Phá dỡ khu vườn trên mây từng là biểu tượng 'sống ảo' hot nhất miền Bắc
Vườn Vô Cực chính thức bị phá dỡ sau nhiều năm vi phạm trật tự xây dựng.
Ngày 8/5/2025, công trình Vườn Vô Cực – từng được mệnh danh là khu vườn trên mây - điểm "sống ảo" bậc nhất miền Bắc – đã chính thức bị phá dỡ sau hơn ba năm tồn tại. Nguyên nhân là công trình này đã vi phạm trật tự xây dựng kéo dài từ năm 2021 đến nay.
Vườn Vô Cực nằm tại tổ 3, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thị xã khoảng 5km. Công trình được xây dựng từ tháng 3/2021 trên diện tích 9.700m2, với điểm nhấn là tòa nhà 3 tầng, trong đó tầng 3 là bể bơi vô cực, tầng dưới bày bán sản phẩm.

Ngoài ra, còn có cổng trời săn mây, vườn hoa, nhà dân tộc. Với giá vé vào cổng 200.000 đồng/người, nơi này từng thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi ngày, đặc biệt vào dịp cuối tuần.
>> Cao tốc đi qua 'siêu thủ phủ công nghiệp mới' được đề xuất mở rộng lên 8 làn xe
Tuy nhiên, vào đầu năm 2021, UBND phường Cầu Mây kiểm tra và phát hiện công trình xây dựng trái phép trên đất trồng cây, phần lớn diện tích thuộc Di tích thắng cảnh ruộng bậc thang Sa Pa – đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia. Chính quyền địa phương đã lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ công trình.

Sau nhiều lần đối thoại và ban hành quyết định xử phạt, đến ngày 6/5/2025, chủ đầu tư đã đồng ý tự nguyện tháo dỡ công trình. Đến chiều 8/5, phần lớn khối lượng công trình đã được tháo dỡ, với ba máy phá bê tông hoạt động liên tục. UBND thị xã Sa Pa yêu cầu việc tháo dỡ hoàn thành trước ngày 15/5 này.

Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, cho biết việc phá dỡ Vườn Vô Cực là cần thiết để bảo vệ cảnh quan và di tích quốc gia. Thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường quản lý các dự án du lịch đầu tư, sử dụng đất đa mục đích, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và bảo vệ môi trường.
Việc phá dỡ Vườn Vô Cực là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc phát triển du lịch bền vững, hài hòa với thiên nhiên và tuân thủ pháp luật.
>> Quy hoạch chi tiết, xác định vùng ưu tiên siêu cảng nước sâu hơn 61.000 tỷ tại vùng cửa ngõ ĐBSCL