Liên quan tới việc người dân ở Thanh Hóa trồng 'cây làm giàu' lâm cảnh nợ nần, ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho hay sẽ tổ chức hội nghị với công ty và các huyện về vấn đề này.
Theo ông Cao Văn Cường, Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramia (Công ty An Phước) vừa có văn bản gửi Sở NN-PTNTN và các huyện về việc phát triển vùng nguyên liệu gai xanh tại Thanh Hóa.
Công ty thừa nhận, giai đoạn cuối năm 2022-2023, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu gây ảnh hưởng trực tiếp tới ngành dệt may Việt Nam, theo đó công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Từ những nguyên nhân trên, dẫn đến việc thanh toán tiền thu mua vỏ gai khô cho người dân và đối tác bị chậm. Niềm tin của người dân bị giảm sút, vùng nguyên liệu có nguy cơ bị xóa sổ…
Nhận định đây là vấn đề nghiêm trọng, phía doanh nghiệp đã tiến hành tái cấu trúc công ty, mọi việc đã hoàn thành, khó khăn về tài chính đã được giải quyết. Các khoản nợ của người dân trước đó đã được thanh toán. Công ty cũng đã thông báo đến người dân về việc tiếp tục thu mua sản phẩm của bà con kể từ ngày 27/11.
Theo báo cáo của Công ty An Phước, từ khi xây dựng nhà máy sản xuất sợi đến nay, nhà máy đã gắn liền với vùng nguyên liệu hiện có trên địa bàn tỉnh với nhu cầu 6.000 tấn nguyên liệu/năm. Để chạy được 100% công suất, việc mở rộng vùng nguyên liệu là hết sức cần thiết cho nhà máy hoạt động.
Đại diện công ty chia sẻ, theo kế hoạch đã được xây dựng, nhu cầu hết năm 2024, công ty sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh thêm 1.000ha, đến năm 2025 tổng diện tích vùng nguyên liệu đạt 3.000ha. Doanh nghiệp luôn xác định Thanh Hóa là địa bàn trọng tâm để phát triển vùng nguyên liệu.
Thời gian tới, công ty cam kết thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây gai nguyên liệu đã được ký giữa công ty với tổ chức, cá nhân trồng cây gai trên địa bàn.