BFC cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, do tình hình giá nguyên vật liệu trong nước cũng như trên thế giới tiếp tục ở mức cao nên giá bán các sản phẩm của BFC tăng theo làm cho doanh thu hợp nhất của Tập đoàn tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
CTCP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm, ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.390 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 161 tỷ đồng, tăng 8%.
Giải trình cho kết quả kinh doanh trong kỳ, phía BFC cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, do tình hình giá nguyên vật liệu trong nước cũng như trên thế giới tiếp tục ở mức cao nên giá bán các sản phẩm của BFC tăng theo làm cho doanh thu hợp nhất của Tập đoàn tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, phía BFC đã tiết giảm nhiều chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh làm cho lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 8,2% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng tài sản BFC ở mức 4.414 tỷ đồng, tăng 15% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 29% về 174 tỷ đồng; doanh nghiệp có 5 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng tại các nhà băng.
Ngoài ra, BFC đang phải trích lập dự phòng hơn 5,2 tỷ đồng cho khoản đầu tư 11,6 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn – Đông Hà. Đáng chú ý khi khoản dự phòng đầu tư tài chính dài hạn này có xu hướng tăng lên theo thời gian, cho thấy tình hình Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn – Đông Hà ngày càng kém khả quan.
Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 226%, lên 752 tỷ đồng. Chiếm chủ yếu là các phải thu ngắn hạn của khách hàng với 739 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng từ 25 tỷ đồng lên 31 tỷ đồng, đây là các khoản nợ xấu có thời gian quá hạn từ 6 tháng đến hơn 3 năm.
Hàng tồn kho BFC còn 2.615 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 2.534 tỷ đồng hồi đầu năm.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, BFC còn 3.079 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 23% sau 6 tháng. Nợ vay tài chính tăng 52%, lên 2.164 tỷ đồng và chiếm 70% tổng nợ. Nợ vay tài chính tăng cao, khiến chi phí lãi vay trong kỳ của BFC “phình to” từ 37 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý nữa trong bức tranh tài chính BFC là nợ thuế nhà nước neo khá cao ở mức 140 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, việc giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, kéo theo giá bán các sản phẩm tăng cao đang tác động khá nhiều đến BFC, thông tin tại Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Ngô Văn Đông, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc BFC cho biết: Hiện nay, phân đơn là các nguyên liệu chính của các công ty sản xuất phân bón NPK nên giá phân đơn tăng cao ảnh hưởng nhiều đến chính sách hàng tồn kho và kế hoạch sản xuất kinh doanh BFC.
Ông Đông thông tin thêm, thông tin về tăng trưởng phân bón NPK trong năm 2022 khoảng 4-5% do nông dân chuyển từ phân đơn sang phân NPK do giá phân bón tăng cao là chưa chính xác, theo thông tin khảo sát từ công ty do giá phân bón đang ở ngưỡng rất cao, vượt quá khả năng đầu tư của nông dân.
Trong năm 2022, BFC đặt kế hoạch doanh thu đạt 6.427 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng đầu năm BFC đã hoàn thành 68% doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận (205 tỷ đồng sau 6 tháng) đã đề ra.
Phân bón Bình Điền (BFC) báo lãi 9 tháng gấp 4 lần, vượt 105% kế hoạch năm
Sớm vượt 94% kế hoạch, Phân bón Bình Điền đặt kế hoạch khiêm tốn trong 3 tháng cuối năm