Doanh nghiệp

Phạm Thị Huyền Trang lừa 13.000 người: Loạt kịch bản người Việt mất nghìn tỷ

Mạnh Hà 27/01/2025 10:59

Phạm Thị Huyền Trang và đồng phạm lừa 1.000 tỷ đồng của 13.000 người dân khiến bao gia đình tan nát. Trước đó là TikToker Mr Pips bị bắt cùng 5.000 tỷ, hay TGĐ Công ty Triệu nụ cười, Tâm Lộc Phát Vàng Anji…

Đủ chiêu trò lấy tiền của nạn nhân

Ngày 24/1, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, vừa phối hợp với Cục chức năng của Bộ Công an và công an các tỉnh triệt phá thành công đường dây lừa đảo xuyên biên giới sử dụng công nghệ cao, với các thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nhóm đối tượng này hoạt động tại khu vực Tam Thái Tử (thành phố BaVet, tỉnh Svay Riêng, Campuchia), với thủ đoạn giả danh công an cấp phường, công an cấp huyện, cán bộ ngành thuế, điện, giáo dục gọi điện thoại yêu cầu bị hại cập nhật thông tin căn cước công dân, nộp hồ sơ nhập học trực tuyến, khám sức khỏe, kê khai thuế,… sau đó chiếm quyền sử dụng điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại.

Phạm Thị Huyền Trang (26 tuổi, Hải Phòng) được xác định là quản lý cấp cao, có nhiệm vụ xây dựng kịch bản lừa đảo, đào tạo, huấn luyện người trong đường dây lừa đảo. Từ tháng 5/2024 đến nay, những kẻ này chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng của hơn 13.000 bị hại trên cả nước.

Trước đó, có rất nhiều vụ lừa đảo có quy mô rất lớn khiến người dân mất tiền như: vụ TikToker Mr Pips bị bắt cùng 5.000 tỷ, hay TGĐ Công ty Triệu nụ cười, Tâm Lộc Phát Vàng Anji…

LuadaoPhamThiHuyenTrangCampuchia VTV.gif
Phạm Thị Huyền Trang (26 tuổi, Hải Phòng) được xác định là quản lý cấp cao, có nhiệm vụ xây dựng kịch bản lừa đảo, đào tạo, huấn luyện người trong đường dây lừa đảo 1.000 tỷ đồng. Ảnh: VTV

TikToker Phó Đức Nam - còn được biết đến với cái tên Mr Pips (30 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu) lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán. TikToker này núp danh nghĩa công ty, trang mạng hoạt động về lĩnh vực telemarketing (tiếp thị qua điện thoại), tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán với nhiều mã cổ phiếu quốc tế như: Facebook, Apple… để thực hiện hành vi bất chính.

Phó Đức Nam cùng đồng phạm đã dụ dỗ khách hàng vào những nhóm chat riêng rồi mời tham gia các sàn, tư vấn đánh lệnh lớn, sử dụng đòn bẩy tiền vay để bị hại nhanh chóng cháy tài khoản, nhằm tiếp tục chiếm đoạt tài sản của bị hại…

Công an xác định có hơn 2.600 bị hại trên toàn quốc, phong tỏa nhiều tài sản ước tính hơn 5.200 tỷ đồng, trong đó gần 1.000 miếng vàng SJC, 246 kg vàng nguyên khối, 31 siêu xe, hàng trăm bất động sản…

Cuối năm 2024, Cơ quan Công an cũng xác định tổng giám đốc Công ty Triệu nụ cười có dấu hiệu lừa đảo bán tiền ảo thu 30 tỷ đồng.

Hồi giữa tháng 4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Khuyên, TGĐ CTCP Tập đoàn Tâm Lộc Phát để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, huy động vốn từ hàng nghìn nhà đầu tư và hứa trả lãi cao, rồi chiếm đoạt tiền trị giá nghìn tỷ đồng.

Tâm Lộc Phát đã liên tục tổ chức các sự kiện có sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ, diễn viên cũng như youtuber hài nổi tiếng tại Việt Nam, đồng thời phô trương trên web về quy mô khủng của doanh nghiệp, từ kênh truyền hình, hãng phim riêng cho tới thương hiệu vàng bạc đá quý trang sức với thương hiệu Anji…

Đầu năm 2024, Công an Hà Nội cũng đã khui ra vụ Sen Tài Thu huy động hơn 1.000 tỷ đồng với lãi suất cao cho dù doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán. Việc huy động được thực hiện dưới danh nghĩa mua bán cổ phần. Sen Tài Thu đưa ra lãi suất cam kết cao, vào khoảng 12%/năm. Sen Tài Thu cũng đã thực hiện việc huy động tiền của người sau trả cho người trước. Ngoài lãi suất trả cho nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng chi phần trăm hoa hồng rất lớn cho đội ngũ nhân viên sale.

Đánh vào lòng tham

Hồi tháng 11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Mỹ Hạnh (1980), chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Mỹ Hạnh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, bà Hạnh đưa thông tin sai sự thật về dự án đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh ở nhiều địa phương, huy động hơn 1.200 tỷ đồng của nhiều cá nhân rồi chiếm đoạt.

Trong trường hợp Sen Tài Thu, doanh nghiệp này huy động được một lượng lớn tiền có lẽ từ khoản lợi nhuận cao và danh tiếng của doanh nghiệp này.

MrPip vang VNEtheocongan.gif
Vàng miếng trong vụ Mr Pips. Ảnh: CA

Còn với sâm Ngọc Linh Mỹ Hạnh hay Tâm Lộc Phát, giới đầu tư bị lừa có lẽ bởi lãi suất rất cao và những màn phô trương, quảng bá rầm rộ trên cả những tờ báo chính thống, mượn hình ảnh của các nghệ sĩ nổi tiếng…

Gần đây, một số đối tượng giả mạo chữ ký tỷ phú, lập trang web na ná giống các tập đoàn lớn như Vingroup, Hòa Phát, Chứng khoán SSI… với mồi nhử lãi suất cao, lợi ích lớn để lừa đảo người dân.

Trong vài năm gần đây, tình trạng chèo kéo, dụ dỗ người có tiền đầu tư vào vàng và chứng khoán quốc tế rất phổ biến. Rất nhiều người hàng ngày nhận vài cuộc gọi từ các nhân viên được giới thiệu đến từ các công ty chứng khoán nổi tiếng để mời vào các nhóm chat để tư vấn đầu tư chứng khoán quốc tế. Không ít người đã bị lừa các khoản tiền rất lớn khi tham gia vào các sàn giao dịch, nhưng sau đó không rút được tiền về.

Có thể thấy, trong hầu hết các vụ lừa đảo, người dân bị đánh vào vào sự thiếu hiểu biết hoặc/và lòng tham. Và những kẻ lừa đảo thường có trình độ cao về học vấn, có khả năng nắm bắt tâm lý người bị lừa.

LuadaoPhamThiHuyenTrangCampuchia Tienphong.gif
Trong mắt bạn bè Trang là một người tài giỏi, biết tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung, thi đỗ một trường ĐH đào tạo ngôn ngữ tốp đầu Hà Nội. Ảnh: T. Phong

Phó Đức Nam được xem là một tài năng, có học vấn rất khủng, được nhận học bổng toàn phần của một trường đại học tại Singapore, được đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin, thành thạo ngoại ngữ, có IELTS 8.5, giao tiếp với người nước ngoài không cần phiên dịch.

Còn Huyền Trang được biết đến là một cô gái xinh đẹp, giỏi giang, biết tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung và có tư duy sắc bén, nhưng lại trở thành đầu não của đường dây lừa đảo. Với khả năng của mình, Trang lên các kịch bản hoàn hảo, sát thực tế, khiến người dân mất cảnh giác và dễ rơi vào bẫy. Kịch bản đánh vào tâm lý của người dân. Xưng danh tòa án, công an, thuế để dọa nạt cũng như hỗ trợ để xác minh giấy tờ, cài đặt áp, đồng thời cài mã độc vào điện thoại nạn nhân và chiếm quyền sử dụng, rồi rút tiền.

Những kịch bản tinh vi Phạm Thị Huyền Trang dựng lên đã khiến cả chục nghìn người sập bẫy và cũng gây ảnh hưởng tới rất nhiều người với các cuộc gọi lừa đảo diễn ra hàng ngày.

Trong những trường hợp tổ chức lừa đảo ở trong nước, người bị lừa có thể đòi được một phần tiền nhờ vào tài sản còn lại của doanh nghiệp/kẻ lừa đảo. Nhưng với những trường hợp lừa đảo được thực hiện trên không gian mạng, xuyên biên giới, rất nhiều người bị lừa gần như mất trắng. Mới đây, xuất hiện chiêu lừa mới "hỗ trợ lấy lại tiền" bị Tiktoker Mr Pips chiếm đoạt nhằm đánh vào tâm lý muốn lấy lại được tiền bị lừa đảo của nhiều người.

>> Mức lương của Phạm Thị Huyền Trang, nữ quản lý trong đường dây ‘siêu lừa’ 1.000 tỷ đồng vừa bị ‘sa lưới’

Mức lương của Phạm Thị Huyền Trang, nữ quản lý trong đường dây ‘siêu lừa’ 1.000 tỷ đồng vừa bị ‘sa lưới’

Vụ lừa đảo gần 1.000 tỷ đồng của 13.000 người Việt: Quản lý Phạm Thị Huyền Trang nhận 200 triệu đồng/tháng, những đối tượng khác thì sao?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/pham-thi-huyen-trang-lua-13-000-nguoi-nhung-kich-ban-nguoi-viet-mat-nghin-ty-2366981.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phạm Thị Huyền Trang lừa 13.000 người: Loạt kịch bản người Việt mất nghìn tỷ
    POWERED BY ONECMS & INTECH