàng Trung Quốc. Một trong những điểm nhạy cảm nhất của ông Trump bây giờ là làm sao cứu lại một số ngành công nghiệp của nước Mỹ, đồng thời tạo việc làm cho người lao động Mỹ.

Điểm thứ hai là Trung Quốc đang có ý định loại bỏ đồng USD ra khỏi hệ thống tiền tệ quốc tế và đưa đồng nhân dân tệ từng bước trong tương lai ngang ngửa, bằng với đồng USD.

Điểm thứ ba, Trung Quốc cũng đang muốn dẫn đầu thế giới về công nghệ, các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn và bây giờ đang cố gắng đưa ra các mô hình công nghệ mới có khả năng tạo ra đột phá rất mạnh. Điều này tạo ra cảm giác Mỹ bị tụt hậu một cách hữu hình và vô hình.

Điểm thứ 4, Trung Quốc đang muốn tạo ra các vành đai kinh tế có tính chất toàn cầu, không chỉ là hành lang hay những thứ như là trục và cánh như lâu nay mà có thể tạo ra một vành đai kinh tế thông qua sáng kiến “Vành đai và con đường”, tạo ra vành đai kinh tế toàn thế giới theo kiểu của Trung Quốc. Trên cơ sở này, Trung Quốc tạo ra một hệ thống các giao dịch kinh tế phục vụ cho sự phát triển của họ.

Bên cạnh đó, hai nước còn đang tranh giành các vùng đất mới chẳng hạn như ở châu Phi. Những yếu tố đó, chưa nói đến tranh giành trong không gian vũ trụ, làm cho đối đầu Mỹ - Trung rất căng thẳng. Và chắc chắn thuế quan mà ông Trump đánh vào hàng Trung Quốc sẽ là đòn đầu tiên.

Điều này sẽ dẫn đến một động thái là hàng Trung Quốc sẽ bị ế thừa, do đó sẽ bị giảm giá trên thị trường thế giới và một số nước như Việt Nam hay ASEAN có thể mua lại hàng này với giá rẻ (chẳng hạn như nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng). Do đó sẽ có điều kiện để chúng ta có được lượng hàng dồi dào, giá rẻ và có khả năng kiểm soát được lạm phát, tôi nghĩ đây là một điều rất tốt.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Căng thẳng Mỹ-Trung dưới thời Trump 2.0 và hàm ý đối với Việt Nam - ảnh 2

Chưa nói đến vốn đầu tư của Trung Quốc có thể di chuyển sang các nước ASEAN để sản xuất hàng hóa tại đây để bán sang Mỹ nhằm né tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo tôi nghĩ đây là một trong những cách thức đặc biệt, rất quan trọng để làm cho thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng nóng, dẫn đến vành đai, hành lang của các quan hệ đó ngày càng khó khăn.

Khó khăn cho Trung Quốc nhưng thuận lợi cho các nước ASEAN và Việt Nam có thể hưởng lợi từ điều đó. Chúng ta có thể tiếp nhận vốn đầu tư từ Trung Quốc để sản xuất hàng ở Việt Nam và sau đó bán sang Mỹ, đáp ứng những tiêu chuẩn của nước Mỹ.

Các chính sách của ông Trump được dự báo sẽ gây ra 3 tác động tới các nước đang phát triển và các nước này có thể hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất hàng hóa nhưng cũng bị mất đi thị trường xuất khẩu lớn vì thuế quan vào những cái rào cản thương mại quá cao, đồng thời thì dòng vốn FDI cũng có thể bị rút về Mỹ. Ông có nhận định như thế nào về vấn đề này và các quốc gia đang phát triển cần ứng phó ra sao để giảm thiểu tác động tiêu cực?

Nước Mỹ có thể là kêu gọi các doanh nghiệp quay trở lại đầu tư ở quê nhà, đặc biệt là trong những ngành công nghiệp xương sống và mũi nhọn như công nghiệp bán dẫn. Các tập đoàn Mỹ có thể rút về Mỹ để bảo toàn. Bởi vì những công nghệ này không dùng quá nhiều đất đai mà cũng không đòi hỏi quá nhiều lao động giản đơn mà đòi hỏi lao động trình độ cao. Do đó, nếu muốn giữ chân họ lại, chúng ta cần phải có môi trường thân thiện, ưu đãi, tạo điều kiện hấp dẫn nhất cho các tập đoàn này.

Đối với các nước tương tự như Việt Nam, nên đoàn kết với nhau, không nên cạnh tranh nhau, thi nhau nhảy xuống đáy mà chúng ta cần phải có một chính sách hợp tác để cùng hợp tác với Mỹ, hợp tác với các tập đoàn lớn của Mỹ để làm ăn lâu dài.

Việt Nam có thể kết nối mạng lưới với các nước được coi là đối tác chiến lược, đồng minh của Mỹ để tạo ra sự đột phá trong quan hệ. Nhiều khi sự quay trở lại của nước Mỹ lại là cơ hội lớn để các nước đoàn kết tốt hơn, đưa ra các chính sách hấp dẫn hơn, để các tập đoàn đó quay trở lại. Đó là một trong những cách tiếp cận rất mới.

Thế giới đang dự kiến xu hướng khu vực hóa thay vì toàn cầu hóa trong chuỗi cung ứng, ông cho rằng đây là một thay đổi lâu dài hay chỉ là một phản ứng tạm thời đối với các chính sách mới của Mỹ?

Tôi nghĩ rằng chính sách bảo hộ của Mỹ nhiều khi nó chỉ là nhất thời. Bởi vì xu hướng tự do hóa thương mại là xu hướng đã kéo dài trên 78 năm rồi, từ năm 1947 khi có Hiệp định thương mại về thuế quan ra đời và cho đến nay loài người đang đấu tranh cho tự do hóa và bảo hộ và tự do hóa đang là xu hướng cơ bản, xu hướng bao trùm và xu hướng lâu dài. Cho nên những chính sách bảo hộ thời gian gần đây của ông Trump chỉ gói gọn trong nhiệm kỳ mà thôi.

Xét về lâu dài, tự do hóa thương mại, toàn cầu hóa và hội nhập vẫn là xu hướng cơ bản tạo ra lợi ích tối ưu hơn so với chính sách bảo hộ có tính cục bộ và chỉ bảo vệ lợi ích nhất thời. Đặc biệt ở đây là chính sách này nhằm phản ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mục tiêu của nước Mỹ là tạo ra một chính sách có lợi cho nước Mỹ, nước Mỹ là trên hết và làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Vĩ đại trở lại tức là các nước khác không nên cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ. Và nếu các nước khác chấp nhận trật tự như vậy thì chắc chắn tự do hóa sẽ trở lại một cách bình thường.

Theo tôi đó cũng là điều tốt bởi thế giới cần có một quốc gia đứng đầu và cho đến bây giờ Mỹ vẫn xứng đáng với vai trò đó. Họ sắp đặt được rất nhiều luật lệ cho thế giới và cũng góp phần vào giữ gìn, bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế, chống khủng bố,...

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Tổng thống Donald Trump ‘khai tử’ toàn bộ ưu đãi dành cho xe điện dưới thời ông Biden

Tổng thống Donald Trump ‘khai tử’ toàn bộ ưu đãi dành cho xe điện dưới thời ông Biden

Triển vọng kinh tế sau lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/pgsts-nguyen-thuong-lang-cang-thang-mytrung-duoi-thoi-trump-20-va-ham-y-doi-voi-viet-nam-135230.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Căng thẳng Mỹ-Trung dưới thời Trump 2.0 và hàm ý đối với Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH