Phấn đấu 2030, 50% trang trại, HTX, doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản tiếp cận công nghệ, quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030.
Mục tiêu chung là phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến nhằm mục đích giảm thiểu đầu vào, giảm sử dụng nguyên liệu thô; tái chế tại chỗ các chất thải, phụ phẩm để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến; hình thành chu trình sản xuất nông, lâm, thuỷ sản khép kín theo chuỗi; thông qua quá trình này, không chỉ tạo ra được các sản phẩm chất lượng cao, an toàn mà còn giảm thiểu tối đa lượng chất thải ra môi trường, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp gắn liền với việc bảo vệ môi trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Nghiên cứu hoàn chỉnh và đưa vào áp dụng các công nghệ tái chế và tái sử dụng các phụ phẩm trong chu trình sản xuất nông, lâm, thuỷ sản theo chuỗi khép kín. Phấn đấu 50% phụ phẩm trồng trọt và chất thải chăn nuôi, 100% nước và 80% chất thải trong nuôi trồng thủy sản, 100% phụ phẩm của công nghiệp chế biến nông sản được tái sử dụng cho sản xuất tuần hoàn.
Giá trị lĩnh vực kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tăng bình quân 10%/năm. Giá trị các mô hình, dự án sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn tăng ít nhất 20%. Xây dựng các chu trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn khép kín, không phụ phẩm, không chất thải bao gồm: tuần hoàn chất dinh dưỡng, tuần hoàn chất hữu cơ, tuần hoàn nước, tuần hoàn năng lượng và tuần hoàn vật liệu nhựa.
Phấn đấu 50% các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản được tiếp cận và ứng dụng các công nghệ, quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại nông lâm thủy sản, hợp tác xã, trang trại ứng dụng các mô hình sản xuất tuần hoàn đạt 25%.
Ít nhất 50% nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc các chương trình khoa học và công nghệ các cấp từ trung ương đến địa phương được đầu tư nghiên cứu phát triển các công nghệ, quy trình sản xuất nông, lâm, thuỷ sản phải đáp ứng các tiêu chí giúp giảm đầu vào, tái sử dụng phụ phẩm, phát thải thấp và bền vững với môi trường.
Nhiệm vụ và giải pháp
Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: 1- Truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; 2- Hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; 3- Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất tiên tiến trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đối với sản xuất nông nghiệp; 4- Chuyển giao nhân rộng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp bền vững; 5- Xác định thị trường đầu ra cho sản phẩm của mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; 6- Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; 7- Đào tạo nguồn nhân lực thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; 8- Học hỏi kinh nghiệm và hợp tác quốc tế trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệm.
Trong đó, về phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất tiên tiến trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đối với sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất: Tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin ngành nông nghiệp để có thể sử dụng các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ số gắn với mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; phát triển công nghệ chuyển đổi số phục vụ cho thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng loại mô hình kinh tế tuần hoàn của từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản, lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu phát triển, tạo ra các công nghệ, quy trình sản xuất khép kín theo chuỗi, vật tư đầu vào (giống kháng bệnh, chống chịu; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học; chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh, dinh dưỡng đất, thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản; chế phẩm xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp, tái chế, xử lý phụ phẩm; chế phẩm trong bảo quản chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm…), giảm sử dụng tài nguyên đầu vào, kéo dài vòng đời sản phẩm, tái sử dụng và tái chế chất thải.
Ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất đề xuất xây dựng lồng ghép các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong khuôn khổ triển khai thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã phê duyệt, cấp bộ, cấp địa phương để ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ đối với một số lĩnh vực trọng điểm để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp gồm:
Trong lĩnh vực trồng trọt, ưu tiên nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng có giá trị thương mại đồng thời kháng bệnh, chống chịu; nghiên cứu làm chủ quy trình sản xuất các chế phẩm sinh học, phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm phục hồi độ phì đất, dinh dưỡng đất, chế phẩm bảo quản, chế biến, tái chế phụ phẩm trong sản xuất trồng trọt; quy trình canh tác khép kín giảm phát thải phù hợp với đặc thù vùng sinh thái và quy mô sản xuất.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ưu tiên nghiên cứu công nghệ chọn tạo giống vật nuôi có năng suất, chất lượng đồng thời chống chịu bệnh, hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi cao; nghiên cứu làm chủ công nghệ về sản xuất thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung thức ăn chăn nuôi, các chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi; nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ chăn nuôi tuần hoàn không chất thải; quy trình thu gom, xử lý chất thải lỏng, chất thải rắn để hình thành ngành công nghiệp dinh dưỡng hữu cơ cho canh tác cây trồng. Ưu tiên nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo các vaccine thế hệ mới, kiểm soát dịch bệnh không tác động đến sức khoẻ con người và môi trường.
Trong lĩnh vực thủy sản, ưu tiên nghiên cứu công nghệ chọn tạo giống thuỷ sản kháng bệnh, hiệu quả sử dụng thức ăn cao; nghiên cứu làm chủ công nghệ về sản xuất thức ăn thuỷ sản, các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung thức ăn thuỷ sản, các chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi; nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ nuôi tuần hoàn nguồn nước, không chất thải; quy trình thu gom, xử lý tái xử dụng nước nuôi khép kín. Ưu tiên nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo các vaccine, chế phẩm thế hệ mới, nguồn gốc thực vật, kiểm soát dịch bệnh không tác động đến sức khoẻ con người và môi trường.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, tập trung nghiên cứu chọn tạo giống cây lâm nghiệp chống chịu bệnh, điều kiện bất thuận của môi trường để phục vụ trồng rừng thâm canh gỗ lớn phù hợp với đặc thù theo vùng sinh thái, giống cây ngập mặn phục vụ trồng rừng ngập mặn thích ứng với BĐKH; nghiên cứu làm chủ công nghệ xử lý, tái chế và sử dụng phụ phẩm, sinh khối trong ngành công nghiệp rừng; các công nghệ chế tạo vật tư đầu vào (keo, sơn, chất kết dính…) an toàn với sức khoẻ con người và môi trường; nghiên cứu làm chủ các quy trình canh tác, phục hồi rừng tự nhiên đảm bảo chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong lĩnh vực thuỷ lợi, tập trung nghiên cứu làm chủ công nghệ sử dụng nước tiết kiệm; quy trình canh tác kết dinh dưỡng theo nước, dinh dưỡng theo đất phù hợp với đặc thù loại cây trồng, vùng sinh thái; quy trình chăn nuôi tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải đảm bảo an ninh nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp.
Quảng Ngãi chi 540 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng hệ thống thủy lợi hồ Núi Ngang - Liệt Sơn
Hà Nội: Chợ đầu mối trên đất công trình thủy lợi vẫn nhộn nhịp sau lệnh đóng cửa